Trung Quốc cảnh báo Ấn Độ “trả giá đắt” nếu tính toán sai lầm
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng Ấn Độ đã lan truyền những thông tin sai sự thật về cuộc đụng độ chết người hôm 15.6 và hành động tẩy chay hàng hóa Trung Quốc “không phải là ý tưởng khôn ngoan”.
Binh sĩ Trung Quốc diễn tập tấn công căn cứ đối phương bằng súng máy.
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 24.6 đồng loạt ra thông cáo làm rõ các vấn đề liên quan đến cuộc đụng độ chết người ở thung lũng Galwan, bác bỏ những tuyên bố từ chính phủ Ấn Độ.
“Kể từ tháng 4, quân Ấn Độ liên tục xây đường sá, xây cầu ở thung lũng Galwan. Trung Quốc đã nhiều lần phản đối nhưng Ấn Độ bỏ ngoài tai”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói.
Ngô Khiêm, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói: “Hôm 6.6, Ấn Độ đã hứa không xâm phạm thung lũng Galwan. Nhưng họ đã không giữ lời, kích động lính Trung Quốc trong sự kiện ngày 15.6”.
“Khi binh sĩ Trung Quốc đang cố gắng đàm phán, quân Ấn Độ đã tấn công trước và kết quả là ẩu đả xảy ra. Cả hai bên đều có thương vong”, ông Ngô nói thêm.
Khi được một phóng viên Ấn Độ đặt câu hỏi rằng tại sao đến giờ Trung Quốc mới đưa ra tuyên bố, ông Triệu nói chính phủ Trung Quốc đã lan truyền quá nhiều thông tin sai sự thật, buộc Trung Quốc phải làm rõ lại sự kiện hôm 15.6.
Một chuyên gia quân sự giấu tên ở Bắc Kinh, nói trên tờ Hoàn Cầu rằng “không thể có chuyện Trung Quốc gây hấn trước, vì Bắc Kinh đang bận đối phó dịch Covid-19 và giải quyết vấn đề chiến lược với Mỹ”.
“Các chính trị gia Ấn Độ có thể coi đây là cơ hội để đòi lại lãnh thổ nên đã vượt ranh giới và xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây. Họ nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không dám chống trả nhưng họ đã nhầm. 20 quân nhân Ấn Độ ngã xuống là cái giá phải trả cho những sai lầm của các chính trị gia Ấn Độ”, chuyên gia này nói.
Sau cuộc đụng độ, làn sóng tẩy chay Trung Quốc dâng trào ở Ấn Độ, khiến dư luận Trung Quốc bất bình. Một cư dân mạng Trung Quốc bình luận: “Cứ trả tiền trước rồi muốn phá gì thì phá”.
Một người khác bình luận: “Chúng tôi cũng muốn tẩy chay hàng hóa Ấn Độ nhưng chẳng có hàng hóa Ấn Độ nào ở Trung Quốc cả”.
Theo Hoàn Cầu, thị trường Ấn Độ cần hàng hóa Trung Quốc vì các công ty Trung Quốc cung cấp sản phẩm với mức giá phải chăng và chất lượng tốt. Người Ấn Độ tẩy chay hàng hóa Trung Quốc chỉ thiệt cho họ, Hoàn Cầu bình luận.
Lu Xiang, nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc tại Bắc Kinh, nói trên tờ Hoàn cầu rằng, Ấn Độ có thể đang tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc để thu hút sự chú ý của Mỹ.
Trong cuộc chiến năm 1962, Ấn Độ cũng đã tính toán sai lầm và kết quả là chịu thất bại nặng nề, ông Lu nói.
Hoàn Cầu kết luận rằng Ấn Độ “sẽ phải trả giá” nếu tính toán sai lầm với Trung Quốc và hợp tác Trung-Ấn trên cơ sở hai bên cùng có lợi mới là sự lựa chọn đúng đắn nhất.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong bối cảnh Ấn Độ và Trung Quốc vẫn đang tiến hành các cuộc đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng sau vụ đụng độ...