Trận tập kích đường không thảm bại nhất của Mỹ khiến 300 phi công và binh sĩ thiệt mạng
Thế chiến 2 lẽ ra có thể đã kết thúc sớm hơn nhiều, cứu sống hàng triệu người, nếu như chiến dịch tập kích nơi được coi là “trạm xăng khổng lồ của Hitler” vào năm 1943 thành công.
Phát xít Đức có sự chuẩn bị trước đợt tập kích bằng 178 máy bay ném bom của Mỹ.
Chiến dịch tối mật được lên kế hoạch vài tháng sau khi phát xít Đức hứng chịu thất bại lớn nhất ở Stalingrad. Chiến dịch Sóng Thuỷ là trận tập kích đường không của hàng trăm máy bay Mỹ nhằm vào 9 nhà máy lọc dầu của phát xít Đức ở Ploiesti, Romania.
Chiến dịch nhằm chặn đứng 1/3 nguồn cung cấp nhiên liệu cho cỗ máy chiến tranh của trùm phát xít Hitler và là một phần trong chiến lược tổng thể nhằm đánh bại phe Trục.
Bộ phim tài liệu công chiếu ở Anh gần đây với tựa đề “Đợt tập kích đường không táo bạo vào Trạm xăng của Hitler” đã nhắc lại sự kiện lịch sử này, theo Express.
Phát xít Đức bảo vệ các cơ sở lọc dầu bằng mạng lưới pháo phòng không dày đặc.
“Năng lực phòng không của phát xít Đức luôn là điều mà phe Đồng Minh đánh giá thấp”, lời dẫn trong phim tài liệu nói. “Hệ thống phòng thủ ở Ploiesti bao gồm hơn 100 pháo phòng không cỡ lớn và các loại súng máy cỡ nhỏ”.
“Phát xít Đức biến khu vực này thành nơi có mạng lưới phòng không dày đặc nhất châu Âu”, lời dẫn cho biết. “Một số pháo phòng không cỡ nhỏ được giấu trong xe hơi, nguỵ trang trên cánh đồng hay các toà nhà bỏ hoang”.
Bên cạnh đó, phát xít Đức cũng duy trì 3 phi đội máy bay luôn sẵn sàng xuất kích trong trường hợp bị tấn công.
Bộ phim tài liệu sau đó đề cập đến điều mà các nhà hoạch định quân sự Mỹ không lường trước.
Chiến dịch ném bom không thành công như mong đợi.
Kế hoạch được coi là táo bạo và đem lại kết quả to lớn. Nhưng phe Đồng Minh chỉ có 6 tuần chuẩn bị.
Sáng ngày 1.8.1943, 178 oanh tạc cơ B-24 cất cánh từ Banghazi, Libya, hướng về phía đông bắc qua Địa Trung Hải, tiếp cận thành phố Ploiesti.
Ngay từ giai đoạn đầu, có nhiều vấn đề đã xảy ra, bao gồm một máy bay rơi do hạn chế về tầm nhìn. Nhiều máy bay khác không thể tiếp tục chiến dịch và phải quay về.
“Phi đội oanh tạc cơ Mỹ đến được Romania một cách không toàn vẹn, chỉ có 167/178 máy bay tiếp cận được mục tiêu”, bộ phim tài liệu cho biết.
Chỉ 88 trong 178 máy bay ném bom Mỹ quay trở về được căn cứ.
Hỏa lực ồ ạt từ mặt đất nhanh chóng bao trùm đội hình oanh tạc cơ Mỹ, khiến các phi công phải vất vả tìm mọi cách để tiếp cận và tấn công mục tiêu. Một máy bay ném bom Mỹ trúng đạn, cố gắng hạ độ cao để phi hành đoàn nhảy dù ra ngoài nhưng đã quá muộn. Chiếc máy bay này lao vào mục tiêu rồi phát nổ khiến toàn bộ những người trên khoang thiệt mạng.
“Đợt tấn công diễn ra theo cách hỗn loạn, tồi tệ đến mức các sử gia Mỹ sau này gọi đây là sự kiện Ngày Chủ nhật đen tối”, theo nội dung trong bộ phim tài liệu.
Các máy bay ném bom còn sống sót cố gắng rút chạy về hướng nam, nhưng bị các máy bay phát xít Đức truy đuổi. Một số máy bay rơi xuống cánh đồng ở Romania hoặc biến mất dưới đáy đại dương. Số khác may mắn hạ cánh được ở các sân bay của Đồng Minh. Một số bay vào vùng lãnh thổ của các quốc gia trung lập như Thổ Nhĩ Kỳ.
Các cơ sở lọc dầu của phát xít Đức ở Romania năm 1943.
“Các phi công Mỹ đã rất nỗ lực và cố gắng, nhưng chiến dịch Sóng Thuỷ kết thúc một cách hết sức thất vọng”, bộ phim tài liệu cho biết. “Chỉ 88 oanh tạc cơ B-24 quay về được căn cứ ở Libya. Hầu hết đều bị hư hại”.
300 phi công và binh sĩ Mỹ thiệt mạng và 108 người khác bị bắt sống trong chiến dịch.
Đợt ném bom cũng không đạt được mục đích phá huỷ 9 nhà máy lọc dầu của phát xít Đức như theo kế hoạch. Chỉ 3 trong số 9 nhà máy lọc dầu bị hư hại nặng. Nhưng các thiệt hại này chỉ là tạm thời.
Vài tháng sau, phát xít Đức đã khôi phục hoàn toàn công suất hoạt động của toàn bộ 9 nhà máy lọc dầu ở Romania.
“Nơi này tiếp tục đóng vai trò là trạm xăng khổng lồ cung cấp nhiên liệu cho toàn bộ các chiến dịch quân sự của phát xít Đức, cho đến khi rơi vào tay Liên Xô năm 1944”, bộ phim tài liệu cho biết.
Chiến dịch Sóng Thuỷ cho đến nay vẫn được coi là trận tập kích đường không bi thảm nhất của Mỹ trong Thế chiến 2. Nếu như chiến dịch thành công, cuộc chiến lẽ ra đã có thể kết thúc sớm hơn và hàng triệu người được cứu sống, theo Express.
Nguồn: [Link nguồn]
Cuộc cuộc tấn công cảng St. Nazaire luôn được biết đến như chiến dịch tập kích vĩ đại nhất trong Thế chiến II của...