Trào lưu “nằm yên, mặc kệ tất cả” của giới trẻ ở Trung Quốc

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Trào lưu “nằm yên, mặc kệ tất cả” đang lan tỏa rộng rãi trong thế hệ trẻ ở Trung Quốc, những người nhận ra rằng dù họ nỗ lực đến mấy cũng không thể kiếm đủ tiền mua nhà, mua xe hay thậm chí là kết hôn.

Ngày càng nhiều người trẻ ở Trung Quốc lựa chọn cách sống tối thiểu.

Ngày càng nhiều người trẻ ở Trung Quốc lựa chọn cách sống tối thiểu.

Hu Ai bị tắc đường khi đang đi cùng cha mẹ trong ngày nghỉ lễ 1.5 thì có sự việc khiến cô nhận ra văn hóa lao động quá sức ở Trung Quốc đã vượt quá sức chịu đựng.

“Sếp gọi cho tôi, yêu cầu tôi đi từ đường cao tốc đến nhà ga gần nhất để lên tàu quay trở lại làm việc gấp”, người phụ nữ 33 tuổi nói, theo SCMP. “Đó là lúc bố mẹ tôi nhận ra công việc của tôi vất vả như thế nào. Mẹ tôi đã khóc trên xe”.

Vài tuần sau, Hu, người làm việc cho một công ty truyền thông ở Trung Quốc, cảm thấy được an ủi nhờ trào lưu phản đối xã hội đang lan tỏa trực tuyến ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trào lưu “nằm yên, mặc kệ tất cả” đang lan tỏa trong một bộ phận thanh niên Trung Quốc, những người cảm thấy tuyệt vọng sau những giờ làm việc căng thẳng mà vẫn không dành đủ tiền mua nhà, mua xe hay thậm chí là lập gia đình. Họ quyết định sống một cách tối thiểu và lặng lẽ.

Từ các nhân viên văn phòng cho đến các sinh viên, rất nhiều thanh niên Trung Quốc tham gia trào lưu này trên mạng xã hội, theo đuổi “triết lý nằm phẳng”.

Trên khắp Trung Quốc, những chiếc áo phông in khẩu hiệu “nằm yên, mặc kệ tất cả” đang được bán đắt như tôm tươi. Nhà chức trách Trung Quốc đã bắt đầu có những động thái ngăn chặn trào lưu này, vì nguy cơ tạo ra thách thức với xã hội.

Các thanh niên Trung Quốc đã chịu sức ép quá lớn từ việc làm việc 12 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần.

Các thanh niên Trung Quốc đã chịu sức ép quá lớn từ việc làm việc 12 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần.

“Triết lý nằm phẳng” được cho là bắt nguồn từ một bài đăng trên mạng xã hội Trung Quốc, trong đó người đăng bài nói mình chỉ tiêu 200 nhân dân tệ một tháng, ngày ăn 2 bữa và không đi làm trong 2 năm.

Thay vì đưa mình vào guồng quay kỳ vọng của gia đình hay chạy theo thành công của bạn bè, người này chọn cách nằm yên bởi "ngày càng thất vọng với văn hóa làm việc vắt kiệt sức của xã hội hiện đại".

Người này khẳng định mình cảm thấy khỏe mạnh về thể chất và tự do về tinh thần khi sống ở mức tối thiểu.

Dù bài đã bị xóa ngay sau đó, “triết lý nằm phẳng” tạo ra cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc. Video bàn luận về triết lý này thu hút hàng triệu lượt xem.

Jane Peng, một sinh viên đại học 19 tuổi ở Quảng Đông, nói: “Chủ đề đang được thảo luận sôi nổi trong giới sinh viên đại học. Chúng tôi dường như đã tỉnh ngộ và tìm thấy một lối thoát mới”.

Elaine Tang, người làm việc cho một công ty công nghệ có trụ sở tại Quảng Châu, cho biết cụm từ trên đã thu hút sự chú ý đặc biệt với giới trẻ Trung Quốc.

“Trong những năm qua, giá nhà tăng vọt, chênh lệch giữa các tầng lớp trong xã hội ngày càng lớn”, một người giấu tên 35 tuổi, đã lập gia đình được 7 năm nhưng chưa có con, nói.

“Người giàu độc chiếm của cải, còn tầng lớp lao động như chúng tôi đi làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày trong tuần nhưng chẳng đủ tiền mua nhà hay sinh con”, người này nói.

Trong một cuộc khảo sát trên Weibo, diễn ra từ ngày 28.5 – 3.6, 61% trong số 241.000 người tham gia trả lời rằng muốn sống theo “triết lý nằm phẳng”.

Bất bình đẳng xã hội được coi là nguyên nhân khiến nhiều người trẻ ở Trung Quốc đánh mất mục đích sống.

Bất bình đẳng xã hội được coi là nguyên nhân khiến nhiều người trẻ ở Trung Quốc đánh mất mục đích sống.

Kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại do dịch bệnh Covid-19 và căng thẳng với Mỹ càng khiến nhiều người nghĩ đến cách sống như vậy.

Nhà chức trách Trung Quốc đặc biệt lo ngại trào lưu này, vì có tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế. Về lâu dài, trào lưu “nằm yên, mặc kệ tất cả” không chỉ ảnh hưởng đến mức độ tiêu thụ hàng hóa, phát triển kinh tế mà còn ảnh hưởng đến tỉ lệ sinh.

Trong vài tuần qua, những người nổi tiếng và truyền thông Trung Quốc đã đăng các thông điệp, bài viết phản đối “triết lý nằm phẳng”.

“Trung Quốc đang ở một trong những giai đoạn quan trọng nhất trên con đường dài hơi để trẻ hóa quốc gia. Những người trẻ tuổi là niềm hi vọng của đất nước. Hoàn cảnh cá nhân của họ cũng như hoàn cảnh đất nước này sẽ không cho phép họ nằm yên”, bài xã luận đăng trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc, viết.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng việc ngày càng nhiều người trẻ ở Trung Quốc cổ xúy cho triết lý sống tối thiểu là điều dễ hiểu. “Nếu làn sóng này tiếp tục lan rộng nó sẽ ảnh hưởng đến kỳ vọng của những người trẻ tuổi về tăng trưởng thu nhập, tiêu dùng, kết hôn và sinh con”, tiến sĩ Gavin Sin Hin Chiu, cựu phó giáo sư Đại học Thâm Quyến, nói.

Người trẻ làm việc trong môi trường công nghệ là những người đầu tiên hưởng ứng “triết lý nằm phẳng”, vì họ đã thấu hiểu văn hóa “996”, nghĩa là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày trong tuần.

“Nhiều người làm việc chăm chỉ cả đời nhưng vẫn không mua được nhà. Có lẽ nên từ bỏ mục tiêu này cho nhẹ gánh”, Frank Lin, một kỹ sư tốt nghiệp từ một trong những trường đại học danh giá nhất ở Trung Quốc, người ủng hộ “triết lý nằm phẳng”, nói.

“Tốt nghiệp trường Đại học hàng đầu không có nghĩa là có cơ hội mua nhà”, Lin nói.

Đối với Hu, người trải qua quãng thời gian làm việc quá sức, “nằm yên, mặc kệ tất cả” giúp cô cảm thấy thoải mái hơn. “Tôi từng rất muốn đi mua sắm, tiêu tiền để giải stress”, Hu nói. “Nhưng giờ đây sống đơn giản, không làm việc quá giờ, nghỉ hai ngày trong tuần, kiếm 4.000 nhân dân tệ một tháng là tốt rồi. Tôi chẳng muốn cố gắng đến kiệt sức nữa”, Hu nói.

“Xe điên” vượt đèn đỏ đâm vào dòng người ở TQ: Lạnh người nghe tài xế nói lý do

5 người thiệt mạng và 5 người khác bị thương trong vụ “xe điên” lao thẳng vào đám đông người qua đường ở thành...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN