Triều Tiên từ nay "cắt đứt hoàn toàn" với Hàn Quốc?
Tuyến đường Gyeongui và Donghae mang ý nghĩa quan trọng trong khía cạnh kinh tế, là biểu tượng cho sự hợp tác và hòa giải hai miền. Triều Tiên hôm 15/10 đã cho nổ tung hai tuyến đường này với mục đích "cắt đứt hoàn toàn" với Hàn Quốc.
Bản đồ hai tuyến đường Gyeongui và Donghae kết nối Hàn Quốc và Triều Tiên. Ảnh: Newsweek.
Lịch sử hai tuyến đường Gyeongui và Donghae
Gyeongui là một trong những tuyến đường sắt lâu đời và có ý nghĩa chiến lược nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Được xây dựng vào năm 1906 trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng bán đảo Triều Tiên, tuyến đường này kết nối thủ đô Seoul với Sinuiju, thành phố Triều Tiên giáp biên giới Trung Quốc. Tuyến đường này đóng vai trò quan trọng trong việc lưu thông hàng hóa và con người giữa Hàn Quốc, Triều Tiên và Trung Quốc.
Sau khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950, tuyến đường Gyeongui bị chia cắt tại khu phi quân sự (DMZ), nơi ranh giới giữa hai miền được thiết lập. Từ đó, tuyến đường này trở thành biểu tượng của sự chia rẽ và căng thẳng trên bán đảo. Tuy nhiên, với nỗ lực tái thiết và hòa giải, năm 2000, tuyến đường Gyeongui bắt đầu được khôi phục trong khuôn khổ các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai miền Triều Tiên. Một lễ khởi công mang tính lịch sử đã diễn ra với sự tham gia của Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ là Kim Dae-jung. Đây là bước đầu tiên để nối lại tuyến đường bị gián đoạn suốt nửa thế kỷ.
Triều Tiên và Hàn Quốc đã nối lại tuyến đường sắt Gyeongui và Donghae từ đầu những năm 2000. Ảnh: Yonhap.
Trong khi đó, tuyến đường Donghae nằm dọc bờ biển phía đông của bán đảo Triều Tiên, bắt đầu từ Hàn Quốc và kéo dài đến Triều Tiên. Tuyến đường này bắt đầu được xây dựng vào năm 1935, bao gồm cả đường bộ và đường sắt.
Khác với tuyến Gyeongui, tuyến Donghae có tiềm năng chiến lược lớn hơn về mặt kinh tế và thương mại. Nếu được kết nối hoàn chỉnh, tuyến Donghae không chỉ là cầu nối liên Triều mà còn có thể mở rộng tới Nga và xa hơn nữa tới châu Âu và thậm chí cả London (Anh). Điều này sẽ mang lại lợi ích kinh tế đáng kể cho Hàn Quốc, đặc biệt là trong việc vận chuyển dầu khí từ Nga và Trung Á về thông qua hệ thống đường sắt.
Tuyến Donghae có thể giúp Hàn Quốc tiết kiệm rất nhiều chi phí và thời gian trong vận chuyển hàng hóa so với các phương thức giao thông hiện tại như hàng không hay đường biển. Theo các chuyên gia, chi phí vận tải đường sắt chỉ bằng 1/5 đến một nửa so với vận tải đường biển hay hàng không. Nhờ vậy, tuyến đường này sẽ là yếu tố then chốt giúp Hàn Quốc không chỉ gia tăng lưu thông hàng hóa trong khu vực mà còn mở rộng các giao dịch kinh tế với Nga và châu Âu.
Biểu tượng cho sự hòa giải và hợp tác kinh tế hai miền Triều Tiên
Hai tuyến đường Gyeongui và Donghae từng được kì vọng mang đến tiềm năng phát triển kinh tế cho cả Hàn Quốc và Triều Tiên.
Cả hai tuyến đường Gyeongui và Donghae đều mang giá trị biểu tượng mạnh mẽ về mặt chính trị và kinh tế. Khi các tuyến đường này được khôi phục và vận hành trở lại vào những năm 2000, chúng không chỉ giúp tăng cường giao thương mà còn mở ra cánh cửa hi vọng về một bán đảo Triều Tiên hòa bình và thống nhất.
Năm 2007, một chuyến tàu thử nghiệm đã chạy qua biên giới từ Munsan (Hàn Quốc) đến Kaesong (Triều Tiên), với sự tham gia của nhiều quan chức từ cả hai miền. Chuyến tàu không chỉ mang theo hàng hóa mà còn là biểu tượng của mong muốn hòa bình giữa hai miền sau nhiều năm chia cắt. Tuy nhiên, các hoạt động giao thông đã bị đình chỉ vào năm 2008 sau một loạt các sự kiện căng thẳng quân sự và chính trị giữa hai miền.
Ngoài ra, việc khôi phục các tuyến đường sắt này còn giúp hỗ trợ Khu công nghiệp Kaesong, một dự án hợp tác kinh tế giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Việc giao thương qua tuyến Gyeongui giúp vận chuyển hàng hóa từ Khu công nghiệp Kaesong vào miền Nam và ngược lại, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho cả hai bên.
Triều Tiên cho nổ hai tuyến đường, "cắt đứt hoàn toàn" với Hàn Quốc
Video: Triều Tiên cho nổ tung tuyến đường nối với Hàn Quốc.
Triều Tiên hôm 15/10 đã cho nổ nhiều đoạn đường trên hai tuyến Gyeongui và Donghae, chính thức cắt đứt mọi kết nối giao thông với Hàn Quốc.
Theo Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), vụ nổ diễn ra vào khoảng giữa trưa và các hoạt động phá hủy tiếp tục được thực hiện với các thiết bị hạng nặng. Đây được xem là một động thái quyết liệt của Triều Tiên nhằm loại bỏ mọi di sản hợp tác liên Triều.
Theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap, Triều Tiên trước đó đã cảnh báo về việc sẽ "hoàn toàn tách biệt" khỏi Hàn Quốc. Bình Nhưỡng đã tiến hành gỡ bỏ các cơ sở hạ tầng liên Triều khác như đèn đường, đồng thời lắp đặt mìn và hàng rào phòng thủ trong khu vực DMZ.
Triều Tiên đã cho nổ nhiều đoạn ở hai tuyến đường Gyeongui và Donghae vào ngày 15/10. Ảnh: Reuters.
Quân đội Hàn Quốc đã nâng cao cảnh giác và tăng cường giám sát các hoạt động quân sự của Triều Tiên. Sự kiện này không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ liên Triều mà còn gây lo ngại về nguy cơ xung đột quân sự trong khu vực.
Đối với Hàn Quốc, việc mất đi các tuyến đường này không chỉ là thiệt hại về mặt giao thông mà còn là sự mất mát lớn về mặt biểu tượng cho hòa bình và hợp tác trên bán đảo Triều Tiên.
Ngay sau động thái của Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc đã có động thái đáp trả.
Nguồn: [Link nguồn]