Trúng đạn HIMARS, xe phòng không Nga 'nổ như pháo hoa'
Ukraine đăng video khai hỏa đạn HIMARS tập kích xe phóng của tổ hợp phòng không Buk-M1 Nga tại mặt trận phía nam, khiến khí tài này "nổ như pháo hoa".
Video do Bộ Quốc phòng Ukraine đăng ngày 21/7 cho thấy máy bay không người lái (UAV) trinh sát của Trung đoàn số 14 Ukraine phát hiện xe chở đạn kiêm bệ phóng và radar (TELAR) của hệ thống phòng không Buk-M1 Nga gần một rặng cây tại tỉnh miền nam Zaporizhzhia. Xe TELAR sau đó di chuyển vào bên trong rặng cây, được cho là một điểm tập kết đã được ngụy trang của lực lượng phòng không Nga.
UAV Ukraine chuyển tọa độ mục tiêu để pháo binh Ukraine tung đòn tập kích. Đòn đánh đã kích hoạt nhiên liệu của tên lửa phòng không trên xe TELAR, tạo ra vụ nổ lớn và đám khói dày đặc có thể nhìn thấy từ xa, khiến khí tài này bị phá hủy hoàn toàn.
"Một màn bắn pháo hoa trên chiến trường. Thêm một hệ thống phòng không Buk-M1 của đối phương bị phá hủy", Bộ Quốc phòng Ukraine bình luận về video.
Ukraine tập kích phả hủy xe phòng không của tổ hợp Buk-M1 Nga trong video đăng ngày 21/7. Video: BQP Ukraine
Cơ quan này không đề cập loại đạn nào đã được sử dụng, song nhà báo chiến trường Ukraine Andrii Tsaplienko cho biết đây là cuộc tập kích bằng pháo HIMARS. Dựa trên video, cổng thông tin điện tử quân đội Ukraine Militarnyi cho hay lực lượng nước này đã khai hỏa rocket từ tổ hợp HIMARS, thêm rằng tổ vận hành hệ thống Buk-M1 có thể cũng đã hứng thương vong.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin. Cơ quan này hiếm khi phản hồi về các video khí tài Nga bị phá hủy do Ukraine đăng.
Buk-M1 là biến thể nâng cấp của tổ hợp phòng không Buk, được biên chế cho quân đội Liên Xô từ đầu những năm 1980. Một tổ hợp Buk-M1 có thể bao gồm xe chỉ huy, xe radar, TELAR và xe chở - nạp đạn.
Mỗi xe TELAR mang được 4 tên lửa với tầm bắn 35 km, trang bị radar chiếu xạ và dẫn bắn để tăng tính độc lập, cho phép tổ lái tự phát hiện và tấn công mục tiêu mà không cần dữ liệu từ đài chỉ huy trung tâm.
Quân đội Ukraine những tháng gần đây tăng cường nhắm mục tiêu các hệ thống phòng không của đối phương tại nhiều khu vực, bao gồm cả trên lãnh thổ Nga. Họ sử dụng nhiều loại đạn trong các cuộc tập kích, từ tên lửa mang đầu đạn chùm cho đến drone tự sát.
Giới chuyên gia nhận định Ukraine đang muốn làm suy yếu năng lực hệ thống phòng không của Nga để "dọn đường" cho tiêm kích F-16 sắp được triển khai trên chiến trường.
Mỹ đầu tháng 7 xác nhận lô chiến đấu cơ F-16 đầu tiên từ Đan Mạch và Hà Lan đang trên đường tới Ukraine sau thời gian dài trì hoãn. Copenhagen và Amsterdam trước đó cam kết chuyển giao khoảng 60 tiêm kích F-16 cho Kiev. Ngoài ra, Na Uy và Bỉ cũng đã tuyên bố sẽ viện trợ thêm 40 tiêm kích F-16 cho Ukraine.
Cục diện chiến sự Nga - Ukraine. Đồ họa: RYV
Châu Âu đang phát triển mẫu pháo phản lực tương tự HIMARS, song vượt trội ở một số điểm, được kỳ vọng có thể thành đối thủ cạnh tranh.
Nguồn: [Link nguồn]