Triều Tiên có cách "chặn họng" tên lửa THAAD của Mỹ
Hệ thống THAAD Mỹ đặt tại Hàn Quốc đang cách quá xa Seoul và khiến 26 triệu người dân thủ đô không được bảo vệ.
Mỹ thử tên lửa THAAD tại căn cứ Alaska.
Mỹ vừa thử thành công hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở bang Alaska. Hệ thống tương tự đang được lắp đặt tại Hàn Quốc nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên bắn sang. Lưới lửa này được đánh giá là “bách phát bách trúng” với tỉ lệ bắn thử trúng đích đạt 100%.
Hiện tại, Mỹ đặt ở Hàn Quốc hai dàn tên lửa THAAD và một hệ thống khác ở căn cứ quân sự trên đảo Guam nằm ở Thái Bình Dương. Hệ thống này có thể bắn hạ các tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Vụ thử nghiệm hôm 11.7 hạ gục thành công tên lửa với tầm bắn từ 2.400 tới 4.500 km.
Dù vậy, nhiều người vẫn nghi ngại khả năng thực sự của THAAD, nhất là trong điều kiện thực chiến. Các chuyên gia cho rằng, nếu Triều Tiên sử dụng chiến thuật “dội tên lửa như bão” với hàng trăm quả xuất phát một lúc thì THAAD cũng đành “bó tay”. Bruce Kingler, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Quỹ Heritage nói rằng Mỹ không thử nghiệm THAAD ở bán đảo Triều Tiên vì sợ “khiêu khích Bình Nhưỡng”.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, điều kiện thử nghiệm vẫn quá lý tưởng và không lường tới phương án Triều Tiên nã hàng trăm quả tên lửa cùng lúc. Kịch bản như vậy xảy ra sẽ là dấu chấm hết cho sự ưu việt của THAAD.
“Dù hệ thống THAAD có thể đánh chặn rất tốt nhưng tôi nghi ngờ khả năng của nó khi Triều Tiên dội biển tên lửa vào Hàn Quốc”, Laura Grego, chuyên gia tên lửa tại Chương trình An ninh Toàn cầu, trực thuộc Liên đoàn các nhà khoa học, nói. Chuyên gia này cho biết ngay cả hệ thống phòng thủ GMD tối ưu cũng bộc lộ nhiều khiếm khuyết khi thử nghiệm đánh chặn nhiều tên lửa cùng lúc.
Hiện tại, tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Triều Tiên đang hướng trực tiếp về phía thủ đô Seoul. Ngoài ra, Triều Tiên có thể bắn tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, một loại vũ khí cực kì hiệu quả và sức phá hủy lớn.
Triều Tiên diễn tập bắn tên lửa phóng loạt.
Theo Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ, “Triều Tiên có thể bắn hàng trăm quả tên lửa Scud hoặc No-dong tới các căn cứ quân sự Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản”. Theo thông tin của tập đoàn Lockheed Martin sản xuất ra hệ thống THAAD, lưới lửa này có thể đánh chặn cùng lúc 72 mục tiêu. Dù vậy, THAAD chưa bao giờ thực nghiệm đánh chặn 72 tên lửa cùng lúc.
Một dấu hỏi khác dành cho THAAD chính là hệ thống này đặt ở quận Seongju, cách thủ đô Seoul 227 km. Trong khi đó, tầm bảo vệ hiệu quả của THAAD chỉ là 200 km và sẽ là vô nghĩa khi Triều Tiên dội tên lửa sang thủ đô. Điều này đồng nghĩa 26 triệu dân ở thủ đô Seoul không được tên lửa phòng không bảo vệ.
Chuyên gia Mỹ “khuyên” nước này nên học cách sống chung với Triều Tiên như từng làm với Liên Xô hồi Chiến tranh Lạnh.