Trung Quốc căng mình giữ thành trì 'zero COVID'
Chiến lược “zero COVID” của Trung Quốc không chỉ nhận sự tranh cãi về tính hiệu quả mà còn về khả năng duy trì nó.
Tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc (TQ) những ngày qua liên tục diễn biến phức tạp. Trong bảy ngày gần đây, TQ ghi nhận hơn 130 ca nhiễm mới ở 11 tỉnh, thành vùng tây bắc; 106 ca trong số này có liên quan tới khách tham gia 13 đoàn du lịch từng di chuyển qua những địa bàn này. Ngày 24-10, Ủy ban Y tế Quốc gia TQ (NHS) đã phải ra cảnh báo nguy cơ dịch có thể lan rộng hơn.
Chính quyền địa phương hành động mạnh
Từ cuối tuần trước, Bộ Văn hóa và Du lịch TQ ra văn bản kêu gọi các địa điểm du lịch, các công ty lữ hành và chính quyền địa phương cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Nhiều địa phương bị ảnh hưởng nặng trong đợt bùng phát lần này đã có những bước đi mạnh.
Ở thủ đô Bắc Kinh, dịch đã lan ra ba quận, trong đó có quận Hải Điến - nơi tập trung các cơ sở nghiên cứu khoa học. Tính đến ngày 25-10, Bắc Kinh ghi nhận ít nhất 15 ca nhiễm mới trong tuần qua sau hơn hai tháng không có ca cộng đồng nào. Tờ Beijing Daily cho hay tình hình mới đã buộc chính quyền thủ đô tạm hoãn giải marathon Bắc Kinh thường niên dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 31-10 tới, bên cạnh các biện pháp mạnh tay khác.
Cụ thể, ngoài chuẩn bị triển khai xét nghiệm hàng loạt cư dân, Bắc Kinh còn yêu cầu người từng di chuyển qua các địa phương có dịch trong 14 ngày gần đây không đến thủ đô, thậm chí là người có địa chỉ thường trú ở Bắc Kinh. Người nào được cho phép vào Bắc Kinh thì phải chuẩn bị thêm giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ và chịu cách ly theo dõi trong 14 ngày. Các hoạt động hội họp đông người trong nhà ở Bắc Kinh cũng sẽ bị hạn chế, với các địa điểm có người nhiễm COVID-19 sẽ bị phong tỏa hoặc đóng cửa hoàn toàn.
Nhân viên y tế Trung Quốc lấy mẫu xét nghiệm cư dân TP Erenhot thuộc khu tự trị Nội Mông ngày 26-10. Ảnh: CNN
Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, tỉnh Cam Túc tính đến ngày 25-10 đã ghi nhận ít nhất 40 ca nhiễm mới và dự đoán số ca nhiễm sẽ còn tăng. Một số TP lớn - trong đó có thủ phủ Lan Châu - đã thông báo ngừng các phương tiện giao thông đông người như xe buýt, taxi và tiến hành xét nghiệm hàng loạt cư dân nội tỉnh trong tuần này. Một số TP còn tạm đóng cửa trường học, chủ yếu là trường tiểu học và trung học, để bảo vệ sức khỏe trẻ em. Các hoạt động nghệ thuật, vui chơi - giải trí công cộng và tất cả địa điểm kinh doanh dịch vụ du lịch bị ngừng.
Khu tự trị Nội Mông là một địa phương khác ở TQ có phản ứng nhanh chóng với đợt bùng phát mới. Vùng Alxa Left Banner ở Nội Mông đang bị nghi ngờ là tâm dịch lần này do hơn 50% số ca nhiễm mới ghi nhận đều từng du lịch qua đây, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu. Hiện toàn bộ huyện Ejin Banner thuộc vùng này và TP Erenhot gần đó với tổng cộng gần 112.000 dân đã bị phong tỏa hoàn toàn - cho thấy mức độ nghiêm trọng của diễn biến dịch tại Nội Mông. Hồi cuối tuần trước, chính quyền Ejin Banner đã kỷ luật và đuổi việc sáu quan chức vì phản ứng chậm chạp và kém hiệu quả trong dịch bệnh.
Trung Quốc còn có thể duy trì “zero COVID” đến bao giờ?
Việc liên tục xuất hiện các đợt bùng dịch là thách thức lớn với chính sách chống dịch không khoan nhượng, quyết quét sạch F0 (zero COVID) của TQ. Dù lần nào làm mạnh tay và phong tỏa nghiêm thì TQ cũng sẽ thành công giữ được số ca nhiễm ở mức rất thấp nhưng câu hỏi cần đặt ra là thành quả này sẽ giữ được bao lâu, nhất là khi đối mặt với biến thể Delta lây lan rất nhanh như hiện nay.
Trả lời đài CNN, chuyên gia Yanzhong Huang thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ quốc tế (Mỹ) nhận định rằng càng về sau này, mỗi khi có đợt bùng phát dịch là giới chức TQ phải mất nhiều thời gian hơn để đưa số ca nhiễm về 0 so với trước.
“Một chiến lược quy mô lớn và cứng rắn như vậy qua thời gian sẽ ngày càng khó để duy trì vì yêu cầu đầu tư quá nhiều năng lượng tổ chức, chưa kể gây khó khăn về tài chính, kinh tế cho người dân và chính quyền địa phương có dịch, nếu cứ yêu cầu họ phải quét sạch F0 trong cộng đồng” - theo ông Yanzhong. Thực tế, một số quốc gia từng theo đuổi mục tiêu loại bỏ hoàn toàn F0 như TQ nay cũng chuyển hướng sang thực hiện kế hoạch sống chung an toàn với virus, chẳng hạn như Úc hay New Zealand và Singapore.
Nền kinh tế TQ sau thời gian dài duy trì chiến lược quét sạch F0 bắt đầu hứng chịu tổn thất nặng nề. Theo hãng tin Bloomberg, tăng trưởng doanh số bán lẻ TQ trong tháng 8 giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 7% như ước tính của giới phân tích. Ngân hàng Bank of America cũng vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của TQ trong năm 2022 từ 6,2% xuống 5,3%.
Đồng quan điểm, trả lời hãng tin Reuters, nhà virus học Lu Mengji thuộc ĐH Duisburg-Essen (Đức) nhấn mạnh rằng nhiệm vụ chính của việc phong tỏa, cách ly chỉ nên là đẩy đường cong của dịch xuống đến ngưỡng mà hệ thống y tế có thể chịu được mà không bị quá tải. Sau khi đạt được điều đó thì phải thực hiện song song việc nới lỏng các biện pháp này và đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine.
Theo tạp chí The Economist, để TQ thay đổi chiến lược quét sạch F0 thì cần phải có sự tác động từ nhiều yếu tố, trong đó kể đến như sự biến đổi của virus, hiệu quả của vaccine, rủi ro về kinh tế và tình trạng sức khỏe tâm thần của người dân. Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm chủng vaccine ở TQ cao là một chỉ dấu mà giới lãnh đạo nước này nên cân nhắc. Số liệu của tổ chức Our World in Data tính đến ngày 25-10 ghi nhận khoảng 76,2% dân số TQ được tiêm ít nhất một liều, 72,6% được tiêm đủ hai liều.
“Một số chuyên gia TQ từng gợi ý rằng khi nào tỉ lệ tiêm chủng đủ cao và số ca tử vong xuống thấp thì TQ có thể từ bỏ nỗ lực quét sạch F0. Tuy nhiên, ý kiến của họ không được xem xét và có vẻ như bây giờ cũng vậy. Việc phong tỏa nhiều khu vực ở Nội Mông và các lệnh hạn chế đi lại ở Bắc Kinh là một thực tế cho thấy lãnh đạo TQ rất khó nới lỏng chính sách này, nhất là khi Thế vận hội Olympic 2022 chỉ còn ba tháng nữa là bắt đầu và TQ là nước đăng cai tổ chức. Các quan chức TQ rõ ràng đang phải chạy đua với thời gian” - The Economist nhận định.
Trung Quốc triển khai tiêm vaccine cho trẻ em Theo hãng tin AP, chính quyền một số tỉnh, thành TQ từ tuần này đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho đối tượng là trẻ em 3-11 tuổi. Hồi tháng 6, cơ quan y tế TQ từng phê duyệt hai loại vaccine Sinopharm và Sinovac sử dụng cho trẻ 3-17 tuổi nhưng mới thực hiện tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Đến tháng 8, có thêm một loại vaccine Sinopharm khác tiếp tục được phê duyệt cho đối tượng dưới 18 tuổi. Phụ huynh TQ khi được hỏi về quyết định tiêm vaccine cho con em có đôi chút lo lắng, song đa phần vẫn yên tâm với chất lượng vaccine nội địa. Nhiều người còn cho rằng vaccine COVID-19 cho trẻ em nhiều khả năng sẽ không khác vaccine cúm từng tiêm nên sẽ quyết định dẫn con đi tiêm để bảo đảm an toàn. |
Ngày 25-10, Trung Quốc đóng cửa các địa điểm du lịch ở tỉnh Cam Túc, đồng thời phong toả huyện Alxa Left Banner ở Nội...
Nguồn: [Link nguồn]