Trận tử thủ kinh tâm động phách của gần 1.000 người Do Thái trước quân tinh nhuệ La Mã
Sau cuộc nổi dậy chống lại sự đàn áp của người La Mã thất bại, người Do Thái rút về cố thủ ở một số thành trì, đáng chú ý nhất của cuộc tử thủ của 1.000 người ở pháo đài Masada.
Quân đoàn La Mã tinh nhuệ từng mất gần một năm tấn công pháo đài Masada.
Trận chiến diễn ra ở pháo đài Masada là một trong những sự kiện đáng chú ý cuối cùng trong Cuộc chiến Do Thái – La Mã lần thứ nhất. Sự kiện diễn ra vào năm 73 và 74, tại một đỉnh đồi ngày nay thuộc Israel. Toàn bộ trận đánh được Favius Josephus, một thủ lĩnh Do Thái đầu hàng quân La Mã, sau này trở thành nhà sử học, ghi chép lại chi tiết.
Những ghi chép của sử gia Josephus chủ yếu dựa vào lời thuật lại của các chỉ huy binh đoàn La Mã, là những người trực tiếp có mặt trên thực địa.
Pháo đài kiên cố
Pháo đài Masada do vua Herod Đại đế (73 TCN - 4 SCN) của người Do Thái ra lệnh xây dựng. Pháo đài kiêm cung điện là nơi trú ẩn cho nhà vua trong trường hợp khẩn cấp.
Sử gia Josephus mô tả pháo đài Masada là kiệt tác về kiến trúc, cũng là thử thách khó nhằn với mọi kẻ thù. Công trình này tọa lạc trên đỉnh một ngọn núi, bao quanh là dốc đứng, cách duy nhất để tiếp cận nó là tuyến đường độc đạo quanh co ở sườn núi.
Đây là đoạn đường dài, hiểm trở, buộc lực lượng tấn công phải chia thành từng nhóm nhỏ, dễ bị quân phòng ngự tập kích.
Khu di tích pháo đài Masada nay trở thành địa điểm du lịch.
Ở thời cổ đại, khi không thể tấn công một thành trì, phe công thành sẽ vây hãm trong thời gian dài, cắt đứt nguồn tiếp tế cho đến khi lực lượng phòng thủ kiệt quệ.
Tuy nhiên, Masada lại là nơi có thể đối phó với mọi mối đe dọa. Ở đây có các hầm chứa nằm sâu trong lòng núi để tích trữ nước mưa và nhà kho chứa đầy thực phẩm, thậm chí có cả không gian trồng trọt và sản xuất thực phẩm tươi.
Trận chiến không cân sức
Khoảng 960 người Do Thái rút về pháo đài Masada sau khi thành Jerusalem sụp đổ trong trận chiến với quân La Mã năm 70. Không phải tất cả những người trong pháo đài đều là chiến binh, có cả trẻ em, phụ nữ và người già.
Chỉ huy nhóm người Do Thái là Eleazer Ben Yair, chiến binh xuất thân trong gia đình có truyền thống chống lại người La Mã.
Theo những ghi chép của sử gia Josephus, năm 72, Flavius Silva, thống đốc vùng Judea huy động quân đoàn Fretensis số 10 thiện chiến với quân số 5.000 người, kết hợp cùng lực lượng hỗ trợ và nô lệ, tổng số lên tới 14.000 người, tiến về phía pháo đài Masada.
Pháo đài Masada nằm ở địa thế hiểm trở và vị trí quân La Mã tấn công.
Nắm rõ năng lực phòng thủ của người Do Thái qua các trận chiến trước đây, Flavius Silva ra lệnh xây thành lũy hình tròn xung quanh pháo đài Masada.
Thành lũy được xây bằng đá và lợi dụng địa hình sẵn có với kích cỡ đủ rộng để tuần tra canh gác. Các khu vực quan trọng đều được bố trí các tháp canh theo dõi. Trên thành lũy còn bố trí máy bắn đá để sử dụng khi phát động tấn công.
Sử gia Josephus không ghi chép thông tin về việc người Do Thái có mở cuộc phản công chớp nhoáng, giống như các trận vây thành trước đây hay không.
Mùa xuân năm 73, quân La Mã đã chế tạo xong các cỗ máy công thành, với mục đích đánh sập tường thành kiên cố.
Những cuộc giao tranh ác liệt diễn ra khi quân đoàn La Mã bảo vệ xe công thành, từng bước làm suy yếu tường thành. Đến ngày 16.4.73, sau nhiều tháng vây hãm và công thành, bức tường thành kiên cố ở pháo đài Masada lần đầu sụp đổ.
Cảnh kinh động lòng người bên trong pháo đài
Pháo đài Masada được xây dựng giống như cung điện.
Nhưng điều quân La Mã hết sức bất ngờ là khi tiến vào bên trong, họ không còn thấy bất cứ dấu hiệu nào của sự kháng cự. Trong số 967 người trong thành, 960 người đã chết, 7 người sống sót gồm 2 phụ nữ và 5 trẻ em.
Theo ghi chép của sử gia Josephus, người Do Thái hi vọng những người sống lưu vong ở vùng rìa sông Euphrates có thể cùng nổi dậy chống lại người La Mã. “Nhưng đến cuối cùng, chỉ còn khoảng 960 người cố thủ ở Masada, không có hi vọng chờ cứu viện”, Josephus viết. “Họ nghĩ rằng bị mắc kẹt ở Masada là ý của Chúa và gần như tất cả đều chọn lấy cái chết”.
Hai người phụ nữ và 5 trẻ sống sót nhờ trốn trong một bể nước trước khi những người khác tự lấy mạng mình. Theo sử gia Josephus, người Do Thái cấm kỵ chuyện tự sát nên rất có thể những người thủ thành đã tự sát hại lẫn nhau, để không trở thành nô lệ.
Eleazar ben Ya'ir, chỉ huy nhóm người Do Thái để lại những lời cuối: “Chúng ta không bao giờ trở thành đầy tớ cho người La Mã. Chúng ta là những người đầu tiên nổi dậy và chúng ta cũng là những người chiến đấu cuối cùng, chỉ có chết một cách dũng cảm mới khiến chúng ta lại tự do”.
Sự kiện pháo đài Masada thất thủ đặt dấu chấm hết cho cuộc nổi dậy ở vùng Judea. Câu chuyện từ cuộc tử thủ này đã trở thành nguồn cảm hứng cho những thế hệ người Do Thái sau này.
Theo sử gia Klara Palotai, sự kiện đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành bản sắc dân tộc cũng như sự kiên cường chống lại các mối đe dọa của nhà nước Israel sau này. “Các chiến binh Do Thái đã trụ vững ở Masada trong 3 năm, thà chết chứ không trở thành nô lệ trong cuộc đấu tranh chống lại đế chế La Mã hùng mạnh”, sử gia Palotai viết.
___________________
Trong suốt hàng trăm năm, người Do Thái miễn cưỡng sống dưới quyền kiểm soát của đế chế La Mã. Biến cố lịch sử nào khiến người Do Thái phải rời bỏ quê hương suốt hàng ngàn năm? Mời độc giả đón đọc bài kỳ cuối xuất bản 0 giờ 30 phút ngày 29.5 trên mục Thế giới để hiểu thêm về sự kiện quan trọng trong lịch sử Do Thái.
Người Do Thái từng có quãng thời gian dài sống dưới ách đô hộ của đế chế La Mã, cho đến khi vùng lên nổi dậy vào...
Nguồn: [Link nguồn]