Trung Quốc có lợi ích lớn mức nào tại Kazakhstan?
Kazakhstan đang trải qua làn sóng bạo lực tồi tệ nhất trong 30 năm kể từ khi tuyên bố độc lập.
Ngay sau khi tình hình leo thang căng thẳng, Trung Quốc là một trong những nước sớm lên tiếng đề nghị giúp đỡ Kazakhstan.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi thông điệp tới Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, khẳng định Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ nước này giải quyết khủng hoảng cũng như phản đối các thế lực bên ngoài kích động bất ổn tại quốc gia Trung Á.
Kazakhstan quan trọng với Trung Quốc như thế nào?
Kazakhstan giáp biên giới phía Tây Bắc Trung Quốc, có trữ lượng dầu mỏ và khoáng chất dồi dào.
Quan hệ thương mại giữa Kazakhstan và Trung Quốc đã bắt đầu từ thời cổ đại khi những thương lái Nhà Hán cùng binh sỹ và lạc đà đi qua Kazakhstan trên Con đường Tơ lụa để tới Châu Âu.
Ngày nay, Kazakhstan tiếp tục là cầu nối quan trọng trong dự án Vành đai và Con đường được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố năm 2013 nhằm mở rộng mạng lưới cơ sở hạ tầng ra thế giới.
Đám đông tham gia biểu tình tại Kazakhstan. Ảnh - AP
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Kazakhstan đồng thời là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của quốc gia Trung Á.
Tổng giá trị thương mại song phương đạt 22,94 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2021, tăng 14,7% so với năm trước đó. Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa trị giá 12,59 tỷ USD sang Kazakhstan và nhập khẩu hàng hóa trị giá 10,35 tỷ USD theo chiều ngược lại.
Hoạt động trao đổi thương mại giữa 2 nước được đẩy mạnh nhờ Sáng kiến Vành đai, Con đường và không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo số liệu từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Kazakhstan, Trung Quốc đầu tư 19,2 tỷ USD vào đất nước Trung Á trong giai đoạn 2005-2020. Khoảng 56 dự án có nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc tại Kazakhstan, trị giá 24,5 tỷ USD dự kiến hoàn thành năm 2023.
Năm 2021, Công ty China Railway Express (chuyên về vận tải, logistics) của Trung Quốc đã vận hành 15.000 tàu chở container tới Kazakhstan, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái và 1,46 triệu TEU (đơn vị container tiêu chuẩn dài 20 feet), tăng 29% so với năm ngoái, theo China Railway.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực năng lượng tại Kazakhstan.
Năm 2013, Kazakhstan bán 8,33% cổ phần mỏ dầu Kashagan cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc với giá 5 tỷ USD.
Các lĩnh vực nổi bật mà doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Kazakhstan là sản xuất tấm quang năng, logistics và điện gió. Đường ống khí đốt Trung Quốc - Trung Á đi vào vận hành từ năm 2009 cũng đi qua Kazakhstan.
Hoạt động kinh doanh, đầu tư của Trung Quốc có bị ảnh hưởng?
Đại sứ quán Trung Quốc tại Kazakhstan đã cảnh báo nguy cơ an ninh tới các công ty Trung Quốc đang hoạt động tại Kazakhstan, yêu cầu các doanh nghiệp chú ý theo dõi tình hình bạo loạn tại quốc gia Trung Á.
Tuy nhiên, tờ Global Times dẫn các nguồn tin am hiểu tình hình nhận định cuộc bạo loạn tại Kazakhstan chưa gây ảnh hưởng lớn tới các công ty Trung Quốc và đường ống dẫn khí đốt giữa 2 quốc gia vẫn an toàn do nằm ở vị trí cách xa các thành phố đang xảy ra biểu tình.
Global Times cũng đưa tin Chính phủ Kazakhstan đang áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn cho các công ty Trung Quốc.
Yang Jin, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định cuộc bạo loạn tại Kazakhstan vẫn tiềm ẩn nguy cơ với các khoản đầu tư của Trung Quốc, ít nhất là trong giai đoạn ngắn.
“Nếu bạo loạn lan rộng, sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ và ảnh hưởng. Các dự án của Trung Quốc tại Kazakhstan cần thận trọng. Cơ sở hạ tầng đường ống dẫn dầu, khí đốt và các dự án lớn có thể bị tàn phá vì bạo loạn”, chuyên gia Yang Jin nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Hôm 8.1, Kazakhstan tuyên bố bắt giữ khẩn cấp cựu lãnh đạo an ninh nước này cùng nhiều quan chức khác với cáo buộc phản...