Trung Quốc: Cải tạo công viên, không ngờ đào trúng mộ cổ gia tộc còn nguyên vẹn thời Tây Hán
Ba ngôi mộ cổ được tìm thấy ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, được xác định thuộc về một gia tộc thời Tây Hán.
Các di vật được tìm thấy trong ngôi mộ cổ có niên đại 1.800 năm.
Khoảng 1.800 năm trước, một gia tộc ở miền đông Trung Quốc đã xây dựng 3 ngôi mộ, là nơi an nghỉ của các thành viên gia đình. Hai ngôi mộ này bị những kẻ trộm khoắng sạch sẽ mọi thứ, chỉ còn duy nhất một ngôi mộ nguyên vẹn, theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP).
Những ngôi mộ này sau đó bị lãng quên suốt hàng trăm năm, không còn được nhắc đến trong lịch sử. Đến cuối năm 2023, trong quá trình cải tạo một công viên địa phương ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, các công nhân tình cờ đào trúng nơi đặt ba ngôi mộ cổ, trong đó có một ngôi mộ còn nguyên vẹn. Các nhà khảo cổ Trung Quốc kể từ đó bắt đầu tiến hành công việc khai quật.
“Mặc dù hai trong số ba ngôi mộ cổ được khai quật đã bị trộm khoắng sạch sẽ nhưng cấu trúc của các ngôi mộ này vẫn tương đối rõ ràng. Một lượng lớn di vật đã được tìm thấy ở ngôi mộ còn nguyên vẹn", thông báo của Viện Khảo cổ học thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết.
Các nhà khảo cổ xác định đây là ba ngôi mộ thuộc về gia tộc họ Huan nhờ tìm thấy con dấu của gia tộc. Những ngôi mộ này có niên đại cách đây khoảng 1.800 năm, vào thời Tây Hán (202 TCN - 9).
Ngôi mộ còn nguyên vẹn đặc biệt đáng chú ý vì cấu trúc rõ ràng, cho phép các nhà khảo cổ xác định những đặc điểm dân cư điển hình vào thời Tây Hán.
Con dấu của gia tộc họ Huan có hình con rùa và được làm bằng đồng.
Ngôi mộ cổ còn nguyên vẹn có cửa mộ, lối đi và buồng đặt quan tài. Mặc dù quan tài được bảo quản tốt nhưng xương bên trong đã bị phân hủy qua ngàn năm.
"Việc phát hiện cấu trúc quan tài được chế tác tinh xảo, đặc biệt là cỗ xe chở quan tài được chôn trong mộ cổ đã cung cấp tài liệu quý giá để nghiên cứu phong tục chôn cất của người thời Tây Hán dọc theo bờ biển phía đông nam của tỉnh Sơn Đông", thông báo của Viện khảo cổ học Trung Quốc cho biết.
Các di vật được tìm thấy bao gồm đồ gốm, một thanh kiếm sắt, một chiếc gương bằng đồng và một loạt đồ vật bằng gỗ. Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy những chiếc cốc sơn mài, có thể là cốc uống rượu. Những chiếc cốc này được cất giữ trong trong một chiếc hộp lớn tại ngôi mộ.
Một phát hiện đặc biệt nổi bật là con dấu của gia tộc họ Huan có hình con rùa và được làm bằng đồng. Cuộc khai quật diễn ra từ tháng 12 năm 2023 đến tháng 1 năm 2024 tại Nhật Chiếu, thành phố ven biển nổi tiếng với việc thúc đẩy "lối sống xanh" ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Đồ gốm tráng men được phát hiện trong phòng quan tài của mộ cổ.
Giới chức thành phố yêu cầu các tòa nhà mới xây dựng phải lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Năm 2009, Liên Hợp Quốc đánh giá Nhật Chiếu là "một trong những thành phố đáng sống nhất thế giới", theo SCMP.
Nhà Hán là triều đại phong kiến thứ hai trong lịch sử Trung Quốc do Lưu Bang thành lập, sau khi lật đổ sự cai trị của nhà Tần dưới thời Tần Thủy Hoàng.
Nhà Hán trong lịch sử được chia làm hai giai đoạn, thời Tây Hán (202 TCN - 9) và Đông Hán (25 - 220). Nhà Hán đã tạo ra một trong những thời kỳ hoàng kim trong lịch sử Trung Quốc với những bước tiến trong phát triển kinh tế, xã hội và khoa học công nghệ. Các phát minh đáng chú ý thời Hán bao gồm làm giấy, đưa số âm vào toán học và thậm chí là công nghệ phát hiện sớm động đất.
Giai đoạn nhà Hán cai trị Trung Quốc chính thức kết thúc vào năm 220, khi Ngụy vương Tào Phi, con trai Tào Tháo, phế ngôi Hán Hiến Đế. Sử sách Trung Quốc gọi đây là sự kiện Tào Phi soán Hán, mở ra thời kỳ Tam Quốc (220 - 280).
Ngôi mộ cổ của đôi vợ chồng sống vào 1.800 năm trước còn nguyên vẹn một cách khó hiểu giữa các ngôi mộ bị kẻ cướp khoắng sạch bảo vật.
Nguồn: [Link nguồn]