Trung Quốc có kế hoạch phi pháp mới ở Hoàng Sa
Trung Quốc sẽ thúc đẩy kế hoạch xây dựng trái phép một "thành phố đảo" trên đảo Phú Lâm và hai đảo nhỏ hơn lân cận trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Cái gọi là Thành phố Tam Sa của Trung Quốc. Ảnh: SANSA.GOV.CN
Theo báo South China Morning Post, ông Zhang Jun, Bí thư của đơn vị mà Trung Quốc ngang nhiên gọi là "thành phố Tam Sa" trong một cuộc họp ngày 15-3 cho biết kế hoạch phát triển trên nhằm mục đích biến đảo Phú Lâm, và hai đảo nhỏ là đảo Cây và đảo Duy Mộng thành một "cơ sở dịch vụ và hậu cần chiến lược quốc gia". Tất cả các thực thể này đều thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuyên bố trên không cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch nhưng cho biết giới chức ở cái gọi là "thành phố Tam Sa" phải "thực hiện các bước tích cực và thể hiện sáng kiến của họ" để cung cấp "báo cáo thỏa đáng" cho lãnh đạo.
Cuộc họp ở cái gọi là thành phố Tam Sa được tổ chức trong lúc các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông đang chịu sự giám sát ngày càng cao của cộng đồng quốc tế và đặc biệt là nhiều hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc.
Hôm 12-3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích: "Trung Quốc xây dựng đảo bất hợp pháp trên các tuyến đường hàng hải quốc tế" và cáo buộc Bắc Kinh ngăn chặn sự phát triển năng lượng ở Biển Đông bằng "các biện pháp cưỡng ép".
Hôm 13-3, hai máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ có khả năng mang vũ khí hạt nhân đã bay qua khu vực Biển Đông lần thứ hai trong 10 ngày.
Hải quân Mỹ đã hai lần tiến hành quyền tự do hàng hải ở Biển Đông trong năm nay. Vào tháng 1, USS McCampbell đã đi vào vùng nước trong quần đảo Hoàng Sa và vào ngày 11-2, USS Spruance và USS Preble đã đi gần Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) đang bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng phi pháp. Ảnh: INSIDER
Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Mỹ đã thực hiện ít nhất năm hoạt động như vậy vào năm ngoái và bốn hoạt động trong năm 2017, 2016 và 2015. Các hoạt động này được giới quan sát đánh giá là để thách thức các tuyên bố chủ quyền phi lý của chính quyền Bắc Kinh.
Việt Nam trước đến nay luôn nhất quán rằng Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để chứng minh cho chủ quyền thiêng liêng của mình tại Hoàng Sa, Trường Sa. Nhiều chuyên gia lẫn chính trị gia nhận định các bằng chứng lịch sử, pháp lý mà Việt Nam thu thập được hiện nay rất phong phú, đủ sức để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hải quân Mỹ sẽ không thay đổi các hoạt động duy trì quyền tự do hàng hải trên Biển Đông bất chấp một hành động...