Trừng phạt Moscow liên tiếp nhưng vẫn bỏ hàng tỷ USD mua dầu và khí đốt Nga: EU nói gì?
Theo chủ tịch Ủy ban châu Âu, việc các nước EU tiếp tục mua dầu và khí đốt của Nga là để ngăn Moscow thu được nhiều tiền hơn trong giai đoạn trước mắt.
Bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu lý giải về việc không có lệnh cấm dầu Nga. Ảnh minh họa: Teletrader
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên đài MSNBC hôm 23/5, bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan điều hành EU, đã nói rõ quan điểm khi được hỏi về sự mâu thuẫn khi các nước EU áp lệnh trừng phạt kinh tế nhưng vẫn mua năng lượng Nga.
"Dù tung ra nhiều cấp độ và biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, các quốc gia EU vẫn chi hàng tỷ USD để mua dầu và khí đốt của Moscow. Liệu điều này có khiến các biện pháp trừng phạt của phương Tây mất đi sức nặng?", người dẫn chương trình của đài MSNBC Mika Brzezinski đặt câu hỏi.
"Chúng tôi đã có 5 đợt áp lệnh trừng phạt Nga và đợt thứ 6 đang được thảo luận. Các lệnh trừng phạt này đang tác động mạnh đến nền kinh tế của Moscow.
Thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, châu Âu phụ thuộc nhiều vào dầu thô, than đá và khí đốt của Moscow. Hiện tại, chúng tôi đã giảm phụ thuộc vào than đá của Nga và đang cố gắng làm điều tương tự với dầu mỏ.
Tuần trước, EU công bố một gói hỗ trợ lớn để thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Tôi cũng có một thỏa thuận với Tổng thống Mỹ Joe Biden để Washington cung cấp khí đốt hóa lỏng cho châu Âu, giúp thay thế 1/3 nguồn cung khí đốt Nga. Ngoài ra, chúng ta còn chú ý đến tiết kiệm năng lượng. Quan trọng nhất là sử dụng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời, nước... và đó là hướng phát triển để tiến tới không phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Vì thế, nếu nói điều gì mà ông Putin nhận được từ việc mở chiến dịch quân sự ở Ukraine thì đó chính là mất đi một khách hàng tốt là châu Âu. Một khi đã quay lưng, chúng ta sẽ không trở lại nữa", bà Ursula von der Leyen trả lời.
Người dẫn chương trình Brzezinski tiếp tục đặt câu hỏi liệu một lệnh cấm vận toàn diện dầu mỏ Nga có phải "cách hiệu quả nhất để chứng tỏ ông Putin đã phạm phải sai lầm chiến lược" hay không. Bà Leyen trả lời rằng, EU luôn phải tìm cách "cân bằng hợp lý" giữa việc gây tổn thương cho Nga bằng các biện pháp trừng phạt và việc không làm tổn hại đến kinh tế của EU trong quá trình áp các lệnh trừng phạt đó.
"Tôi lấy ví dụ về dầu mỏ. Nếu chúng ta lập tức cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga, Moscow có thể bán số dầu đó qua thị trường khác, nơi có mức giá cao, và thu về nhiều tiền hơn. Vì vậy, chúng ta phải có cách tiếp cận chiến lược về vấn đề này. Một lệnh cấm vận toàn diện có thể được ban hành sau vài năm", nữ chủ tịch EC lý giải.
Bà Leyen còn cho biết, EU cần phải thuyết phục "phần còn lại của thế giới" chung tay với Mỹ và các đồng minh để trừng phạt Nga. Tới nay, một phần không nhỏ của nền kinh tế toàn cầu, gồm các nước tiêu thụ năng lượng khổng lồ như Trung Quốc và Ấn Độ, vẫn từ chối ủng hộ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga của phương Tây.
Hợp đồng cung cấp khí đốt giữa đôi bên sẽ hết hạn vào cuối năm nay.
Nguồn: [Link nguồn]