Trung Quốc chuẩn bị khánh thành khu cách ly hiện đại nhất thế giới

Khi các quốc gia trên thế giới bắt đầu mở cửa biên giới và nới lỏng hạn chế, Trung Quốc lại tăng cường chiến lược không COVID-19. Ví dụ mới nhất là khu cách ly 5.000 phòng trị giá 260 triệu USD dành cho khách nhập cảnh sắp được khai trương ở Quảng Châu.

Khu cách ly này gồm nhiều dãy nhà 3 tầng được xây theo lối kiến trúc truyền thống của Trung Quốc, "trải dài trên khu đất rộng tương đương diện tích 46 sân vận động", theo CNN. Chỉ mất 3 tháng để khu đất hoang vu ở ngoại ô này trở thành khu nhà cách ly quy mô lớn.

Tổ hợp này sẽ thay thế các khách sạn được chỉ định để làm nơi cách ly cho những du khách quốc tế từ nước ngoài, nhằm giảm tiếp xúc của người dân địa phương đối với những người có thể mang bệnh từ bên ngoài vào.

Những người nhập cảnh sẽ được xe buýt chở thẳng từ sân bay về đây, rồi ở lại trong ít nhất 2 tuần. Một phòng được trang bị camera để chat video và nhiệt kế hoạt động bằng trí tuệ nhân tạo. Robot phụ trách việc phục vụ 3 bữa ăn mỗi ngày cho những người cách ly nhằm giảm thiểu tiếp xúc với nhân viên.

“Đây thực sự là trung tâm cách ly hiện đại nhất thế giới, được trang bị những công nghệ rất cao, rất phức tạp”, Yanzhong Huang, nhà nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Đối ngoại (tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách), đánh giá.

Khu cách ly mang tên Trạm y tế quốc tế Quảng Châu là trung tâm đầu tiên như vậy được thành lập ở Trung Quốc. Các chuyên gia nói rằng đây là một trong nhiều trung tâm mà chính phủ Trung Quốc lập ra để tăng cường chiến lược không COVID-19.

Toàn cảnh khu cách ly ở Quảng Châu. (Ảnh: CNN)

Toàn cảnh khu cách ly ở Quảng Châu. (Ảnh: CNN)

Tại trung tâm sản xuất Đông Quản, cách Quảng Châu khoảng 1 giờ lái xe, một “trung tâm y tế quốc tế” nữa đang được xây dựng, với quy mô 2.000 phòng. Xa xuống phía nam, trung tâm công nghệ Thâm Quyến cũng có kế hoạch xây dựng cơ sở tương tự.

“Đây không chỉ là biện pháp tạm thời, các lãnh đạo Trung Quốc cho rằng đại dịch sẽ còn tồn tại một thời gian nữa, và Trung Quốc sẽ tiếp tục biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt. Những cơ sở như thế này giúp củng cố chiến lược không chấp nhận COVID-19”, ông Huang đánh giá.

Trong hơn 18 tháng, Trung Quốc đóng cửa biên giới với hầu hết người nước ngoài. Những người được phép nhập cảnh và công dân Trung Quốc về nước đều phải cách ly bắt buộc ít nhất 2 tuần tại khách sạn, sau đó là ít nhất 1 tuần nữa cách ly tập trung hoặc tại nhà, kể cả những người đã tiêm đủ vắc-xin.

Nhưng virus liên tục phá vỡ hệ thống bảo vệ của Trung Quốc. Hồi tháng 5, biến chủng Delta gây ra một đợt bùng phát ở tỉnh Quảng Đông, bao gồm hai thành phố Quảng Châu và Thâm Quyến.

Đến cuối tháng 6, Quảng Đông khống chế được đợt dịch, nhưng chính quyền xác định rằng những biện pháp hiện tại chưa đủ để ngăn virus. Ông Chung Nam Sơn, cố vấn y tế hàng đầu của chính phủ, nói với báo chí nước này rằng Quảng Châu cần xây dựng một khu cách ly tập trung cho tất cả người nước ngoài vào nhằm siết chặt quy định.

Dự án này nhanh chóng được triển khai, với hơn 4.000 công nhân được đưa đến công trường. Khu cách ly được hoàn thành từ đầu tháng này và nhóm 184 nhân viên y tế đầu tiên đã đến từ tuần trước để chuẩn bị cho lễ khai trương chính thức.

Trung Quốc siết các biện pháp cách ly đối với người vào từ bên ngoài khi ngày càng thêm nhiều quốc gia mở cửa. Tuần trước, Mỹ thông báo từ tháng 11 sẽ nới lỏng hạn chế nhập cảnh với tất cả những người nước ngoài đã tiêm đầy đủ.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, nhiều ý kiến kêu gọi chính quyền nên kéo dài thời gian cách ly đối với người vào từ bên ngoài. Nhiều ý kiến đổ lỗi cho những người nhập cảnh mang virus về từ nước khác, nhất là trong đợt bùng phát gần đây ở tỉnh Phúc Kiến.

Trung Quốc siết chặt biện pháp cách ly dù nước này đã đạt được bước tiến lớn trong chương trình tiêm chủng. Đầu tháng này, chính quyền thông báo 1 tỷ người dân Trung Quốc đã được tiêm đủ mũi bằng vắc-xin nội địa, chiếm 71% trong tổng số 1,4 tỷ dân Trung Quốc. Tỷ lệ này cao hơn nhiều quốc gia đã mở cửa biên giới.

Nguồn: [Link nguồn]

Những thách thức Trung Quốc đang đối mặt hậu đại dịch Covid-19

Phó Giáo sư Nicholas Thomas cho rằng, lựa chọn của Trung Quốc lúc này là một lựa chọn an toàn nhưng không bền vững.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN