Triều Tiên phóng tên lửa “quái vật” lớn chưa từng thấy: Chuyên gia nói gì?
Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên gần đây tăng nhiệt khi Triều Tiên xác nhận phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất và lớn nhất.
Tên lửa Hwasong-17 lần đầu được Triều Tiên công bố năm 2020.
Vụ phóng tên lửa Hwasong-17 của Triều Tiên diễn ra vào ngày 24.3, trong bối cảnh Mỹ đang tập trung giảiquyết vấn đề xung đột ở Ukraine.
Trong vụ phóng tên lửa, nhà lãnh đạo Kim jong Un khẳng định “hoàn toàn sẵn sàng cho cuộc đối đầu lâu dài với đế quốc Mỹ”, theo hãng thông tấn KCNA.
Ông Kim trực tiếp giám sát vụ phóng tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng, ra lệnh “khai hỏa”. Mẫu tên lửa đồ sộ phóng vút lên khỏi mặt đất, bay cao gần 6.200km và xa 1.090km, theo KCNA.
Đây là lần đầu tiên Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) kể từ năm 2017. Vụ phóng diễn ra khi Hàn Quốc đang trong giai đoạn chuyển giao quyền lực.
Tổng thống Hàn Quốc đắc cử Yoon Suk-yeol sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm ngay sau khi nhậm chức vào ngày 10.5.
Theo giới quan sát, nếu tên lửa được phóng theo quỹ đạo bình thường, nó hoàn toàn có thể bay xa 13.000km, đủ sức bắn tới Mỹ.
Hwasong-17 là một trong những tên lửa đạn đạo liên lục địa lớn nhất thế giới.
Tên lửa Hwasong-17 bay xa hơn và mạnh hơn nhiều so với tên lửa Hwasong-15 mà Triều Tiên phóng năm 2017.
Được mệnh danh là “tên lửa quái vật” vì kích thước đồ sộ, Hwasong-17 gây chú ý khi xuất hiện trong cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng vào tháng 10.2020.
Đây là mẫu ICBM có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân, tầm bắn vượt mức 13.000km và là một trong những tên lửa lớn nhất thế giới.
“Triều Tiên đã chứng minh năng lực phóng tên lửa mang theo hàng tấn thuốc nổ, thậm chí là đầu đạn hạt nhân, vươn xa tới Washington, New York hay Chicago ở Mỹ”, Chang Young-keun, chuyên gia về khoa học tên lửa tại Đại học Khoa học Vũ trụ Hàn Quốc, nói.
“Nhưng nước này vẫn chưa cho thấy nắm được công nghệ tái nhập khí quyển của tên lửa, cũng như khả năng phóng ra nhiều đầu đạn tấn công nhiều mục tiêu đồng thời”, ông Chang nói.
Tên lửa có thể phóng ra nhiều đầu đạn hạt nhân, tấn công nhiều mục tiêu đồng thời.
Để chứng minh, Triều Tiên cần phóng ICBM theo quỹ đạo thông thường, có thể tùy chọn nơi tên lửa rơi xuống ở Thái Bình Dương, thậm chí bắn tới gần Hawaii hay đảo Guam để kiểm tra khả năng đánh chặn của Mỹ, ông Chang nói.
Theo ông Chang, Triều Tiên đang chứng minh bước tiến công nghệ tên lửa để gây sức ép với Mỹ trên bàn đàm phán, nhằm buộc Mỹ dỡ bỏ cấm vận.
Mỹ từng khẳng định sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Triều Tiên, nhưng hai bên chưa đạt được sự đồng thuận về việc Triều Tiên dỡ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân.
Theo giới quan sát, Triều Tiên dường như đang khôi phục bãi thử hạt nhân ngầm dưới lòng đất Punggye-ri. Triều Tiên tuyên bố đánh sập bãi thử này vào tháng 5.2018.
Giáo sư Yang Moo-jin đến từ Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nói vụ phóng của Triều Tiên nhằm gây sức ép với chính phủ sắp cầm quyền ở Hàn Quốc, cũng như gây sức ép với Mỹ.
“Triều Tiên tin rằng Mỹ sẽ không thể giáng thêm đòn trừng phạt nước này khi Washington, Moscow và Bắc Kinh đang có những bất đồng”, ông Yang nói.
Harry J. Kazianis, nhà phân tích của tạp chí National Interest, nói chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của Tổng thống Mỹ Joe Biden là nguyên nhân Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa tầm xa. “Ông Biden áp dụng chiến lược giống như thời Barack Obama, chờ đợi Triều Tiên ngỏ ý muốn đàm phán và án binh bất động chờ đến khi đó”, ông Kazianis nói.
Các chuyên gia nhận định, tình hình ở bán đảo Triều Tiên có thể quay lại giai đoạn “lửa và cuồng nộ” như năm 2017 hoặc thậm chí tồi tệ hơn.
Thời gian tới, Triều Tiên có thể phóng ICBM theo quỹ đạo thông thường, bay qua Nhật Bản và rơi xuống Thái Bình Dương. “Triều Tiên có thể làm như vậy vào ngày 15.4, trong dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành”, Ryu Sung-yeop, chuyên gia đến từ Viện nghiên cứu các vấn đề quân sự Triều Tiên ở Hàn Quốc, nhận định.
Nguồn: [Link nguồn]
Một trong số những khoảnh khắc nổi bật là hình ảnh ông Kim Jong Un tươi cười, vỗ tay ăn mừng vụ phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-17.