Triều Tiên phóng tên lửa ngay ngày mai "dằn mặt" Trump?
Triều Tiên sẽ sớm phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới, có thể trùng với thời điểm Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan của Triều Tiên.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc cho biết, họ đã phát hiện một số bộ phận được cho là phần đuôi của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đang được vận chuyển.
Điều này làm dấy lên những quan ngại về việc Bình Nhưỡng sẽ sớm phóng thử tên lửa, và có khả năng vụ phóng tên lửa trùng với thời điểm ông Trump nhậm chức vào ngày mai, truyền thông Hàn Quốc đưa tin.
“Loại tên lửa mới có chiều dài và hình dáng khác biệt so với tên lửa Musudan thông thường”, tờ Chosun Ilbo viết. “Có khả năng Triều Tiên đang vận chuyển thành phần tên lửa mới đến nơi lắp ráp”.
Trả lời trong cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Roh Jae-cheon nói các thông tin này không thể được xác nhận. Quân đội Hàn Quốc đang theo dõi sát sao quá trình phát triển ICBM của Triều Tiên.
Trước đó, trong bài phát biểu nhân dịp năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố nước này sắp phóng thử ICBM và vụ phóng có thể diễn ra bất cứ lúc nào.
Các chuyên gia cho rằng tuyên bố của Bình Nhưỡng là “đáng tin cậy” nếu xét đến quy mô chương trình phát triển tên lửa Triều Tiên.
Triều Tiên thử động cơ tên lửa đạn đạo tại bãi phóng Sohae năm 2016.
Trong một lễ diễu binh trước đây, Triều Tiên từng tiết lộ một loại tên lửa mới được cho là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa KN-08. Bình Nhưỡng cũng được cho là đã sở hữu một phiên bản tên lửa nâng cấp KN-14.
Các chuyên gia cho biết, sẽ rất khó để theo dõi và ngăn chặn việc Triều Tiên phóng thử ICBM bởi loại tên lửa phiên bản di động này hoàn toàn được giữ kín cho đến khi phóng.
Hãng tin Yonhap dẫn các nguồn tin quân đội giấu tên cho biết tên lửa ICBM mới của Triều Tiên có hai phần, dài gần 15m, ngắn hơn tên lửa KN-08 và KN-14. Năm ngoái, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm một động cơ đẩy của ICBM.
Ngày 19.1, trang mạng 38 North của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết, cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên có dấu hiệu hoạt động trở lại.
Hình ảnh vệ tinh chụp cơ sở này cho thấy trên các mái nhà không có tuyết. Điều này có nghĩa máy móc bên trong đang hoạt động. Rất có thể Bình Nhưỡng đang sản xuất plutonium sử dụng trong đầu đạn hạt nhân.