Trump đưa Mỹ xích lại gần Nga, đẩy Trung Quốc “ra rìa”?

Việc Donald Trump lựa chọn ông trùm giàu mỏ Rex Tillerson vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ có thể là dấu hiệu giúp quan hệ Nga-Mỹ bước sang một giai đoạn mới, đẩy Trung Quốc ra rìa, giới quan sát nhận định.

Trump đưa Mỹ xích lại gần Nga, đẩy Trung Quốc “ra rìa”? - 1

Người được Trump chọn làm Ngoại trưởng Mỹ, Rex Tillerson (trái) hiểu rõ các nhà lãnh đạo Nga.

Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Bắc Kinh đang quan sát chặt chẽ mọi dấu hiệu, có thể cho thấy quan hệ Washington-Moscow đang ấm dần lên. Đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump lựa chọn CEO Exxon Mobile, Rex Tillerson vào vị trí Ngoại trưởng.

Với tư cách là CEO Exxon Mobile, Tillerson đã có cơ hội xây dựng mối quan hệ ở Nga và tiếp xúc gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Putin thậm chí còn tặng Tillerson Huân chương Hữu nghị vào năm 2013, vì những đóng góp “nâng cao hợp tác trong lĩnh vực năng lượng”.

Nếu như việc bổ nhiệm Tillerson đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng thì Moscow sẽ không có nhiều lý do để hợp tác với Trung Quốc. Khu vực Trung Á cũng là nơi Nga, Trung Quốc đang cạnh tranh lợi ích lớn, các nhà quan sát nhận định.

Shi Ze, chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc nhận định: “Tillerson hiểu rõ nhà lãnh đạo Nga và quen thuộc với môi trường đầu tư, chính trị Nga”.

Ngành năng lượng Nga, vốn gặp khó khăn kể từ khi phương Tây áp đặt lệnh cấm vận năm 2014, sẽ cảm thấy “dễ thở” hơn, ông Shi nói.

“Lựa chọn một người có mối quan hệ rộng ở Nga sẽ giúp tăng cường hợp tác kinh tế, đặc biệt khi Exxon Mobile tham gia vào các dự án dầu khí ở Nga”, ông Shi nhận định.

Các nhà phân tích cảnh báo, việc ông Trump muốn xích lại gần hơn với Nga có thể nằm trong chiến lược kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Trump đưa Mỹ xích lại gần Nga, đẩy Trung Quốc “ra rìa”? - 2

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trung Quốc và Nga phát triển cùng nhau trong những năm qua, nhưng hai nước cũng cạnh tranh tầm ảnh hưởng ở Trung Á, cả hai đều đầu tư vào lĩnh vực năng lượng.

“Hợp tác Nga-Trung trong vòng 3 năm qua thực chất là bởi Moscow bị cô lập trên trường quốc tế, và áp lực mà Trung Quốc phải đối mặt ở phía Tây Thái Bình Dương”, Yun Sun, chuyên gia tại Viện Stimson ở Washington nhận định. “Nếu Nga cải thiện quan hệ quốc tế thì Moscow cũng không còn nhiều lý do để hợp tác bằng mọi giá với Trung Quốc. Bắc Kinh cũng không còn lợi thế khi đàm phán với Nga”.

Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại Đại học Fudan đồng ý rằng, Trung Quốc sẽ đánh mất tầm ảnh hưởng với Nga, nếu Moscow-Washington không còn đối đầu.

Nga và Mỹ đã tìm được tiếng núi chung trong vấn đề vũ khí hạt nhân, vấn đề Afghanistan dưới thời chính quyền Geogre W Bush và sau đó là Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nhưng chia rẽ vẫn tồn tại trên nhiều phương diện, như cuộc chiến Georgia năm 2008 và Syria.

“Ông Putin chắc chắn sẽ không nhượng bộ về các vấn đề cốt lõi như Crimea, Ukraine và thậm chí là cả Syria”, Wu nói. “Với việc phương Tây không tin tưởng Nga, thật khó để nhận định quan hệ Nga-Mỹ sẽ cải thiện đến đâu”.

Tuy nhiên, nếu như Nga-Mỹ giảm bớt căng thẳng thì “môi trường an ninh toàn cầu cũng sẽ ổn định hơn”, và đây không hẳn là tin xấu đối với Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Donald Trump Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN