Triều Tiên ra tín hiệu ‘đèn đỏ’ cho thượng đỉnh với Nhật

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui lên tiếng về khả năng năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh Nhật-Triều Tiên, nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng sẽ luôn giữ vững lập trường.

Trả lời phỏng vấn hôm 29-3, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, bà Choe Son-hui nói rằng vấn đề đối thoại Nhật-Triều Tiên không phải là ưu tiên hàng đầu của Bình Nhưỡng, theo hãng thông tấn KCNA.

Theo bà Choe, Bình Nhưỡng sẽ giữ vững lập trường của mình, chỉ sẵn sàng đàm phán khi Nhật đưa ra những quyết định mang tính "chính trị thực tế". Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng sẽ không chấp nhận việc Nhật lấy cớ giải quyết vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc ở Triều Tiên vào những năm 1970, 1980 để thúc đẩy tổ chức thượng đỉnh.

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, bà Choe Son-hui. Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, bà Choe Son-hui. Ảnh: REUTERS

“Tôi không hiểu vì sao Tokyo luôn muốn đề cập vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc ở Triều Tiên. Vấn đề này rõ ràng đã được giải quyết từ lâu. Lần nữa tôi khẳng định rằng Triều Tiên sẽ luôn giữ vững lập trường của mình. Tôi nghĩ phía Tokyo nên nhìn vào thực tế nhiều hơn” - bà Choe nói.

Hôm 25-3, bà Kim Yo-jong, em gái của lãnh đạo Triều Tiên, cho biết Bình Nhưỡng chỉ hoan nghênh một cuộc đàm phán với Nhật nếu nước này sẵn sàng bắt đầu một trang mới trong quan hệ 2 nước mà không “bị ám ảnh bởi quá khứ”.

Hiện phía Nhật chưa lên tiếng trước thông tin trên.

Trước đó, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida cho biết ông muốn hội đàm với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Ông Kishida cũng hy vọng một cuộc gặp như vậy có thể xoa dịu căng thẳng hàng thập niên giữa 2 nước, góp phần giải quyết những khác biệt trong quan điểm 2 bên.

Theo đài NHK, chính phủ Nhật cho biết 17 công dân nước này đã bị đặc vụ Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970, 1980. Trong số đó, 5 người đã được hồi hương sau thượng đỉnh song phương Nhật-Triều Tiên năm 2002, và 12 người vẫn còn mất tích.

Quan hệ Nhật và Triều Tiên ngày càng xấu đi trong những năm gần đây. Nguyên nhân xuất phát từ bất đồng quan điểm về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Ngoài ra, việc Nhật liên minh với Mỹ và Hàn Quốc, thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận trên Bán đảo Triều Tiên càng khiến tình hình thêm phức tạp và căng thẳng, theo hãng tin Reuters.

Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya hôm 28-3 cho rằng khả năng yếu tố hạt nhân của Mỹ tham gia vào các cuộc tập trận quân sự quanh Triều Tiên ảnh hưởng đến lợi ích của Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo CHÍ THANH ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN