Tranh chấp Biển Đông: Trung Quốc muốn Nga chìa tay giúp?
Trước thềm buổi điều trần ở tòa án quốc tế về tranh chấp Biển Đông do Philippines kiện Trung Quốc, nhiều báo quốc tế đưa tin Bắc Kinh đang tìm kiếm sự ủng hộ của Nga.
Phiên tòa quốc tế về tranh chấp Biển Đông do Philippines kiện Trung Quốc sẽ diễn ra trong tháng 5 hoặc tháng 6 tới
Trung Quốc đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Nga, chống lại Phillippines trong phiên tòa quốc tế sắp tới của Liên Hợp Quốc ở The Hague, Hà Lan về tranh chấp Biển Đông, báo Spunik của Nga đưa tin.
Gần ba năm trước, Philippines, được Mỹ hậu thuẫn, đã đệ đơn kiện Trung Quốc ở tòa án quốc tế The Hague. Tháng 10 năm 2015, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague khẳng định họ sẽ tổ chức một buổi điều trần về vấn đề này. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5 hoặc tháng 6.2016.
Từ trái qua phải: Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, bộ trưởng Ngoại giao Nga và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ bắt tay trong cuộc họp ngoại giao 3 nước (RIC)
"Trung Quốc đang vận động Nga hỗ trợ để phản đối thủ tục tố tụng tòa án quốc tế của Philippines về tranh chấp Biển Đông", tờ South China Morning Post của Trung Quốc đưa tin ngày 20.4.
Tháng 2.2016, Philippines tuyên bố không tranh cãi với Trung Quốc về yêu sách chủ quyền phi lý của nước này ở Biển Đông, thay vào đó, họ sẽ chờ phán quyết từ PCA.
Về phía Trung Quốc, nước này không chấp nhận hoặc tham gia vụ kiện của Philippines, giữ quan điểm tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết song phương giữa các nước có liên quan.
Tàu chiến của Mỹ trong lần tập trận chung với Philippines trên Biển Đông tháng 4.2016
Trung Quốc có những lý do để tin rằng Nga sẽ hỗ trợ Trung Quốc phản đối vụ kiện quốc tế này. Trước đó, Nga lên tiếng phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.
Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng nhiều lần tuyên bố tranh chấp ở Biển Đông nên được giải quyết bởi các bên liên quan trực tiếp, các cường quốc bên ngoài nên tránh can thiệp.
"Trung Quốc và Nga đã nhất trí phải hạn chế ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương. Mới đây, trong cuộc hội đàm song phương tại Bắc Kinh, bộ trưởng ngoại giao Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đều cho rằng những nước không trực tiếp liên quan thì không được chọn phe phái trong tranh chấp Biển Đông ", nhà phân tích địa chính trị người Mỹ Tim Daiss viết trên tạp chí Forbes. Tuy nhiên, ông khẳng định thêm: một ngày nào đó, Nga sẽ hối tiếc vì đẩy Mỹ khỏi vấn đề Biển Đông.
Việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ bị Nga và Trung Quốc lên án
Ngoài ra, tờ ABC News của Mỹ hôm nay trích lời ông Yu Maochun, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Học viện Hải quân Mỹ: “Sự ủng hộ của Nga đặc biệt quan trọng với Trung Quốc và tác động đến thế giới nói chung. Vì các nước phản đối Mỹ và phản đối phương Tây đang ngày càng xuất hiện nhiều.” Yu nói.
"Sự phối hợp này là một mối nguy hiểm tiềm tàng với toàn thế giới khi chúng ta đang muốn ngăn chặn việc hình thành những liên minh quyền lực đối lập, trong đó Trung Quốc và Nga cùng nhau hành động chống lại liên minh do Mỹ dẫn đầu", Yu nói.