Trừng phạt Nga, đồng USD sẽ mất thế thống trị?
Phó Tổng Giám đốc điều hành thứ nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath cho rằng các biện pháp trừng phạt tài chính nhằm vào Nga có thể khiến hệ thống tiền tệ quốc tế rời rạc hơn và làm suy yếu sự thống trị toàn cầu của đồng USD.
Theo TASS, quan chức này cho rằng các biện pháp hạn chế triệt để mà các nước phương Tây áp đặt sau khi Nga khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine có thể góp phần làm xuất hiện các hệ thống tiền tệ nhỏ hơn dựa trên giao dịch thương mại giữa các nhóm quốc gia nhất định.
Bà Gopinath nói với tờ The Financial Times hôm 31-3 rằng: "Chúng tôi đã thấy điều đó khi một số quốc gia đang đàm phán lại loại tiền tệ mà họ dùng thanh toán cho các giao dịch". Bà Gopinath nhận định đồng USD vẫn là đồng tiền lớn của toàn cầu trong bối cảnh đó nhưng sự đa dạng hóa các tài sản dự trữ chắc chắn sẽ xảy ra.
Phó Tổng Giám đốc điều hành thứ nhất Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath. Ảnh: Reuters
Theo bà Gopinath, căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng sẽ thúc đẩy tài chính kỹ thuật số, từ các đồng tiền kỹ thuật số đến các đồng tiền ổn định và các đồng tiền kỹ thuật số do các ngân hàng trung ương phát hành. Trước đó, bà Gopinath cho rằng các lệnh trừng phạt Nga không làm mất đi vai trò của đồng USD là đồng tiền dự trữ và khủng hoảng tại Ukraine sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn cầu nhưng không gây suy thoái.
Liên quan đến vấn đề nguồn cung dầu, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 31-3 công bố quyết định xuất kho khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày từ Kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) trong 180 ngày nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu.
Ông Biden cho hay việc sử dụng các nguồn dự trữ là cầu nối thời chiến để đưa đất nước vượt qua những khó khăn cho đến khi các công ty dầu khí tăng cường sản xuất.
Thông báo của Nhà Trắng nhấn mạnh đây là mức chưa từng có tiền lệ bởi thế giới chưa từng xuất lượng dầu dự trữ lên tới 1 triệu thùng/ngày trong thời gian dài như vậy.
Giá dầu đã giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm 31-3 (giờ địa phương) sau thông báo của ông Biden. Cụ thể, theo hãng tin Reuters, giá dầu WTI giao tháng 5 đã giảm 7,54 USD xuống 100,28 USD/thùng trong khi giá dầu thô Brent cũng giảm 5,54 USD xuống 107,91 USD/thùng.
Cùng ngày, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) quyết định tăng sản lượng dầu lên 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 5.
Nga và Ấn Độ đang thảo luận về các khoản thanh toán bằng đồng rúp và rupee để thay thế hệ thống thanh toán SWIFT sử dụng đồng đô la Mỹ.
Nguồn: [Link nguồn]