Trừng phạt của phương Tây không chặn được kinh tế Nga
Các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga của phương Tây vẫn không ngăn được nước này tiếp tục tăng trưởng và kéo dài cuộc chiến ở Ukraine.
Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố báo cáo với một số thông tin lạc quan cho Nga với kỳ vọng nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm nay, được hỗ trợ bởi chi tiêu công rộng rãi.
Thời gian qua, các nhà kinh tế cho rằng các biện pháp trừng phạt sẽ khiến Nga trì trệ trong những năm tới nhưng hiệu quả của các biện pháp này không như mong đợi.
Việc phương Tây không thể nhanh chóng khiến nền kinh tế Nga phải khuất phục vì xung đột Ukraine phản ánh sự bế tắc trên mặt trận kinh tế không khác gì thế bế tắc hiện nay trên chiến trường, theo tờ The Wall Street Journal.
Nga vượt qua trừng phạt phương Tây thế nào?
Khi các biện pháp trừng phạt lần đầu được công bố, chúng được Mỹ mô tả là các biện pháp nghiêm trọng nhất trong lịch sử, cú sốc và sự sợ hãi theo sau đó đã làm chao đảo thị trường tài chính của Nga. Nhưng ngày nay, kinh tế Nga đã vực dậy đủ để xoay trở trong bối cảnh xung đột kéo dài với Ukraine - điều mà Mỹ luôn cố gắng tránh.
Các biện pháp trừng phạt ban đầu khiến Nga thiếu vi mạch và linh kiện công nghệ cao vào năm ngoái, hạn chế khả năng sản xuất tên lửa dẫn đường chính xác của nước này. Nhưng kể từ đó, Nga đã tìm ra kẽ hở thông qua việc nhập các linh kiện này từ các nước láng giềng và tiếp tục triển khai tên lửa ở Ukraine.
Quảng trường Đỏ ở Nga. (Ảnh chụp hồi tháng 5) Ảnh: REUTERS
“Các biện pháp trừng phạt vẫn chưa phá hủy nền kinh tế Nga. Chúng hạn chế nhưng không ngăn được Nga” - ông Sergei Guriev, giáo sư tại ĐH Science Po (Pháp), cho biết.
Các biện pháp trừng phạt từ lâu đã là một công cụ chính sách đối ngoại thường được Mỹ sử dụng sau khi nước này trở thành cường quốc kinh tế trong thế kỷ trước. Tuy nhiên, tác dụng của chúng bị đánh giá là không rõ ràng, thường không dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong hành vi, đặc biệt là ở các quốc gia như Nga.
Làm thế nào Nga xoay trở để tránh sụp đổ và đạt được một số tăng trưởng trong vòng một năm qua, bất chấp sự phong tỏa kinh tế của phương Tây sẽ là một bài học để giới phân tích cân nhắc xem liệu các biện pháp trừng phạt có còn ý nghĩa như một công cụ chính sách trong tương lai hay không.
Các nhà phân tích cho biết lý do chính đằng sau khả năng phục hồi kinh tế của Nga là sự kích thích đáng kể từ phía chính phủ khi đẩy hướng phát triển kinh tế Nga sang nền kinh tế thời chiến và sự chuyển hướng thương mại chưa từng có của nước này sang các đối tác châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ.
Chi tiêu công trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng 13,5% trong quý I năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng cao nhất trong dữ liệu kể từ năm 1996. Các nhà kinh tế cho rằng phần lớn sự tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp của Nga năm nay là nhờ sản xuất vũ khí và trang thiết bị quân sự. Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cho chính phủ cung cấp “kinh phí không giới hạn” cho sản xuất quân sự.
Sản lượng của “hàng kim loại thành phẩm” ở Nga - một cụm từ bao gồm vũ khí và đạn dược đã tăng 30% trong nửa đầu năm nay so với năm ngoái. Các ngành khác liên quan đến sản lượng quân sự cũng tăng: máy tính, sản phẩm điện tử và quang học tăng 30%, trong khi sản lượng quần áo chuyên dụng tăng 76%. Ngược lại, sản lượng ô tô giảm hơn 10% so với năm trước.
Bên cạnh đó, dầu thô của Nga tiếp tục được xuất đi, ngay cả khi phải định giá thấp hơn. Năm nay, lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với hầu hết dầu nhập khẩu của Nga đã làm giảm giá của nó. Các nhà nghiên cứu tại Công ty phân tích thị trường Capital Economics (Anh) dự đoán doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ giảm từ 340 tỉ USD vào năm 2022 xuống còn 200 tỉ USD trong năm nay và ổn định ở mức đó vào năm 2024. Moscow đã tìm mọi cách để bán dầu cho châu Á bằng cách tạo ra một đội tàu chở dầu ngầm với giấy tờ sở hữu, bảo hiểm và thuê của các công ty ngoài phương Tây. Trong những tuần gần đây, điều đó cũng đã giúp giảm mức chiết khấu dầu của Nga bán ra so với tiêu chuẩn toàn cầu.
Từ ngày 1-8, Nga chính thức ban hành đồng ruble kỹ thuật số. Đồng tiền mới này sẽ được phát hành cùng với đồng ruble truyền thống nhằm giúp người sử dụng có thể chuyển nhận và thanh toán trực tuyến hoặc ngoại tuyến mà không cần sử dụng tổ chức tín dụng làm trung gian. (Theo hãng thông tấn TASS) |
“Nga tiếp tục bán cho những nước không phải là thành viên của liên minh trừng phạt và kéo theo đó là làm giảm tác dụng của các lệnh trừng phạt dầu mỏ” - ông Guriev nói.
Tại Mỹ, các quan chức nói rằng để các biện pháp trừng phạt có hiệu quả, các chính phủ khác phải thực thi chúng liên tục và chặt chẽ. EU gần đây đã có những hành động nhằm thực thi các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn và tìm cách chặn đường xuất khẩu dầu hiện nay của Nga.
Thách thức phía trước
Cho đến nay, nỗ lực vực dậy nền kinh tế bị cấm vận của Nga đã cho thấy nhiều kết quả khác nhau. Khoảng 65% doanh nghiệp công nghiệp ở Nga phụ thuộc thiết bị nhập khẩu, theo một cuộc thăm dò của ĐH Moscow (Nga) được công bố vào tháng 6.
GS Nicholas Mulder thuộc ĐH Cornell (Mỹ) cho rằng điểm yếu lớn nhất của Nga lúc này là tình trạng thiếu lao động ngày càng gia tăng - một nguồn lực mà Moscow không thể thay thế bằng một cuộc cải tổ thương mại. Nga đang chịu mức thâm hụt lao động tồi tệ nhất kể từ những năm 1990 do tình trạng di cư và huy động trong thời chiến khiến công nhân không thể đi làm. Xu hướng này được cho là sẽ trở nên tồi tệ hơn do triển vọng nhân khẩu học không tốt của đất nước trong tương lai.
Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất lên 1% so với dự kiến, với nhiều mức tăng hơn dự kiến vào cuối năm nay và điều đó báo hiệu tình trạng thiếu lao động đang làm gia tăng lạm phát.
“Sự khủng hoảng của thị trường lao động, lạm phát tăng vọt, tác động của các biện pháp trừng phạt công nghệ - những điều này rất nghiêm trọng. Chúng làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga về lâu dài, khả năng tự đổi mới và nâng cấp của nước này. Nga sẽ trì trệ và khả năng bắt kịp các nước phát triển sẽ bị hạn chế” - ông Mulder nói. Tuy rằng chi tiêu công cho chiến tranh hiện đang thúc đẩy nền kinh tế nhưng “đó không phải là tăng trưởng hiệu quả”.•
Châu Phi thành thị trường tiềm năng cho Nga Theo hãng thông tấn TASS, Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi vừa kết thúc cuối tuần trước với hàng trăm thỏa thuận và hợp đồng đã được ký kết giữa giới doanh nghiệp Nga và các nước châu Phi. Hòa bình, hữu nghị và tiền bạc là những điểm chính trong hợp tác kinh tế của Nga ở châu Phi. TASS cho biết kim ngạch thương mại giữa Nga và châu Phi hiện ở mức 20 tỉ USD, có khả năng tăng gấp đôi vào năm 2026. Trong sáu tháng đầu năm nay, khối lượng hoạt động xuất nhập khẩu của Nga với các nước châu Phi đã tăng hơn 30%. Trong hai năm qua, xuất khẩu dầu mỏ và khí tự nhiên hóa lỏng của Nga sang châu Phi cũng đã tăng 2,6 lần. Số liệu từ Bộ Kinh tế Nga cũng cho thấy khoảng 25% lượng hàng Nga đến châu Phi là ngũ cốc và khoảng 22% là dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ. Đồng thời, 60%-70% các khoản đầu tư của Nga vào lục địa này là để thăm dò và sản xuất dầu khí, các loại quặng và kim loại khác. |
Nguồn: [Link nguồn]
Các nhân chứng nghe thấy tiếng súng và ít nhất một tiếng nổ xảy ra ở ngoài khơi Novorossiysk - thành phố cảng của Nga ở Biển Đen.