Trận thua ê chề của quân đội La Mã trước một đế chế thường bị "bắt nạt"

Năm 216 trước Công nguyên (TCN), danh tướng Hannibal Barca của đế chế Carthage (nền văn minh cổ đại ở khu vực Địa Trung Hải) khiến quân đội La Mã hứng chịu một trong những thất bại ê chề nhất lịch sử. Hannibal đã làm cách nào để đánh bại quân La Mã dù bị đối phương áp đảo về quân số?

Danh tướng Hannibal Barca từng là nỗi khiếp sợ của đế chế La Mã.

Danh tướng Hannibal Barca từng là nỗi khiếp sợ của đế chế La Mã.

Trong giai đoạn thế kỷ thứ 3 TCN, khu vực Địa Trung Hải là nơi xảy ra cuộc cạnh tranh quyền lực giữa đế chế La Mã và đế chế Carthage. Hai đế chế hùng mạnh đối đầu trong cuộc Chiến tranh Punic (264 TCN - 164 TCN) với kết quả là quyền kiểm soát Địa Trung Hải trong hàng thế kỷ sau này, theo trang mạng The Collector.

Cuộc chiến tranh Punic lần hai (năm 218 TCN - 204 TCN) gây chú ý nhất vì đây là lần hiếm hoi đế chế Carthage chiếm ưu thế trước đế chế La Mã nhờ vào sự lãnh đạo quân đội của Hannibal.

Danh tướng khiến người La Mã phải dè chừng

Hannibal tiến công La Mã với chiến thuật sử dụng voi chiến.

Hannibal tiến công La Mã với chiến thuật sử dụng voi chiến.

Hannibal là con trai của Hamilcar Barca, vị tướng từng tham gia cuộc chiến Punic lần thứ nhất (264 TCN - 241 TCN). Năm đó, đế chế Carthage phải cầu hòa và nhượng lãnh thổ cho La Mã để tạm ngừng xung đột.

Hannibal đã rất tức giận, thề sẽ trả thù Rome. Hannibal thừa hưởng sự nhạy bén trong chiến thuật quân sự của cha lẫn sự căm phẫn La Mã luôn sôi sục trong trái tim.

Trong cuộc đời binh nghiệp, Hannibal còn thể hiện sự táo bạo và khả năng truyền cảm hứng cho các binh sĩ dưới quyền để làm điều không thể trở thành có thể.

Hannibal từng đem quân kèm cả voi chiến vượt dãy Alps để gây bất ngờ cho người La Mã. Hannibal từng khiến La Mã hứng chịu hai thất bại tại sông Trebia vào năm 218 TCN và trên bờ Hồ Trasimene vào năm sau. 

Những chiến thắng ban đầu này đã chứng tỏ tài năng chiến lược của Hannibal, nhưng ông sẽ cần nhiều thành công hơn nữa trên chiến trường để mở ra con đường tới Rome, khuất phục đế chế La Mã.

Mặc dù nổi tiếng bởi khả năng sử dụng voi chiến, Hannibal không sử dụng đội quân này trong trận đánh quan trọng của La Mã ở Cannae, ngôi làng cổ nằm ở đông nam Italia ngày nay. Hầu hết voi chiến đã chết trong hai năm đầu tiên người Carthage tiến vào lãnh thổ La Mã.

Thay vào đó, đội quân của Hannibal gồm bộ binh, kỵ binh tập hợp từ lực lượng đến từ Carthage và các đồng minh khác. Quy mô bộ binh của Hanibal lên tới 40.000 người.

Tuy nhiên, lực lượng chủ lực của Hannibal là kỵ binh, với khoảng 10.000 quân. Người Carthage sống ở Bắc Phi nổi tiếng với tài cưỡi ngựa. Carthage khi đó được coi là thế lực sở hữu lực lượng kỵ binh lớn nhất ở Địa Trung Hải.

Dấu hiệu La Mã sớm thất bại

Minh họa hình ảnh Hannibal vượt dãy Alps bằng voi chiến.

Minh họa hình ảnh Hannibal vượt dãy Alps bằng voi chiến.

Cách đế chế La Mã phản ứng với những thất bại ban đầu là tiền đề cho những tai họa về sau. Ở thời điểm đó, tướng Quintus Fabius Maximus được Hội đồng La Mã bầu làm nhà độc tài. Fabius áp dụng chiến lược tránh các trận chiến quyết định với Hannibal.

Chiến lược này giúp La Mã có thêm thời gian tái tổ chức, nhưng bị người dân khi đó chỉ trích là thiếu quyết đoán. 

Khi Fabius kết thúc nhiệm kỳ vào năm 216 TCN, Hội đồng La Mã giao quyền chỉ huy quân đội cho hai quan chấp chính (consul) là 

Gaius Terentius Varro và Lucius Aemilius Paulus với mục đích xây dựng đội quân có quy mô chưa từng có để nghênh chiến Hannibal.

"Hội đồng La Mã quyết định đưa 8 quân đoàn (La Mã) vào chiến trường. Đây là điều chưa từng có ở Rome trước đây. Mỗi quân đoàn gồm 5.000 bộ binh và 300 kỵ binh. Hầu hết các cuộc chiến trước đây, La Mã chỉ huy động 4 quân đoàn. Nhưng trước mối đe dọa từ Hannibal, Hội đồng La Mã quyết định tăng lực lượng lên gấp đôi", sử gia Hy LạpPolybius viết.

Kết hợp với các lực lượng đồng minh, quy mô đội quân La Mã nghênh chiến Hannibal ước tính lên tới 86.400 người. Bộ binh La Mã áp đảo bộ binh Cathage với tỉ lệ 2:1, nhưng Hannibal vẫn có lợi thế về kỵ binh.

Bức tượng danh tướng Hannibal.

Bức tượng danh tướng Hannibal.

Nhưng vấn đề là Varro và Paulus có quan điểm trái ngược nhau. Một người tỏ ra liều lĩnh còn người kia lại thận trọng. Theo quy định ở La Mã bấy giờ, Varro và Paulus sẽ thay phiên nhau chỉ huy theo ngày.

Vấn đề thứ hai đối với đế chế La Mã là chất lượng quân đội. Đế chế La Mã sở hữu đội quân chiếm ưu thế về số lượng nhưng hầu hết các binh lính thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Đối mặt với lực lượng dày dạn kinh nghiệm của Hannibal, đây là một thảm họa.

Đầu năm 216 TCN, quân La Mã chạm trán quân Carthage do Hannibal chỉ huy ở Cannae. Mâu thuẫn giữa Varro và Paulus ngày càng sâu sắc. Varro phớt lờ những lời cảnh báo của Paulus về việc tiến quân trên địa hình bằng phẳng ở Cannae. Kết quả là quân La Mã bị Carthage phục kích. Mặc dù đẩy lùi được cuộc phục kích nhưng La Mã cũng hứng chịu tổn thất.

Sang ngày hôm sau, đến lượt Paulus chỉ huy quân đội. Paulus ra lệnh hạ trại bên bờ sông Aufidus và cử một nhóm binh sĩ quấy rối lực lượng Carthage. 

Hannibal phản ứng bằng cách tập hợp đội quân thành đội hình chiến đấu để đánh đuổi quân La Mã. Nhưng Paulus khéo léo né tránh giao tranh trực diện.

Ngày hôm sau, Paulus giao lại quyền chỉ huy cho Varro và đây cũng là lần cuối. Sáng sớm, Varro ra lệnh cho toàn quân La Mã tiến công theo đội hình.

Đội hình chiến đấu của Varro tương đối cơ bản. Varro đặt bộ binh ở trung tâm, bộ binh hạng nhẹ đi hàng đầu còn hạng nặng ở tuyến sau. Bản thân Varro dẫn đội kỵ binh đồng minh ở phía cánh trái còn Paulus dẫn đội kỵ binh La Mã ở cánh phải.

Đội hình của Hannibal có vẻ giống với đội hình của Varro. Ông đặt đội kỵ binh đồng minh yếu hơn của mình ở bên trái đối diện với kỵ binh La Mã của Paulus, dưới sự chỉ huy của anh trai là Hasdrubal. 

Những kỵ binh Numidia tinh nhuệ đứng ở cánh đối diện với Varro. Trung tâm trong đội hình của Hannibal cũng là bộ binh, nhưng có sự khác biệt khi bộ binh hạng nhẹ được bảo vệ ở hai bên sườn bởi bộ binh hạng nặng. Hannibal lựa chọn vị trí trung tâm cùng bộ binh hạng nhẹ để có thể chỉ huy phần quan trọng nhất của trận chiến.

Trận đánh kinh điển 

Cách quân La Mã và quân Carthage bố trí đội hình trong trận Cannae năm 215 TCN.

Cách quân La Mã và quân Carthage bố trí đội hình trong trận Cannae năm 215 TCN.

Gần giữa trưa, cuộc chiến quyết định nổ ra. Hai đội quân tiến lên nhưng đội hình của Hannibal nhanh chóng thay đổi. Hannibal cho bộ binh hạng nhẹ tiến lên nhanh hơn, thu hút sự chú ý của quân La Mã.

Ở hai bên cánh, kỵ binh của hai bên giao tranh một cách hỗn loạn. Đội kỵ binh đồng minh đông đảo ở cánh của Varro tỏ ra chiến đấu kiên cường trước kỵ binh tinh nhuệ người Numidia của Carthage. Tình hình ở cánh phải tệ hơn khi kỵ binh La Mã của Paulus sớm bị đối phương áp đảo. Theo sử gia Polybius, có quá ít không gian để di chuyển trong tình trạng hỗn loạn nên lực lượng kỵ binh của hai bên xuống ngựa để cận chiến.

Trở lại khu vực trung tâm, quân La Mã có ưu thế về bộ binh tìm cách tăng sức ép để bẻ gãy đội hình Carthage. Tuy nhiên, khi bộ binh hạng nhẹ của Hannibal bị đẩy lùi, họ không bỏ chạy nhờ chiến đấu bên cạnh Tổng Tư lệnh.

Ngược lại, bộ binh La Mã tiến lên truy kích đối phương đã phá vỡ đội hình ban đầu, tạo thành hình vòng cung, trong đó hai bên cánh bộc lộ sơ hở trước bộ binh hạng nặng được Hannibal bố trí từ trước.

Hannibal ra lệnh cho bộ binh hạng nặng đánh mạnh từ hai cánh và từng bước bao vây bộ binh La Mã. Kỵ binh Numidia cầm chân kỵ binh của Varro. Paulus cố gắng hỗ trợ cho bộ binh ở trung tâm nhưng bất thành. Các nhóm bộ binh La Mã lần lượt bị bộ binh hạng nặng của Carthage tàn sát trong môi trường chiến đấu chật hẹp.

Kỵ binh của Varro khi đó bị nhóm kỵ binh Numidia bên phía quân Carthage cầm chân và không thể hỗ trợ các lực lượng khác còn kỵ binh của Paulus bị hủy diệt hoàn toàn.

Paulus được các binh sĩ dưới quyền kêu gọi sơ tán nhưng ông từ chối. Ông cho người cưỡi ngựa về Rome báo tin về thất bại, còn mình quyết ở lại đến cuối cùng. "Hãy để ta ở đây trút hơi thở cuối cùng cùng các binh sĩ bị tàn sát", Paulus nói.

Đội quân La Mã bị hủy diệt nhờ những toan tính chiến thuật của Hannibal trong trận đánh.

Đội quân La Mã bị hủy diệt nhờ những toan tính chiến thuật của Hannibal trong trận đánh.

Theo trang The Collector, Hannibal đã làm nên kỳ tích khi một đội quân có quân số ít hơn lại có thể bao vây và tàn sát một đội quân đông đảo hơn.

Sử gia Polybius ước tính 57.000 quân La Mã và đồng minh bị tàn sát. Khoảng 10.000 người bị bắt làm tù binh và số còn lại chạy thoát, bao gồm Varro. Tổn thất nhân mạng bên phía Hannibal chỉ là khoảng 7.000.

Theo trang The Collector, Varro dẫn tàn quân quay về Rome và nhận được sự đón chào tích cực. Varro không bị coi là "tội đồ" như các chỉ huy La Mã khác trong lịch sử.

Thất bại trong trận Cannae là một tổn thất gây chấn động nhưng nhờ vào hệ thống chính trị tiên tiến vào thời điểm đó, đế chế La Mã vẫn duy trì sự thống nhất.

Vì sao Hannibal không thừa cơ tiến công thành Rome sau chiến thắng lớn ở Cannae? Các sử gia hiện đại cho rằng, Hannibal không mạo hiểm tấn công Rome là điều sáng suốt. Người Carthage khi đó thiếu các phương tiện công thành, trong khi chiến đấu trong thành phố không phải thế mạnh của kỵ binh.

Sau trận Cannae, người la Mã thay đổi chiến thuật, tránh chạm trán trực tiếp với Hannbal trong suốt một thập kỷ, để mặc đội quân của Hannibal di chuyển như chốn không người trong lãnh thổ La Mã.

Sau này, La Mã giành chiến thắng trong giao tranh với đế chế Carthage ở Tây Ban Nha, mở ra con đường vượt biển để tiến công Bắc Phi. Hannibal buộc phải ngừng cuộc chinh phạt ở Italia để rút về phòng thủ.

Cho đến khi Hannibal qua đời, đế chế La Mã áp dụng triệt để chiến lược không nghênh chiến với ông trừ khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Ngày nay, có những tranh cãi về việc liệu Hannibal có thực sự là một chiến lược gia tài ba, người tìm ra cách thức đánh bại quân La Mã ở Cannae hay không, theo trang The Collector.

Paulus Aemilius, một trong hai chỉ huy cấp cao nhất của quân La Mã bỏ mạng trong trận Cannae.

Paulus Aemilius, một trong hai chỉ huy cấp cao nhất của quân La Mã bỏ mạng trong trận Cannae.

Một số sử gia hiện đại cho rằng, trận Cannae không phải là kết quả của một chiến lược thông minh được hoạch định trước, mà chỉ là cơ hội chiến thắng đến với Hannibal một cách ngẫu nhiên trước sự thay đổi đội hình trên chiến trường.

Theo trang The Collector, Hannibal dường như đã thực sự lên kế hoạch một cách hiệu quả khi chủ động lựa chọn chiến đấu ở vị trí trung tâm cùng bộ binh hạng nhẹ. Ngay cả khi Hannibal không có toan tính từ trước, khả năng thích ứng và chớp lấy thời cơ cũng cho thấy năng lực chỉ huy của một trong những vị tướng kiệt xuất hàng đầu thế giới.

Nhìn chung, trước quân La Mã đông đảo nhưng không thiện chiến và còn gặp rắc rối nội bộ, Hannibal đã tận dụng triệt để các cơ hội để giành chiến thắng dù đối phương đông hơn gần gấp đôi.

___________________________

Năm 451, vua Hung Nô Attila dẫn đội quân mệnh danh bất khả chiến bại tiến đánh đế chế Tây La Mã. Cuộc thư hùng giữa phương Đông và phương Tây mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử. Kết quả trận đánh ra sao và hệ quả sau đó như thế nào? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 3 xuất bản lúc 10h ngày 29/1

Nguồn: [Link nguồn]

Đối phó đội quân đông đảo của đối phương cố thủ trong thành trì kiên cố và nhận sự chi viện từ lực lượng bên ngoài, Julius Ceasar - người sau này trở thành hoàng đế La Mã, khéo léo áp dụng chiến lược buộc đối phương phải chủ động tấn công trước, từ đó khai thác sơ hở, chuyển hóa thành chiến thắng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Những cuộc chiến lịch sử của đế chế La Mã Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN