Tết Nguyên đán Việt Nam ra sao trong mắt người nước ngoài?
Tết Nguyên đán là lễ hội quan trọng và ý nghĩa nhất dải đất hình chữ S, là dịp tuyệt vời nhất để du khách nước ngoài cảm nhận không khí lễ hội ở Việt Nam, theo CNN.
Bánh chưng – món ăn không thể thiếu đối với người Việt Nam trong ngày Tết Nguyên đán (ảnh: Quora)
Trên các diễn đàn điện tử lớn như Quora, Tết Nguyên đán – lễ hội lâu đời nhất ở Việt Nam – là đề tài được nhiều người nước ngoài quan tâm bàn luận sôi nổi.
“Tôi đã sống ở Việt Nam hơn 2 năm và có thể kể cho các bạn biết về một vài điều đặc biệt về Tết Nguyên đán hay còn gọi tắt là Tết ở đất nước hiếu khách này. Khoảng 7 ngày trước thời điểm mùng 1.1 theo Âm lịch là lúc người Việt Nam bận rộn nhất để chuẩn bị đón Tết. Mọi người sẽ dọn dẹp nhà cửa và văn phòng. Rất nhiều người đi cắt tóc và sắm cho mình những bộ đồ mới để tạo không khí tươi mới đầu năm. Hoa được mua rất nhiều trong những ngày gần Tết ở. Ở Hà Nội, người ta thường bày hoa đào trong nhà, còn ở thành phố Hồ Chí Minh, hoa mai vàng lại được ưa chuộng hơn cả ”, Ken Fern – một giáo viên từng dạy tiếng Anh ở Việt Nam – viết trên Quora.
Là người từng đón nhiều cái Tết ở Việt Nam, Ken Fern thấy rằng ở một số thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội, khoảng 2/3 dân số sẽ đổ về quê vào các ngày sát Tết Nguyên đán. Đường phố dịp cận Tết thường rất tấp nập, thậm chí còn xảy ra tình trạng kẹt xe. Tuy nhiên trong 3 ngày đầu năm mới Âm lịch, những con đường sẽ trở nên vắng vẻ lạ thường. Điều này khiến người nước ngoài như Ken không khỏi bỡ ngỡ.
Du khách nước ngoài thích thú khi tới Việt Nam vào dịp Tết Âm lịch (ảnh: Theculturetrip)
“Hầu hết các cơ sở kinh doanh sẽ đóng cửa trong những ngày Tết. Bạn có tưởng tượng được không? Sáng ngày 1.1 Âm lịch mở mắt dậy, bạn sẽ thấy đường phố vắng tanh dù mới hôm qua còn tấp nập và chật ních người. Nếu chưa chuẩn bị đồ ăn thì đừng lo bị đói. Người Việt Nam rất hiếu khách. Họ sẽ mời bạn dự tiệc nếu bạn đến nhà. Chỉ cần nói “Happy new year” thôi. Rất dễ dàng phải không? Nếu may mắn hơn, bạn còn được chủ nhà tặng cho một chút tiền. Người Việt Nam gọi đó là lì xì”, Ken viết.
“Tết ở Việt Nam là những ngày tuyệt vời nhất. Giao thừa là khoảnh khắc người Việt Nam coi là rất linh thiêng. Ai ở Việt Nam cũng muốn về với gia đình trong ngày Tết Nguyên đán. Tuy nhiên vài năm gần đây, dịch Covid-19 bùng phát khiến hành trình đoàn tụ của một số người gặp khó khăn. Người Việt Nam có nền văn minh lúa nước và họ đã tổ chức Tết Nguyên đán từ hàng nghìn năm trước. Tôi không chắc nhưng có lẽ Tết ở Việt Nam còn ra đời sớm hơn Tết ở Trung Quốc.
Ở Việt Nam có dân tộc Kinh và nhiều dân tộc khác cùng chung sống. Họ đều đón Tết Nguyên đán. Chỉ có điều mỗi vùng, mỗi dân tộc lại có những phong tục khác nhau mà thôi. Nếu đến Việt Nam vào dịp Tết, bạn sẽ thu thập được rất nhiều kiến thức bổ ích về về truyền thống và văn hóa của đất nước này”, Lucia Millar – một cư dân mạng trên Quora – bình luận.
Viết câu đối – nét đẹp trong văn hóa đón Tết của người Việt (ảnh: Theculturetrip)
Theo The Culture Trip, trải nghiệm Tết Nguyên đán tuyệt vời nhất ở Việt Nam không thể được viết trong bất kỳ cuốn sách nào. Ở Việt Nam vào ngày Tết, người nước ngoài sẽ không thể lang thang trên đường quá lâu bởi bất kỳ một gia đình nào cũng có thể “bắt cóc” họ vào nhà và mời dùng đồ ăn, thức uống. Điều khiến nhiều người nước ngoài tranh cãi nhiều nhất về Tết Nguyên đán ở Việt Nam liệu có phải bắt nguồn từ Trung Quốc hay không.
“Hoàn toàn sai lầm khi nói rằng Tết cổ truyền của Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mặc dù cả 2 nước đều đón Tết theo Âm lịch, nhưng mỗi quốc gia lại có những phong tục và truyền thống đón năm mới riêng. Tôi được nghe câu chuyện về một người con trai của vua Hùng ở Việt Nam đã sáng tạo ra bánh chưng và bánh giầy để cúng tổ tiên. Tết Nguyên đán ở Việt Nam được tổ chức từ hàng ngàn năm trước. Một số nhà sử học còn nghi ngờ rằng người Việt Nam còn đón Tết trước cả người Trung Quốc”, Dor Kimp – một diễn giả tên Quora – viết.
Tết Nguyên đán là dịp để người Việt quây quần bên gia đình (ảnh: Vietvisiontravel)
Người Việt Nam có thấy tốn kém và phiền hà khi một năm phải đón Tết tới 2 lần (theo Dương lịch và Âm lịch) hay không cũng là điều khiến nhiều bạn bè nước ngoài tranh luận sôi nổi trên các trang mạng xã hội quốc tế.
“Ý tưởng bỏ Tết Âm lịch để tránh rắc rối thật nực cười. Việc đón thêm Tết Dương lịch không khiến người Việt Nam sao nhãng công việc của họ. Đối với Tết Âm lịch, hơn ai hết, người Việt hiểu ý nghĩa thực sự của nó là gì. Mỗi nền văn hóa đều có những ngày lễ riêng. Việc một lễ hội có nên tiếp tục tồn tại hay không phụ thuộc vào giá trị và ý nghĩa nó mang lại chứ không phải số đông. Người phương Tây sẽ nghĩ sao nếu bị yêu cầu bỏ ăn mừng năm mới theo Dương lịch và chuyển sang ăn Tết Nguyên đán theo Âm lịch?
Là một người Trung Quốc, tôi không thể tưởng tượng được một thế giới mà mọi người từ bỏ Tết Nguyên đán. Tôi có một vài người bạn người Việt Nam. Họ nói rằng bạn không phải người Việt nếu bạn không yêu Tết. Đó là lý do vì sao tôi nghĩ người Việt Nam sẽ không bao giờ từ bỏ ngày Tết Nguyên đán”, Andrew Wang – một người Trung Quốc đang sống ở Mỹ – bình luận.
Nguồn: [Link nguồn]
Hàng triệu người châu Á tất bật đón Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến...