Triều Tiên chọn “con đường mới”?
Hôm qua, các đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc, Nga và LHQ cùng trở về Bình Nhưỡng, làm dấy lên đồn đoán Triều Tiên có thể đánh giá lại chiến lược đàm phán hạt nhân sau khi hội nghị thượng đỉnh vào tháng trước với Mỹ không đạt được kết quả.
Một vệ tinh được phóng lên từ bãi phóng Sohae của Triều Tiên
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap dẫn một nguồn tin nói rằng Đại sứ Triều Tiên tại Trung Quốc Ji Jae-ryong, Đại sứ tại Nga Kim Hyong-jun và ông Kim Song, Trưởng phái đoàn Triều Tiên tại LHQ, đã về Bình Nhưỡng trên một chuyến bay của hãng Air Koryo cất cánh từ Bắc Kinh vào chiều 19/3. Khoảng 10 nhà ngoại giao Triều Tiên, bao gồm các đại sứ, đã được trông thấy tại sân bay. Các nhà ngoại giao trở về có thể để dự một hội nghị thường niên của các trưởng phái đoàn ngoại giao ở nước ngoài, nguồn tin nói.Nhưng Triều Tiên có thể sử dụng sự kiện này để bàn các ý tưởng về chiến lược đàm phán với Mỹ.
Cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai kết thúc mà không có thỏa thuận nào nhưng chưa gây ra cuộc khẩu chiến mới giữa Mỹ và Triều Tiên. Triều Tiên nói rằng họ đang cân nhắc dừng đàm phán với Mỹ, trong khi Washington cáo buộc Bình Nhưỡng “không làm điều cần phải làm”.
“Con đường mới”
Trong bài phát biểu đầu năm nay, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un cảnh báo ông sẽ phải tìm “con đường mới” để bảo vệ Triều Tiên nếu Mỹ không giữ lời hứa. Dù các dấu hiệu hiện nay từ các hai phía cho thấy khả năng đối thoại song phương vẫn chưa tắt hẳn, một số chuyên gia phán đoán có khả năng ông Kim có thể chọn “con đường mới”.
“Có nhiều ý kiến khác nhau về "con đường mới" sẽ là gì.Nhưng Triều Tiên đã ám chỉ nhiều lần rằng họ có thể quay về chính sách Byungjin”, báo Korea Herald dẫn lời ông Cheong Seong-chang, phó chủ tịch Viện Sejong, Hàn Quốc.Chính sách Byungjin (song tiến) chủ trương phát triển song song vũ khí hạt nhân và kinh tế.
Tháng 4/2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố giành “chiến thắng cuối cùng” đối với chính sách Byungjin, nói sẽ dừng thử hạt nhân và đóng cửa các địa điểm thử hạt nhân để chính thức chấm dứt chính sách này. Nhưng trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Triều Tiên đưa ra vào cuối năm ngoái, Bình Nhưỡng nói có thể “trở lại chính sách cũ” nếu Mỹ không thay đổi quan điểm về chuyện cấm vận.
Một “con đường mới” nữa Triều Tiên có thể lựa chọn là thúc đẩy thời gian biểu phi hạt nhân hóa của riêng mình và đàm phán với các nước đồng minh là Trung Quốc và Nga, hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.
“Theo đuổi chính sách Byungjin sẽ chỉ càng làm tăng trừng phạt quốc tế và khiến Triều Tiên bị cô lập thêm, và tôi tin Triều Tiên sẽ không thể chịu thêm sức ép lớn hơn nữa”, Hong Min, giám đốc bộ phận nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, nói với báo Korea Herald.
Chuyên gia này cho rằng nếu thấy Mỹ quá khó khăn trong việc thảo luận dỡ bỏ trừng phạt kinh tế, Triều Tiên có thể tìm đối tác dễ hơn.
“Thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa với Trung Quốc hay Nga cũng có nghĩa là đang đàm phán với cộng đồng quốc tế. Nếu ông Kim có hành động dỡ bỏ cơ sở hạt nhân và các đồng minh của Triều Tiên xác nhận điều đó thì làm cách nào để Hội đồng bảo an có thể duy trì trừng phạt Triều Tiên?” ông Hong nói. Ông cho rằng các tổ chức quốc tế cũng sẽ phải tham gia quá trình thẩm định.
Chuyên gia Park Won-gon, công tác tại ĐH Handong (Hàn Quốc), cũng cho rằng “con đường mới” của Triều Tiên có thể là tăng cường quan hệ với Trung Quốc, để ông có thể thực hiện thời khóa biểu phi hạt nhân hóa của riêng mình.
“Từ quan điểm của Triều Tiên, họ đang có hành động phi hạt nhân hóa theo cách của mình, theo lịch trình của mình. Nên nếu đàm phán với Mỹ thất bại, họ có thể đi một con đường hoàn toàn mới để thỏa thuận với Trung Quốc hay Nga hoặc được dỡ bỏ một phần cấm vận”. Ông Park nói
Các nguồn tin của Washington Post cho biết nhóm này không hành động phối hợp với bất kỳ chính phủ nào.