Triều Tiên nói phóng vệ tinh để theo dõi quân đội Mỹ
Triều Tiên sẽ phóng vệ tinh do thám đầu tiên vào tháng 6, trong đó quan chức Triều Tiên đề cập đến sự cần thiết của việc giám sát quân đội Mỹ và đồng minh của Mỹ theo "thời gian thực", hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 30/5 cho biết.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thị sát bãi phóng vệ tinh Sohae trong bức ảnh công bố hồi tháng 3/2022.
Vệ tinh này cũng như “các phương tiện do thám khác là thành phần không thể thiếu để theo dõi, giám sát và đối phó trước các hành động quân sự nguy hiểm của Mỹ và các đồng minh của Mỹ”, Ri Pyong Chol, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Triều Tiên, nói với KCNA.
Quan chức Triều Tiên cho biết, các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc buộc Bình Nhưỡng phải có "biện pháp để thu thập thông tin về các hành động quân sự của đối phương theo thời gian thực".
"Chúng tôi sẽ xem xét toàn diện các mối đe dọa ở hiện tại và trong tương lai, đồng thời tiến hành các hoạt động một cách kỹ lưỡng hơnnhằm tăng cường khả năng răn đe", ông Ri nhấn mạnh.
Trước đó, Triều Tiên đã thông báo với Nhật Bản về kế hoạch phóng vệ tinh từ nay cho đến trước ngày 11/6.
Tuần trước, Mỹ và Hàn Quốc thông báo mở cuộc tập trận “hỏa lực hủy diệt kết hợp”, sẽ là cuộc tập trận bắn đạn thật lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước. Cuộc tập trận sẽ kéo dài đến giữa tháng 6, đánh dấu 70 năm kể từ khi thành lập liên minh quân sự giữa Seoul và Washington.
Bình Nhưỡng luôn coi các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc là hành động đe dọa, chuẩn bị cho khả năng tấn công Triều Tiên.
Kế hoạch phóng vệ tinh vào quỹ đạo của Triều Tiên đã vấp phải sự chỉ trích lớn. Đây cũng là vụ phóng vệ tinh được lên kế hoạch đầu tiên của Triều Tiên sau 7 năm.
“Các vụ phóng vệ tinh về cơ bản không có sự khác biệt so với phóng tên lửa đạn đạo. Bất kể thuật ngữ mà Triều Tiên sử dụng là gì, vụ phóng được lên kế hoạch lần này cũng sử dụng công nghệ phóng tên lửa đạn đạo”, Hirokazu Matsuno, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, nói trong cuộc họp báo ngày 30/5. Ông Matsuno cho rằng, Triều Tiên phóng tên lửa như vậy sẽ vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
"Nếu có mối đe dọa tên lửa Triều Tiên, Tokyo sẽ sử dụng mọi biện phápđối phó, bao gồm giải pháp đánh chặn", ông Matsuno nói.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng, tên lửa có thể bay qua quần đảo Sakishima, tỉnh Okinawa, tương tự như vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên năm 2016. Các mảnh vỡ hoặc thành phần tên lửa có thể rơi xuống biển Hoàng Hải, biển Hoa Đông và vùng biển phía đông đảo Luzon, Philippines.
Giới quan sát nhận định, Triều Tiên có thể tận dụng thành phần trong tên lửa đạn đạo liên lục địa, ví dụ như Hwasong-17 để phóng vệ tinh, theo Japan Times.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhật Bản đặt mục tiêu phá hủy bất kỳ tên lửa nào của Triều Tiên xâm phạm lãnh thổ và đang có các bước chuẩn bị sau khi Bình Nhưỡng thông báo kế hoạch phóng vệ tinh.