“Trò chơi” nguy hiểm

Sẽ có 10 ngày dành cho Liên minh châu Âu (EU) để cảm nhận rõ hơn về “sức chịu đựng” của chính mình, khi không một mét khối khí đốt nào từ Nga chuyển đến nữa. Và, có thể tin rằng, cho dù chỉ là tạm thời, điều đó cũng sẽ gây thêm những áp lực nặng nề lên các nhà lãnh đạo cũng như các kết cấu xã hội EU, trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự tại miền Đông Ukraine đã bước sang tháng thứ năm.

Một “chiến dịch đặc biệt” khác

Ngày 1-7, Công ty Nord Stream AG - đơn vị vận hành hai hệ thống Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) 1 và 2 - thông báo: “Từ ngày 11-7 đến 21-7-2022, Nord Stream AG sẽ tạm ngừng cả hai đường ống của tuyến dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc để thực hiện công việc bảo trì theo lịch trình, kể cả kiểm tra các bộ phận cơ khí và hệ thống tự động hóa, nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả, an toàn và tin cậy”.

Đức - Nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu cũng nghiêng ngả do những tác động của giá năng lượng.

Đức - Nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu cũng nghiêng ngả do những tác động của giá năng lượng.

Nord Stream AG cũng lưu ý rằng công tác bảo dưỡng hằng năm đã được lên kế hoạch trước và tiến độ thực hiện đã được thống nhất phối hợp với các đối tác trong việc vận chuyển khí đốt. Nghĩa là, đây là một “chặng ngừng” hoàn toàn bình thường và không có gì để các khách hàng quen thuộc của nguồn cung khí đốt Nga phải lo lắng. Sau 10 ngày ấy, những dòng năng lượng sẽ lại được cung cấp cho châu Âu - điều thực ra mới chính xác là kỳ lạ, trong bối cảnh phương Tây đã và đang trút hàng “cơn mưa” lệnh cấm vận và trừng phạt về phía nước Nga suốt hơn 4 tháng qua.

Tuy nhiên, từ trước ngày 1-7, nghĩa là trước thông báo chính thức này của Nord Stream AG (cũng có thể hiểu là thông báo của chính Tập đoàn Năng lượng quốc gia Nga Gazprom, cổ đông chính tại Nord Stream AG), tờ Financial Times đã đưa tin: Nước  Đức quan ngại về việc đóng đường ống Nord Stream, vì lo lắng rằng dòng chảy khí đốt từ Nga có thể sẽ không được nối lại.

Theo Financial Times, việc Tập đoàn Gazprom cắt giảm 60% lưu lượng khí đốt qua tuyến đường ống Nord Stream vào tháng 6 vì các lý do kỹ thuật đã làm trầm trọng thêm tình hình nguồn cung, trong bối cảnh châu Âu đang cố gắng tăng lượng dự trữ khí đốt trước mùa Đông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sẵn sàng cho một cuộc chiến toàn diện và trường kỳ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sẵn sàng cho một cuộc chiến toàn diện và trường kỳ.

Những lý do kỹ thuật ở đây là gì? Gazprom nhanh chóng “lật bài”, hồi giữa tháng 6: Họ buộc phải cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc so với kế hoạch do hãng Siemens không chuyển trở lại đúng hạn các máy bơm khí đốt sau khi sửa chữa và xác định trục trặc kỹ thuật của động cơ. Và, như Siemens Energy cho biết: Một trong các tuabin khí cho Dòng chảy phương Bắc, sau khi được sửa chữa, vẫn chưa thể đưa từ Montreal trở lại Đức do lệnh trừng phạt của Canada đối với Nga. Do đó, hiện tuyến đường ống chỉ hoạt động ở mức 40% công suất tối đa.

Vậy là, Nord Stream AG cũng như Gazprom, hay nói đúng hơn là Điện Kremlin, hoàn toàn không có trách nhiệm gì liên quan đến “sự cố” ấy, khi nguyên nhân chủ chốt lại đến từ chính phương Tây, sau những động thái cứng rắn của họ. Song, tình hình này cũng đã khiến EU lún sâu thêm vào những khó khăn kinh tế - xã hội.

Và, nó trở thành tiền đề để giới quan sát quốc tế suy luận: 10 ngày dừng hoàn toàn hoạt động của hai hệ thống Dòng chảy phương Bắc cũng sẽ chính là một ngón đòn “cân não, nắn gân” hà khắc mà Nga là phía thực hiện, để đáp trả phương Tây.

Những viễn cảnh u ám

Một ngày sau thông báo từ Nord Stream AG, ngày 2-7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu liên bang Đức Robert Habeck cảnh báo: Đức có thể sẽ phải đối mặt với khả năng Nga tiếp tục trì hoãn việc vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sau thời gian ngừng hoạt động để bảo dưỡng theo kế hoạch trong tháng này.

Phát biểu với báo Thời đại (die Zeit), ông Habeck nói: “Các bạn thấy một kiểu mô hình và mô hình đó có thể dẫn đến kịch bản này. Điều đó có thể là có lý nhằm giữ giá cả dịch vụ nói chung cũng như giá năng lượng ở mức cao tại Đức, nhằm phá hủy sự đoàn kết và thống nhất trong nước”. Nói cách khác, đây là một “cuộc tấn công kinh tế”.

Truyền thông Đức cũng cho rằng khả năng trên có thể là động thái hợp lý mà Moscow sẽ thực hiện, nhằm giảm thêm, thậm chí là ngừng hoàn toàn việc vận chuyển khí đốt tự nhiên tới châu Âu, điều mà Berlin cáo buộc Moscow cố tình thực hiện, nhằm gây bất ổn cho châu Âu.

Thực tế, từ tháng trước, nước Đức đã buộc phải kích hoạt cấp độ cảnh báo thứ hai trong kế hoạch khẩn cấp về khí đốt gồm 3 cấp độ của nước này, sau khi Nga giảm nguồn cung qua đường ống Nord Stream 1 vốn cung cấp khí đốt từ Nga đến châu Âu qua Biển Baltic.

Berlin xác nhận rằng họ đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng trong bối cảnh nguồn cung từ Nga đang giảm dần. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến nước Đức phải đưa ra một quyết định “cay đắng”: Tái khởi động các nhà máy nhiệt điện than, nhằm đối phó với một cuộc khủng hoảng năng lượng có thể xảy ra trong mùa đông tới.

Điều đáng sợ đang hiện hình rõ hơn nữa là đây: Theo bài phóng vấn đăng trên tạp chí WirtschaftsWoche ngày 4-7, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Liên bang Đức (Bundesnetzagentur) Klaus Mueller cảnh báo khoản tín dụng trị giá 15 tỷ euro (15,64 tỷ USD) của chính phủ dùng để mua khí đốt có thể là không đủ để Đức tích trữ khí đốt cho mùa đông khi việc thiếu hụt nguồn cung có nguy cơ đẩy giá lên cao hơn. Bởi, giá khí đốt càng tăng thì các mục tiêu tích trữ khí đốt vào tháng 10 và tháng 11 tới càng đắt đỏ hơn.

Nếu hai hệ thống Nord Stream không được vận hành trở lại, tình thế sẽ trở nên vô cùng khó khăn cho EU.

Nếu hai hệ thống Nord Stream không được vận hành trở lại, tình thế sẽ trở nên vô cùng khó khăn cho EU.

Theo kế hoạch đối phó giai đoạn 2, Berlin sẽ cung cấp 15 tỷ euro để lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt và triển khai mô hình đấu giá khí đốt vào mùa hè này để khuyến khích ngành công nghiệp tiết kiệm năng lượng. Song, hãng nhập khí đốt Nga nhiều nhất của Đức - Uniper - mới đây đã phải xin cứu trợ. Đây là hãng năng lượng lớn đầu tiên cần sự trợ giúp kể từ khi Nga giảm nguồn cung cho Đức trong tháng 6. Việc này buộc họ phải mua sản phẩm trên thị trường giao ngay “với giá cao hơn đáng kể”. Cổ phiếu Uniper cũng đã giảm 20% sau khi hãng này điều chỉnh dự báo tài chính năm nay, cho biết lợi nhuận có thể “thấp hơn đáng kể” so với các năm trước.

Mùa hè, các nước châu Âu thường đẩy mạnh tích trữ khí đốt cho mùa đông. Thế nhưng, năm nay, việc tích trữ trở nên khó khăn vô cùng. Nga đang ngừng cung khí đốt cho nhiều đối tác vì từ chối thanh toán bằng đồng rúp của Nga. Và bởi vậy, Nhiều quốc gia châu Âu khác phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga chịu chung số phận như Đức, thậm chí còn khó khăn hơn khi khó có thể tìm nguồn thay thế. Điều này buộc Liên minh châu Âu (EU) phải chuẩn bị một kế hoạch khẩn cấp về năng lượng cho mùa đông trước mắt.

Áp lực ngàn cân

“Giờ là thời kỳ tương đối khó khăn khi Nga đã cắt giảm một phần khi đốt cho Liên minh châu Âu và chúng ta phải chuẩn bị ứng phó. Cùng với Czech - nước đang giữ nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng châu Âu - chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch khẩn cấp”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leye chia sẻ và kêu gọi: “Có 2 điểm quan trọng ở đây. Thứ nhất, nếu chúng ta cần cắt giảm nhu cầu năng lượng, chúng ta sẽ làm điều đó theo cách thông minh. Và thứ hai, một chủ đề chúng ta cũng cần quan tâm là tình đoàn kết, đoàn kết về năng lượng. Chúng ta được kết nối thông qua các đường ống, chúng ta có tất cả các kết nối với nhau. Chúng ta cũng luôn có thể có các dòng chảy ngược lại, vì vậy chúng ta cần một kế hoạch chung tốt để các dòng năng lượng hoặc khí chảy đến nơi cần thiết nhất. Điều này sẽ được Ủy ban trình bày vào giữa tháng 7 này”.

Vấn đề là, cùng lúc với lời kêu gọi đoàn kết ấy, nước Anh tuyên bố: Họ sẽ khóa van đường ống khí đốt cung ứng cho Liên minh châu Âu (EU) nếu lâm vào tình cảnh thiếu năng lượng sưởi ấm. Đây là kế hoạch khẩn cấp của chính quyền Anh, trong bối cảnh hàng loạt công ty năng lượng cảnh báo cuộc khủng hoảng dầu khí hiện nay sẽ trở nên tồi tệ hơn ở châu Âu.

Chúng ta có thể đặt câu chuyện này cạnh một diễn biến đáng chú ý khác: Số liệu do Gas Infrastructure Europe (GIE) công bố ngày 2-7 cho biết tỷ lệ dự trữ khí đốt trong các kho chứa ngầm của châu Âu tính đến tháng 6 vừa qua đạt 60%. Tuy nhiên, tốc độ bơm khí đốt dự trữ đã giảm mạnh so với các tháng trước.

Nord Stream là một trong những “động mạch chủ” của nền kinh tế - xã hội châu Âu.

Nord Stream là một trong những “động mạch chủ” của nền kinh tế - xã hội châu Âu.

Theo GIE, trong tháng 6, các kho chứa ngầm châu Âu đã được bổ sung 12,75 tỷ m3 khí đốt, thấp hơn gần 3 tỷ m3 so với tháng 5, đưa lượng khí đốt dự trữ lên 62,5 tỷ m3. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đạt 58,18% năng lực dự trữ các kho ngầm và thấp hơn gần 2% so với mức trung bình 5 năm trở lại đây.

EU cam kết sẽ đạt mức dự trữ khí đốt tối thiểu 80% trước mùa đông năm nay và tăng lên 90% trong các giai đoạn tiếp theo. Mức độ dự trữ khí đốt của Bồ Đào Nha và Ba Lan hiện cao nhất trong EU với tỷ lệ tương ứng 100% và 97,44%. Sau họ, lượng dự trữ khí đốt tại các kho chứa ngầm của Đức đạt 61,21%, Pháp đạt 62,42%, Italy đạt 58,9%, Hà Lan đạt 53,08%, Bulgaria đạt 35,14%, Đan Mạch đạt 79,36%, Hungary đạt 40,14%, Áo đạt 45,12%, Czech đạt 69,05%, Bỉ đạt 59,11% và Latvia đạt 44,91%. Nghĩa là, có những sự chênh lệch khá lớn giữa các quốc gia EU.

Trong khi đó, trong bài viết đăng trên trang Politico ngày 4-7, Thủ tướng Czech Petr Fiala cũng làm rõ: “Châu Âu sẽ chỉ mạnh khi đoàn kết... Tất nhiên, sẽ có những nỗ lực chia rẽ chúng ta, cả từ bên ngoài và bên trong”. Ông nêu ví dụ về việc Nga dừng cung cấp khí đốt cho một số quốc gia này, trong khi tiếp tục bơm khí đốt cho một số quốc gia khác và nhắc đến cả việc các nước EU không thống nhất về vấn đề tiếp tục trừng phạt chống lại Nga, đơn cử như Hungary. 

Và, như thế, có lẽ, chúng ta sẽ thấy nhiều điều hơn trong tuyên bố: “Không có deadline (giới hạn) cho chiến dịch quân sự này” từ ông chủ Điện Kremlin. Một thế trận toàn diện đang được định hình, từ quân sự tới kinh tế - tài chính, nhằm xác lập một trật tự thế giới đa cực “không thể đảo ngược” mới, thay thế cho trật tự đơn cực cũ. Trong thế trận mà nước Nga không hề vội vàng đó, năng lượng đóng vai trò công cụ quan trọng, để khuếch đại những yếu tố khiếm khuyết trong lòng phương Tây, khi lợi ích thiết thân của mỗi quốc gia riêng bị ảnh hưởng.

Đức cảnh báo hậu quả ”thảm khốc” vì thiếu khí đốt Nga

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cảnh báo, nước này có thể phải đưa ra những quyết định “không tốt” cho nền kinh tế và xã hội khi nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mây Linh ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN