Trừng phạt Nga chỉ càng khiến Trung Quốc tìm cách giảm phụ thuộc vào USD?
Giới chức và Nghị sĩ Mỹ cho rằng tình hình tại Nga có thể thúc đẩy Trung Quốc tăng cường hệ thống tài chính giảm phụ thuộc vào đồng USD hơn nữa.
Ngày 4/3, theo hãng tin Bloomberg, tại phiên điều trần của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell đã nhận được nhiều đề nghị đánh giá cách Trung Quốc có thể nhìn nhận trước những động thái trừng phạt kinh tế Nga mà Mỹ và các đồng minh đang thực hiện, đặc biệt là những lệnh trừng phạt nhằm làm suy giảm khả năng sử dụng đồng USD của Nga.
Trong đó, Thượng Nghị sĩ Jack Reed (đảng Dân chủ), Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ vốn là người rất quan tâm tới sự trỗi dậy của Trung Quốc ở vị thế cường quốc toàn cầu, cho rằng Bắc Kinh có thể nghĩ đến cách - làm thế nào để không rơi vào hoàn cảnh tương tự như Nga.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell. Ảnh - EPA-EFE
Ông Reed đã đề nghị Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết liệu ông có theo dõi vấn đề này không và có báo cáo lại Quốc hội Mỹ những diễn biến cũng như quan điểm của ông về những gì Trung Quốc có thể thực hiện hay không.
Ông Powell trả lời có đối với tất cả các câu hỏi kể trên.
Theo ông Powell, xung đột tại Ukraine có thể thúc đẩy Trung Quốc tăng cường động thái nhằm phát triển những phương thức thanh toán thay thế cho hạ tầng hiện tại mà đồng USD đang ở thế chiếm lĩnh.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết, Bắc Kinh từ lâu đã tìm cách giải quyết các vấn đề liên quan tới tiền dự trữ và đang thúc đẩy một hệ thống tin nhắn giao dịch thanh toán toàn cầu tương tự như SWIFT. Tình hình hiện nay có thể làm thay đổi quỹ đạo đó.
Liên quan tới xung đột Nga-Ukraine, Mỹ và các quốc gia đồng minh đã cấm một số ngân hàng Nga sử dụng SWIFT – hiện đang là hệ thống thanh toán quan trọng của quốc tế. SWIFT được thành lập vào năm 1973 và kết nối khoảng 11.000 tổ chức tài chính trên khắp thế giới.
Tương quan giữa SWIFT và hệ thống thanh toán quốc tế hiện có của Trung Quốc
Hệ thống SWIFT được thành lập vào năm 1973 và kết nối khoảng 11.000 tổ chức tài chính trên khắp thế giới.
Tại Trung Quốc, đã có một hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS), được coi như là “SWIFT Trung Quốc” ra mắt vào tháng 10/2015 với vai trò là hệ thống thanh toán và bù trừ Nhân dân tệ quốc tế độc lập, kết nối cả thị trường thanh toán trong nước và nước ngoài cũng như các ngân hàng tham gia.
Có trụ sở tại trung tâm tài chính Thượng Hải, CIPS có 100 nhân viên và có vốn đăng ký trị giá 2,38 tỷ Nhân dân tệ (376,9 triệu USD) và là cơ sở hạ tầng tài chính quan trọng do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc giám sát.
Sau khi ra mắt năm 2015, có 19 ngân hàng bao gồm Standard Chartered, Deutsche Bank, HSBC và Citibank đã đăng ký giai đoạn 1 của CIPS. Tính đến tháng 1/2022, CIPS có 1.280 đơn vị sử dụng trên khắp 103 quốc gia.
Nhưng CIPS chỉ có 76 đơn vị tham gia trực tiếp, chủ yếu là các công ty con hoặc chi nhánh ở nước ngoài của các ngân hàng Trung Quốc, còn lại là các đơn vị tham gia gián tiếp.
Trong khi đó, chỉ những đơn vị trực tiếp mới có thể trao đổi thông tin thông qua CIPS, những bên tham gia gián tiếp chủ yếu trao đổi thông tin với những bên trực tiếp qua SWIFT.
Trang Caixin dẫn lời một số chuyên gia đánh giá, ở thời điểm hiện tại, hai hệ thống CIPS và SWIFT đang có mối quan hệ cộng sinh chứ không phải cạnh tranh với nhau.
Các nhà phân tích nhận định, tương lai của CIPS phụ thuộc vào mức độ quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ, liên quan đến các yếu tố như độ mở của tài khoản vốn từ Trung Quốc, chiều rộng và chiều sâu của thị trường vốn cũng như mức độ quốc tế hóa nền kinh tế của Trung Quốc.
Khả năng Nga và Trung Quốc phối hợp
Bản thân Nga cũng đã thành lập hệ thống viễn thông tài chính riêng được gọi là Hệ thống nhắn tin tài chính (SPFS) từ năm 2014 sau khi Moscow quyết định sáp nhập Crimea.
Tính đến năm 2020, SPFS đã có hơn 400 hệ thống tài chính đăng ký. Không giống như SWIFT hoạt động 24/7, SPFS chỉ hoạt động trong giờ hành chính và giới hạn tin nhắn ở mức 20 kilobyte.
Tân Hoa Xã từng có bài viết dẫn bình luận của ông Dong Xiaopeng, Phó Tổng biên tập tờ Securities Daily của Trung Quốc nhận định: “Tuy CIPS và SPFS vẫn có quy mô nhỏ hơn SWIFT về số lượng người tham gia và người sử dụng nhưng trong thời gian dài, rất có thể hai hệ thống này hoặc một trong hai sẽ phát triển thành hạ tầng quan trọng trong khu vực, thậm chí toàn cầu với tầm ảnh hưởng đáng kể".
Bắc Kinh được xem như một nhân tố chính có khả năng làm suy yếu chiến dịch gây áp lực quốc tế của phương Tây nhằm vào Moscow.
Nguồn: [Link nguồn]