Trận Trung Quốc dốc toàn lực đánh Nhật khiến "máu chảy thành sông", 30 vạn người mất mạng
Thượng Hải là nơi diễn ra trận đánh quy mô lớn đầu tiên giữa quân đế quốc Nhật Bản và quân Trung Quốc. Đến cuối cùng, Trung Quốc phải rút khỏi Thượng Hải với tổn thất không thể thay thế ở cấp sư đoàn.
GIao tranh diễn ra trên từng góc phố, căn nhà ở Thượng Hải năm 1937.
Mùa hè năm 1937, thành phố Thượng Hải còn được mệnh danh là Hòn Ngọc phương Đông, trở thành chiến trường đẫm máu. 300.000 quân Nhật với sự yểm trợ của máy bay, tàu chiến, đối đầu với 700.000 quân Trung Quốc do Tưởng Giới Thạch chỉ huy, theo National Interest.
Trận đánh kéo dài trong khoảng 3 tháng với hơn 300.000 người chết. Những sư đoàn tinh nhuệ nhất của Trung Quốc đối đầu với nhiều bất lợi khi quân Nhật có xe tăng, tàu chiến và máy bay yểm trợ.
Ở Trung Quốc, chỉ còn một số ít người nhớ về trận Thượng Hải, Peter Harmsen, tác giả cuốn Thượng Hải 1937: Stalingrad trên sông Dương Tử, nói. Xét trên phương diện lịch sử, trận đánh có phần nào bị lu mờ bởi ngay sau đó là vụ thảm sát Nam Kinh mà quân đội đế quốc Nhật gây ra.
“Thượng Hải là một trong 22 trận đánh lớn giữa Nhật Bản và Trung Quốc, được nêu trong chính sử Trung Quốc”, Harmsen nói trên tạp chí War is Boring của Mỹ. “Nhiều người Trung Quốc biết về một số trận đánh, nhưng chỉ có chuyên gia và các nhà sử học mới có thể nêu rõ các trận đánh diễn ra ở đâu, khi nào và tại sao”.
Sau sự cố trên cầu Marco Polo và trong bối cảnh quân đội của đảng Cộng sản Trung Quốc do Mao Trạch Đông lãnh đạo đang suy yếu nghiêm trọng, Tưởng Giới Thạch quyết định mở trận đánh lớn với người Nhật ở Thượng Hải.
Không rõ vì sao Tưởng Giới Thạch chọn Thượng Hải, Harmsen giải thích. “Có lẽ Tưởng muốn thể hiện rằng người Trung Quốc sẵn sàng dốc toàn lực chống Nhật.
“Thượng Hải được lựa chọn làm chiến trường có lẽ vì đây là nơi có số lượng người nước ngoài sinh sống đông đảo ở Trung Quốc khi đó”, Harmsen nói. “Khu vực với nhiều sông ngòi này cũng là một bất lợi với xe tăng Nhật, hơn là những địa hình trống trải khác ở Trung Quốc”.
Ban đầu, người Nhật cũng chưa thực sự muốn giao chiến ở Thượng Hải. Nhật Bản muốn chiếm các vùng đất ở phương bắc trước để chiếm các nguồn tài nguyên quan trọng và cũng nhằm để mắt tới Liên Xô.
Tưởng Giới Thạch đã chủ quan khinh địch khi quyết chiến với quân Nhật ở Thượng Hải.
Hải quân Nhật khi đó vẫn còn khá khiêm tốn, được giao trách nhiệm giữ Thượng Hải. Vụ ám sát sỹ quan Nhật vào ngày 9.8.1937 ở Thượng Hải nếu là thời bình chỉ là một vụ giết người đơn thuần, nhưng trong thời chiến, đó là cái cớ phát động chiến tranh toàn diện.
Quân Trung Quốc do Tưởng Giới Thạch chỉ huy khi đó có những sư đoàn thiện chiến, được huấn luyện ở Đức, là niềm tự hào của quân đội Trung Hoa Dân Quốc. Tưởng muốn đẩy lùi lực lượng đồn trú Nhật ở Thượng Hải xuống sông Hoàng Phố.
Nhưng Trung Quốc thiếu vũ khí hạng nặng và kinh nghiệm sử dụng chúng ở môi trường đô thị. Quân Nhật cố gắng kháng cự, trông chờ vào hải quân và không quân yểm trợ.
“Ngay từ giai đoạn đầu tiên, quân Trung Quốc chiếm ưu thế cả về số lượng và chất lượng nhưng vẫn phải gánh chịu thương vong nặng nề. Danh sách những người tử vong không chỉ có binh sĩ mà còn cả sỹ quan – những người phải mất hàng năm trời đào tạo”, Harmsen viết.
Nhắc tới trận chiến Thượng Hải, ký ức được nhắc tới là hình ảnh “máu chảy thành sông”. Một sư đoàn Trung Quốc tham chiến chỉ trong hai ngày đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Những tân binh chỉ mới bước chân vào quân ngũ được dạy cách cầm súng để tung vào Thượng Hải.
Sau một tháng giao tranh, quân tiếp viện của Nhật Bản đổ bộ ở phía bắc thành phố. Đội quân xuôi xuống phía nam, vượt qua nhiều làng mạc, công sự, mở đường máu vào Thượng Hải.
Dù được yểm trợ mạnh mẽ, quân Nhật cũng hứng chịu tổn thất nặng nề. “Thi thể người chết nằm la liệt đến mức không thể hỏa táng kịp. Nhiều khi chỉ là một hố chôn vội vàng”, Harmsen nói. “Đối với một đội quân mà người chết được tôn vinh hơn người sống, trận Thượng Hải đã làm tổn thất lớn đến tinh thần chiến đấu của quân Nhật”.
Người Nhật hoàn toàn bất ngờ về cách Trung Quốc quyết tâm chiến đấu. Họ chờ đợi một trận đánh nhanh thắng nhanh nhưng hóa ra lại phải mất tới hơn 3 tháng.
Đến tháng 11.1937, quân tiếp viện đợt 2 đổ bộ ở phía nam Thượng Hải, siết chặt vòng vây buộc Tưởng Giới Thạch phải rút quân. Không có con số thương vong chính xác của hai bên, nhưng theo Harmsen, người Trung Quốc ước tính có 187.000-300.000 binh sĩ của cả hai bên thiệt mạng.
Binh sĩ Nhật giương cao lá cờ sau khi chiếm được Thượng HảI.
Sử sách Nhật chép rằng có 9.100 người chết, nhưng con số binh sĩ thiệt mạng của quân Nhật lớn hơn thế nhiều, theo các nguồn tin khác nhau là 18.000 người chết và 40.000 người khác bị thương.
Harmsen là người đưa ra so sánh giữa trận Thượng Hải và trận đánh huyền thoại ở Stalingrad trong Thế chiến 2, bởi binh sĩ Nhật và Trung Quốc cũng phải giành giật từng căn nhà, góc phố trong môi trường tác chiến đô thị.
Thượng Hải cũng là nơi diễn ra trận đánh thể hiện sức mạnh của quân đội đế quốc Nhật và bên kia là sự quyết tâm kháng cự của người Trung Quốc. Nhiều người phương Tây có mặt ở Thượng Hải trong giai đoạn này đã chứng kiến toàn bộ sự khốc liệt của cuộc chiến.
Đến cuối cùng, ngày 26.11.1937, quân Trung Quốc do Tưởng Giới Thạch chỉ huy thất bị hoàn toàn. Các sư đoàn thiện chiến nhất hứng chịu tổn thất không thể phục hồi, mở đường để quân Nhật tiến sâu hơn vào lãnh thổ Trung Quốc.
__________________
Thất bại liên tiếp khiến Trung Quốc mất lợi thế trên chính lãnh thổ và cách duy nhất để kìm chân quân Nhật là dùng chiến thuật "biển người". Mời độc giả đón đọc bài dài kỳ sau để xem với lực lượng đông gấp 3 lần đối phương, Trung Quốc đã chiến đấu như thế nào.
Nguồn: [Link nguồn]
Trung Quốc và Nhật Bản từng trải qua những giai đoạn đối đầu căng thẳng, khởi đầu từ cuộc chiến tranh Trung-Nhật...