Tranh luận Trump - Harris: Ai thể hiện tốt hơn?

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá là có màn tranh luận tương đối ổn nhưng không tạo bất ngờ, còn Phó Tổng thống Kamala Harris dường như được hưởng lợi nhiều hơn.

Cựu Tổng thống Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala trong cuộc tranh luận ngày 10/9. Ảnh: AFP.

Cựu Tổng thống Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala trong cuộc tranh luận ngày 10/9. Ảnh: AFP.

Cuộc tranh luận đầu tiên và có thể là duy nhất giữa ông Trump và bà Harris đã diễn ra tối ngày 10/9 (giờ địa phương). Giống như dự đoán, hai ứng viên đã thể hiện phong cách đối lập, đưa ra chính sách và tầm nhìn khác biệt nếu đắc cử tổng thống.

Bà Harris chưa chứng minh sự vượt trội so với ông Trump 

"Bà Harris rõ ràng đã cố gắng thể hiện uy quyền, sự nghiêm túc và sự chín chắn thông qua cuộc tranh luận. Tôi nghĩ bà ấy đã làm điều đó khá tốt", Martha Johnson, phó giáo sư Đại học Northeastern ở Mỹ, nhận định.

Nick Beauchamp, phó giáo sư chuyên ngành chính trị khoa học của Đại học Northeastern, nêu nhận định về chiến lược của bà Harris.

"Đầu tiên, bà Harris cố gắng tạo ra sự khác biệt giữa mình với ông Biden và cả ông Trump. Sau đó, bà ấy dựa vào các chủ đề tranh luận và các vấn đề liên quan để chọc tức ông Trump, buộc ông Trump nói nhiều hơn nhằm bộc lộ sơ hở", ông Beauchamp nói.

Kết quả là không dưới 3 lần ông Trump bị người điều phối của đài ABC News nhắc nhở vì đưa ra các tuyên bố không đúng sự thật. Nhiều đảng viên Cộng hòa đã chỉ trích đài ABC News tổ chức tranh luận không công bằng khi có lúc cuộc tranh luận giống như "3 người chất vấn một người", bao gồm hai người là người dẫn chương trình của đài.

Ông Johnson nói Harris đã cố gắng truyền tải thông điệp bà sẽ là "tổng thống của mọi người". "Bà Harris đã hạ thấp những luận điểm gây tranh cãi để tập trung vào sự ổn định, sự đoàn kết, hướng đến tầng lớp lao động, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Mỹ", ông Johnson nhận định.

Theo nhận định của báo Mỹ Boston Globe, bà Harris đã có vài lần khẳng định mình khác biệt với Tổng thống Joe Biden, nhưng lại bỏ lỡ cơ hội để chứng minh khác biệt cụ thể là như thế nào. Bà Harris có đề cập rằng nước Mỹ cần một thế hệ lãnh đạo mới nhưng luận điểm bà Harris đưa ra không được chi tiết.

Nếu bà Harris thắng thì đó không phải là nhờ cuộc tranh luận này, báo Mỹ nhận định. Bà Harris đã chứng minh mình là đối thủ "ngang tài ngang sức" với ông Trump nhưng không hề vượt trội hơn.

Ông Trump có màn tranh luận không tệ

Theo Boston Globe, màn tranh luận của ông Trump không tồi tệ nhưng cũng không được coi là tốt. Ông Trump nhiều rơi vào bẫy mà bà Harris giăng ra, dẫn đến việc tốn nhiều thời gian nói về những việc không cần thiết. Ông Trump cũng gặp khó khăn trong việc xoay chuyển hiệu quả các chủ đề nhạy cảm như phá thai và cuộc bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, xét trên toàn bộ chiến dịch tranh cử, ông Trump cũng không mất phiếu bầu sau cuộc tranh luận ngày 10/9. Ông Trump không mắc lỗi sai và đó là thành tích lớn nhất cựu Tổng thống Mỹ đạt được, tờ Boston Globe nhận định.

Cuộc tranh luận ảnh hưởng ra sao tới tương lai bầu cử?

Theo các chuyên gia của Đại học Northeastern, xét theo yếu tố lịch sử, cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống thường không tác động nhiều đến lá phiếu cử tri và cuộc tranh luận ngày 10/9 cũng như vậy.

"Tôi dự đoán sẽ không có sự thay đổi lớn trong lá phiếu cử tri", David Lazer, giáo sư khoa học chính trị của Đại học Northeastern, nhận định.

"Nếu chỉ ra ai là người được hưởng lợi nhất sau cuộc tranh luận thì đó là bà Harris. Bà ấy đã có cơ hội giới thiệu nhiều hơn về bản thân tới các cử tri", ông Lazer nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhiều người dùng trên mạng xã hội X gọi hành động của Phó Tổng thống Kamala Harris khi tiến đến bắt tay cựu Tổng thống Donald Trump là "động thái quyền lực".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - Boston Globe, Northeastern.edu ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN