Trung Quốc 37 năm mất Tết Nguyên đán, chuyển sang ăn tết Dương lịch như thế nào?
Ít người biết rằng, Trung Quốc từng khai tử Tết Nguyên đán – lễ hội quan trọng nhất ở quốc gia này – suốt 37 năm để chuyển sang ăn Tết Dương lịch như các nước phương Tây.
Theo truyền thuyết, người dân Trung Quốc tổ chức ngày Tết Nguyên đán để xua đuổi con quái vật Niên (tranh: Daynews)
Theo Tân Hoa Xã, Tết Nguyên đán ở Trung Quốc có lịch sử ít nhất 4.000 năm. Theo truyền thuyết dân gian, thời cổ đại, ở Trung Quốc từng xuất hiện một con quái vật rất hung ác tên Niên (Nian). Con quái vật này sống ở biển sâu, thường bò lên bờ vào ngày cuối năm để quấy nhiễu người dân, phá hoại mùa màng và ăn thịt gia súc. Mỗi khi Niên xuất hiện, con người lại phải trốn chạy lên những ngọn núi cao.
Vào dịp giao thừa nọ, có một ông già ăn xin xuất hiện. Tay gậy tay bị, ông xin ăn khắp nơi nhưng đều bị từ chối bởi mọi người còn mải tìm đường chạy trốn con quái vật Niên. Được một người phụ nữ lớn tuổi thương tình cho ăn, ông già ăn xin hứa sẽ giúp mọi người đánh đuổi con Niên.
Nửa đêm, con Niên xuất hiện. Nó bị hấp dẫn bởi một ngôi nhà có dán giấy đỏ trên cửa và thắp đèn sáng trưng. Khi con Niên tò mò lại gần, ông già ăn xin chạy từ trong nhà ra với bộ đồ đỏ rực, cất cười rất lớn. Con Niên bị dọa cho hoảng sợ, bỏ chạy ra biển mất hút. Từ đó, mỗi dịp năm mới, người Trung Quốc lại trang trí nhà cửa, ăn mặc với màu sắc chủ đạo là màu đỏ và tổ chức lễ hội linh đình, gây ồn ào, náo nhiệt để xua đuổi con Niên. Lễ hội Tết Nguyên đán cũng vì vậy mà ra đời.
Đỏ là sắc màu chủ đạo trong dịp Tết ở Trung Quốc (ảnh: Tân Hoa Xã)
Theo dân gian truyền miệng, ông già ăn xin giúp mọi người xua đuổi con Niên chính là Hồng Quân Lão Tổ - một trong những vị tiên tối cao của Đạo giáo. Con Niên về sau bị Hồng Quân Lão Tổ thu phục làm thú cưỡi.
Theo Sohu, Tết Nguyên đán ở Trung Quốc xuất hiện lần đầu tiên vào thời nhà Thương (1766 – 1122 TCN). Đây cũng là thời điểm Đạo giáo rất thịnh hành ở Trung Quốc. Cùng với sự phát triển của nền văn minh lúa nước ở lưu vực sông Hoàng Hà, người Trung Quốc cổ đại bắt đầu tính toán chu kỳ di chuyển của Mặt trăng và tạo ra Âm lịch. Tư liệu lịch sử thời Thương – Chu ghi lại, hàng năm, cứ vào dịp cuối mùa đông, người Trung Quốc lại tích trữ thức ăn, sản vật quý hiếm để dâng lên cho các vị thần cai quản thời tiết, mùa màng. Hình thức cúng tế này là khởi nguồn của lễ hội Tết Nguyên đán ở Trung Quốc.
Theo Hán sử, Hán Vũ Đế (156 TCN – 87 TCN) – một trong những hoàng đế nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc – là người đầu tiên ấn định ngày mùng 1 tháng 1 Âm lịch là Tết Nguyên đán. Ông cũng là người chủ trương và khuyến khích người dân tổ chức cúng bái tổ tiên, thần linh và tổ chức nhiều trò chơi trong dịp lễ hội mừng năm mới này.
Tới thời nhà Thanh, lễ hội Tết Nguyên đán ở Trung Quốc vẫn được giữ nguyên và được tổ chức ngày càng hoành tráng với nhiều hoạt động vui chơi như múa lân, sư, rồng, đi cà kheo… người Trung Quốc còn nấu những món ăn truyền thống, đặc biệt cầu kỳ để ăn trong những ngày Tết. Truyền thống đón Tết Nguyên đán thời nhà Thanh không mấy khác biệt so với ngày nay.
Tuy nhiên, lịch sử ngày Tết Nguyên đán ở Trung Quốc cũng có lắm thăng trầm. Năm 1911, Cách mạng Tân Hợi bùng nổ, vua Phổ Nghi bị buộc phải thoái vị khiến nhà Thanh sụp đổ. Một năm sau, Tôn Trung Sơn (1866 – 1925) nhậm chức Tổng thống lâm thời của Trung Hoa Dân Quốc.
Cách mạng Tân Hợi thành công, Tôn Trung Sơn chủ trương xóa bỏ Tết Nguyên đán (tranh: New.qq)
Là người chịu ảnh hưởng lớn bởi hệ thống giáo dục và văn hóa phương Tây, đặc biệt là nước Anh, Tôn Trung Sơn quyết tâm cải cách Trung Quốc theo con đường Âu hóa. Tôn Trung Sơn chủ trương xóa bỏ Tết Nguyên đán, buộc người dân Trung Quốc đón Tết theo Dương lịch. Ngày 1.1.1912 được Tôn Trung Sơn đặt làm mốc khởi điểm của Trung Hoa Dân Quốc. Chính phủ quyết định xóa bỏ Âm lịch, áp dụng cách tính ngày theo Dương lịch trên phạm vi cả nước. Tết Nguyên đán có lịch sử hơn 4.000 năm chính thức bị “khai tử” ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, người dân Trung Quốc bấy giờ lại chẳng mấy mặn mà với “Tết Tây”. Bất chấp chính quyền và các tổ chức xã hội kêu gọi đón Tết theo Dương lịch, người dân vẫn âm thầm tổ chức Tết Nguyên đán. Những phong tục trong ngày Tết Nguyên đán gần như vẫn được giữ nguyên, chỉ có điều là kém sôi nổi hơn trước, theo Tân Hoa Xã.
Trước sự phản đối của người dân về việc Tết Nguyên đán bị bãi bỏ, tháng 1.1914, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc quyết định đặt ngày đầu tiên của năm mới theo Âm lịch là Lễ hội mùa xuân. Vào Lễ hội mùa xuân, người dân được phép nghỉ một ngày.
Tuy nhiên, tên gọi Tết Nguyên đán và những sự kiện trong dịp lễ này không được chính quyền khôi phục. Vào các năm sau đó, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc nỗ lực chuyển các hoạt động như thờ cúng tổ tiên, trang trí nhà cửa, viết câu đối, lì xì cho trẻ em, đi lễ đền chùa… trong dịp Tết Nguyên đán sang Tết Dương lịch nhưng không mấy thành công.
Những món ăn trong mâm cỗ ngày Tết của người Trung Quốc (ảnh: Sohu)
Trong thời kỳ xảy ra nội chiến (1927 – 1949), Trung Hoa Dân Quốc quy định cán bộ, công chức phục vụ chính quyền phải triệt để làm gương cho nhân dân, ai ăn Tết Nguyên đán sẽ bị coi là “vi phạm chính sách” và bị phạt nặng. Một số địa phương thậm chí còn sử dụng bạo lực để dẹp bỏ hoạt động tổ chức ăn mừng Tết Nguyên đán, khiến người dân phẫn nộ. Ngày 28.12.1930, chính phủ Trung Hoa Dân Quốc còn đặc biệt tổ chức “Hội nghị quảng bá Quốc lịch”, yêu cầu người dân nghiêm túc thực hiện chủ trương bãi bỏ Tết Nguyên đán.
Trong khi đó, phe đảng Cộng sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo lại khuyến khích người dân đón Tết Nguyên đán truyền thống, cáo buộc chính phủ Trung Hoa Dân Quốc “đi ngược lại văn hóa và bản sắc của người Trung Hoa”.
Năm 1949, nội chiến chấm dứt, thắng lợi thuộc về Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau khi nhậm chức Chủ tịch nước, Mao Trạch Đông tuyên bố khôi phục lại lễ hội Tết Nguyên đán, kêu gọi người dân đón năm mới theo phong tục truyền thống như bình thường. Tết Nguyên đán được chọn trở thành một trong những ngày quốc lễ ở Trung Quốc. Vào dịp này, người dân cả nước Trung Quốc đều được nghỉ làm để chuẩn bị ăn mừng năm mới. Sau 37 năm, Tết Nguyên đán ở Trung Quốc chính thức thoát “án tử”.
Nguồn: [Link nguồn]
Vì ăn nên làm ra trong năm 2020, một công ty quyết định “chơi lớn”, thưởng Tết cho nhân viên xuất sắc nhất năm bằng...