Trung Quốc chưa đủ năng lực đóng tàu sân bay hạt nhân?
Tàu sân bay tiếp theo và là tàu sân bay thứ 4 của Trung Quốc nhiều khả năng vẫn chỉ sử dụng động cơ diesel thông thường, thay vì động cơ hạt nhân, các nhà phân tích nhận định.
Trung Quốc mới hạ thủy tàu sân bay Type 003 mang tên Phúc Kiến hồi tuần trước.
Điều này có nghĩa là hải quân Trung Quốc vẫn thua kém so với hải quân Mỹ về công nghệ đóng tàu sân bay. Toàn bộ 11 tàu sân bay Mỹ hiện đang hoạt động đều là tàu sân bay hạt nhân.
Nguyên nhân tàu sân bay tiếp theo của Trung Quốc vẫn sử dụng động cơ thông thường là do công nghệ lò phản ứng hạt nhân của Trung Quốc chưa đạt đến mức tiên tiến cần thiết để trang bị cho tàu sân bay, theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP).
Trung Quốc tuần trước hạ thủy tàu sân bay thứ ba mang tên Phúc Kiến, sử dụng công nghệ máy phóng điện từ tương tự tàu sân bay Mỹ.
Tàu Phúc Kiến bị hạn chế năng lực hoạt động vì động cơ diesel. USS Kitty Hawk, tàu sân bay Mỹ cuối cùng sử dụng động cơ diesel, bị loại biên năm 2009, phải quay về cảng nạp nhiên liệu mỗi một tháng/lần.
Nguồn tin giấu tên trong quân đội Trung Quốc nói quá trình thiết kế tàu sân bay thứ 4 (Type 004) đã hoàn tất, nhưng con tàu nhiều khả năng vẫn sử dụng động cơ thông thường, theo SCMP.
“Giới lãnh đạo hải quân chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng nghiêng về phương án sử dụng động cơ thông thường cho tàu Type 004”, nguồn tin giấu tên tiết lộ.
Tàu sân bay thứ 4 sẽ được đóng trong thời gian tới và dự kiến hạ thủy trong giai đoạn năm 2025 – 2027. Nhà máy đóng tàu Giang Nam ở Thượng Hải sẽ vẫn đảm nhận việc đóng tàu sân bay. Loại thép đặc biệt để đóng tàu sân bay đã được chuẩn bị, nhưng vẫn cần phải chờ đến khi tàu Phúc Kiến hoàn tất một số thử nghiệm trên biển.
Theo các chuyên gia quân sự, dấu hiệu trên là bằng chứng mới nhất cho thấy Trung Quốc chưa thể đuổi kịp Mỹ về công nghệ đóng tàu sân bay.
“Vẫn còn khoảng cách khá xa đối với Trung Quốc để phát triển tàu sân bay hạt nhân”, Zhou Chenming, chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, nói.
Trung Quốc muốn sở hữu 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030. Nhưng hiện mới chỉ có nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đã chứng minh năng lực sẵn sàng chiến đấu.
Trung Quốc đã phát triển lò phản ứng hạt nhân cho các tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo. Nhưng tàu Type 094 có kích thước lớn nhất chỉ 11.000 tấn, bằng 15% tàu sân bay Phúc Kiến.
Thách thức lớn nhất với động cơ hạt nhân trên tàu sân bay là cần phải đảm bảo hoạt động của tàu ở tốc độ cao, tầm hoạt động xa liên tục trong 8 tháng – khoảng thời gian tích trữ lương thực và nước uống cho thủy thủ đoàn khoảng 5.000 người.
Theo ông Zhou, tàu Phúc Kiến vẫn đang neo ở nhà máy Giang Nam, chưa ra biển thử nghiệm. Đây là dấu hiệu cho thấy con tàu đang gặp phải một số vấn đề.
“Sự cố hoặc trục trặc là không tránh khỏi vì Phúc Kiến là thế hệ tàu sân bay mới đầu tiên của Trung Quốc”, ông Zhou nói. “Những vấn đề mà Mỹ từng gặp phải đối với tàu USS Gerald R. Ford cũng có thể xảy ra với tàu Phúc Kiến”.
“Vì lý do an toàn, không nên vội vàng trang bị động cơ hạt nhân cho tàu sân bay”, ông Zhou cảnh báo.
Lò phản ứng ACP100 hiện đại nhất của Trung Quốc chưa sử dụng nhiên liệu hạt nhân hiệu quả như các lò phản ứng mà Mỹ trang bị trên tàu USS Nimitz và USS Ford.
Nói cách khác, lò phản ứng của Trung Quốc phải nạp nhiên liệu sau mỗi 2-3 năm, theo SCMP. Trong khi đó, sau mỗi 20 năm, Mỹ mới cần bảo dưỡng và nạp nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân trên các tàu lớp USS Nimitz.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau nhiều lần trì hoãn, Trung Quốc ngày 17.6 đã hạ thủy tàu sân bay Type 003 mang tên Phúc Kiến. Điều mà giới quan sát quân sự trên thế giới quan tâm là khi nào tàu Phúc Kiến đạt...