Trump chính thức kí sắc lệnh rút khỏi hiệp định TPP
Ít ngày sau khi trở thành Tổng thống, Trump đã đặt bút ký lệnh rút lui khỏi hiệp định thương mại lớn nhất 20 năm qua.
Trump từng tuyên bố TPP là "thảm họa kinh tế" với nước Mỹ.
Tổng thống Donald Trump vừa đặt bút ký lệnh rút lui khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nếu Mỹ không tham gia TPP, hiệp định này sẽ phải xem xét lại hoặc hủy bỏ.
Hiệp định TPP được kì vọng là chương trình hợp tác thương mại lớn nhất thế giới trong 20 năm qua, bao gồm các quốc gia lớn như Mỹ, Australia, Canada, Mexico, Nhật… Việt Nam cũng là một thành viên của thỏa thuận TPP. Trước đây, người tiền nhiệm Barack Obama kì vọng TPP sẽ mở ra một thị trường hàng hóa rộng lớn cho các sản phẩm Mỹ và giúp tạo ra thế cân bằng hơn với hàng hóa Trung Quốc.
Trong chương trình tranh cử tổng thống, Trump nhấn mạnh rút lui khỏi TPP là ưu tiên số một của ông và ngay trong những ngày đầu tiên nhậm chức, tỉ phú New York đã thực hiện cam kết của mình. Ông gọi TPP là “thảm họa” với nền kinh tế Mỹ.
Trump "khoe" chữ kí rút lui khỏi Hiệp định TPP.
Trump nói rằng ông muốn kí các thỏa thuận song phương với các quốc gia thành viên TPP hơn là kí với một nhóm 20 nước.
Ngoài TPP, Trump đang nhắm tới Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) nhằm xóa bỏ hàng rào thương mại giữa Mỹ, Canada, Mexico từ thời Clinton. “Chúng tôi sẽ thảo luận lại NAFTA, các vấn đề nhập cư và biên giới”, Trump tuyên bố ngày 22.1 trước mặt các quan chức cấp cao.
Sự không hài lòng của Trump dành cho TPP cũng được một số thượng nghị sĩ đảng Dân chủ đồng thuận, nổi bật có Bernie Sanders. Cũng trong ngày 23.1, Trump triệu tập một số tập đoàn lớn tới Nhà Trắng và cam kết giảm thuế và xóa bỏ các quy định rắc rối để giúp họ làm ăn tốt hơn.
“Những quy định sẽ được xóa bỏ và thuế cũng được giảm tối đa”, Trump tuyên bố. Ông khẳng định doanh nghiệp nào muốn chuyển nhà máy ra nước ngoài “sẽ đối mặt thuế biên giới cực lớn”.
Ngoài ra, Trump ký thêm hai sắc lệnh yêu cầu đóng băng mọi khoản cho vay của chính phủ liên bang – không áp dụng cho các hoạt động quân sự - và cấm sử dụng quỹ trong nước để ủng hộ việc nạo phá thai ở các quốc gia khác.