Trực thăng chở Tổng thống Iran rơi là loại gì, được dùng từ bao giờ?
Trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất hôm 19/5 gặp nạn khi chở theo các quan chức cấp cao Iran, bao gồm Tổng thống Erahim Raisi, và Ngoại trưởng Hossein Amir Abdollahian.
Ông Raisi cùng các quan chức Iran ngồi bên trong trực thăng hôm 19/5 trước khi gặp nạn.
Kênh truyền thông Tasnim của Iran ngày 20/5 đưa tin, có tổng cộng 9 người trên chiếc trực thăng gặp nạn ở khu vực phía tây bắc, gồm Tổng thống Iran Ebrahim Raisi, Ngoại trưởng Hossein Amir Abdollahian, tỉnh trưởng tỉnh Đông Azerbaijan của Iran - Malek Rahmati, giáo sĩ Imam Mohammad Ali Alehashem đại diện cho Giáo chủ Ali Khamenei, cơ trưởng, cơ phó, trưởng đoàn, người đứng đầu bộ phận an ninh và một vệ sĩ.
Truyền hình Iran cũng công bố hình ảnh ông Raisi cùng các quan chức ngồi trong trực thăng trước khi gặp nạn. Hình ảnh cho thấy ông Raisi ngồi cạnh Ngoại trưởng Amir-Abdollahian trên trực thăng bay qua một con đập.
Reuters dẫn nguồn tin từ hãng thông tấn Iran IRNA cho biết, ông Raisi cùng các quan chức cấp cao gặp nạn khi đang di chuyển trên chiếc trực thăng Bell 212 do Mỹ sản xuất. Chiếc trực thăng này từng thuộc sở hữu của không quân Iran và được chính phủ Iran sử dụng cách đây 3 năm.
Theo Guardian, mẫu trực thăng này được công ty Bell Textron của Mỹ sản xuất cho quân đội Canada vào cuối những năm 1960 như một bản nâng cấp của chiếc UH-1 Iroquois. Thiết kế mới sử dụng hai động cơ trục tua-bin thay vì một, mang lại khả năng chuyên chở lớn hơn.
Trực thăng có thể chở tối đa 14 hành khách, đạt tốc độ tối đa 220 km/giờ, trần bay 5.300 mét. Mẫu trực thăng này được chính phủ và lực lượng hành pháp ở nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng.
Trực thăng Bell 212 của Iran do Mỹ sản xuất.
Theo tài liệu huấn luyện quân sự của Mỹ, loại trực thăng này được giới thiệu vào năm 1971 và nhanh chóng được cả Mỹ và Canada sử dụng.
Bell 212 có thể thích ứng với nhiều tình huống, bao gồm chở người, triển khai thiết bị chữa cháy trên không, vận chuyển hàng hóa và lắp đặt vũ khí. Mẫu máy bay của Iran bị rơi hôm qua được thiết kế để chở các quan chức chính phủ.
Không rõ chính phủ Iran hiện có bao nhiêu chiếc, nhưng lực lượng không quân và hải quân của nước này có tổng cộng 10 chiếc, theo danh mục Lực lượng Không quân Thế giới năm 2024 của FlightGlobal. Mỹ đã dừng sản xuất loại máy bay này từ năm 1998.
Vậy Iran đã mua các trực thăng Mỹ từ khi nào và vận hành, bảo trì, bảo dưỡng ra sao trong bối cảnh vẫn đang bị Mỹ cấm vận.
Theo trang Times Aerospace, Iran ban đầu mua một lượng lớn trực thăng từ nước ngoài, đặc biệt là từ Mỹ khi còn là đồng minh Mỹ dưới thời vua Mohammad Reza Shah Pahlavi (nắm quyền 1949 - 1979). Sau này, Iran bắt đầu nghiên cứu, tự sản xuất các phụ tùng thay thế cho trực thăng và thậm chí có thể sản xuất một số mẫu trực thăng phỏng theo kiểu của Mỹ.
Câu chuyện bắt đầu từ năm 1969, sau khi mua một một lượng lớn trực thăng từ công ty Agusta của Italia, Iran đã thành lập đơn vị hỗ trợ và bảo trì trực thăng với tên gọi Công ty hỗ trợ và đổi mới trực thăng Iran (IHSRC)
Năm 1973, Iran mua thêm hàng loạt trực thăng từ công ty Bell Textron ở Mỹ. IHSRC trở thành trung tâm bảo trì trực thăng lớn nhất ở Trung Đông.
Hình ảnh cuối cùng của trực thăng chở ông Raisi và các quan chức Iran cất cánh trước khi gặp nạn.
Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Mỹ đã cắt quan hệ với Iran và áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt. Đó là lúc IHSRC chuyển hướng sang mô hình tự cung tự cấp nhằm bảo trì và làm mới các phi đội trực thăng của quốc gia.
Các thành tựu mà IHSRC đạt được phải kể tới bảo trì và thay thế phụ tùng các trực thăng Bell 205, Bell 206, Bell 212, Bell 214, CH-54 Chinook, RH-53D, SH-3D, Bell 412 và Mil Mi-17. Các trực thăng này không chỉ thuộc sở hữu của quân đội Iran mà còn thuộc sở hữu của chính phủ, Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Iran và Công ty Dầu khí Quốc gia Iran (NIOC).
Theo Times Aerospace, công ty Bell Textron của Mỹ và Iran có mối quan hệ lâu dài và phức tạp. Vào những năm 1970, quốc vương Iran Mohammad-Reza Shah Pahlavi thân phương Tây mua một loại các máy bay và trực thăng của nước ngoài, đặc biệt là trực thăng của Bell. Trong một hợp đồng ký kết, Iran mua 200 trực thăng chiến đấu AH-1J Cobra của Mỹ.
Nhưng vua Shah không chỉ muốn mua trực thăng mà còn muốn tự sản xuất. Với các hợp đồng kếch xù, vua Shah đã thuyết phục được Bell sản xuất trực thăng 214ST ở Iran. Theo thỏa thuận, Bell xây dựng một nhà máy sản xuất trực thăng lớn trong lãnh thổ Iran.
Trực thăng Shahed 278 do Iran tự sản xuất.
Phiên bản trực thăng 214ST thử nghiệm lần đầu cất cánh ở Iran vào năm 1977. Sau khi vua Shah bị lật đổ vào năm 1979, Bell rút khỏi Iran. Nhưng Iran khi đó đã nắm được quy trình sản xuất và lắp ráp trực thăng, tận dụng các cơ sở do Mỹ xây dựng, đổi tên thành Công ty Công nghiệp Sản xuất Máy bay Iran (HESA).
Trong hàng thập kỷ về sau, các kỹ sư Iran đã thành công trong việc thiết kế lại các bộ phận trực thăng của Mỹ và trong một số trường hợp còn chế tạo được trực thăng hoàn chỉnh giống như Mỹ sản xuất, bao gồm các mẫu Bell 205, 206 và 214.
Iran cũng tự sản xuất trực thăng Shahed 278 và Shahed 285 với khung thân và động cơ thừa hưởng từ trực thăng Bell 206 JetRanger của Mỹ. Trực thăng Shabaviz 275 do Iran sản xuất được coi là phiên bản làm lại từ trực thăng AH-1J Cobra của Mỹ.
Dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Iran được ký kết. Mỹ dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc Iran tuân thủ các thỏa thuận hạt nhân. Khi đó, hãng Lockheed Martin và Boeing của Mỹ đã tới khảo sát, thảo luận với giới chức Iran về thương vụ mua bán trực thăng. Năm 2014, Iran mua 4 trực thăng R44 của Mỹ để huấn luyện các phi công và đây là thương vụ mua bán trực thăng đầu tiên giữa Iran và Mỹ sau hàng thập kỷ.
Tuy nhiên, trong giai đoạn Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm quyền vào năm 2017 - 2021, Mỹ đã áp đặt trở lại các biện pháp cấm vận và ngừng hợp tác với Iran. Ngành công nghiệp sản xuất máy bay và trực thăng của Iran lúc này vừa đứng trước cơ hội phát triển, lại quay trở về như trước.
Nguồn: [Link nguồn]
Phó Tổng thống Iran và một số hãng truyền thông ngày 20/5 xác nhận, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã thiệt mạng.