Trận Mỹ dội bom lửa thảm khốc nhất lịch sử khiến 10 vạn người chết trong đêm
Haruyo Nihei chỉ mới 8 tuổi khi chứng kiến cảnh những quả bom của người Mỹ tạo nên “bão lửa”, thiêu rụi cả một khu vực rộng lớn ở Nhật trong Thế chiến 2.
Ít người còn nhớ trận ném bom thảm khốc của Mỹ xuống Nhật Bản trong Thế chiến 2.
“Ngọn lửa thiêu rụi tất cả, biến tất cả mọi thứ chìm trong biển lửa”, Nihel, nay 83 tuổi, nhớ lại, theo CNN.
Nihei năm đó đang ngủ say thì bị đánh thức bởi những quả bom dội xuống thủ đô Tokyo. Thành phố chủ yếu là những căn nhà bằng gỗ nên bị thiêu rụi nhanh chóng. Cả nhà Nihei may mắn chạy thoát kịp ra ngoài.
Đám đông mọi người tập trung lại với nhau ở một ngã tư. Những gì Nihei còn nhớ khi đó là tiếng người lẩm nhẩm: “Chúng ta là người Nhật. Chúng ta phải sống. Chúng ta phải sống”.
Tỉnh dậy, Nihei thấy những người xung quanh đã bị cháy đen. Cô bé 8 tuổi sống sót nhờ được mọi người che chở.
Đó là sáng sớm ngày 10.3.1945. Nihei không biết rằng mình sống sót trong cuộc ném bom thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Bức ảnh những tòa nhà bị thiêu rụi trong đợt ném bom của máy bay Mỹ.
Ước tính 100.000 người Nhật bỏ mạng trong đêm đó và 1 triệu người khác bị thương, đa số là dân thường. 300 oanh tạc cơ B-29 của Mỹ đem theo 1.500 tấn bom cháy dội bom thủ đô Nhật.
Trận “bão lửa” nhấn chìm cả một khu vực rộng 40,9 km2, khiếm 1 triệu người mất nhà cửa. Ít người biết rằng con số thương vong đêm đó lớn hơn cả lần Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki.
Ngày nay, không còn nhiều người biết hay nhớ đến cuộc ném bom kinh hoàng của oanh tạc cơ Mỹ năm xưa, theo CNN.
Sự xuất hiện của oanh tạc cơ B-29
Cơn ác mộng đối với Nihei đêm đó đến từ oanh Chiến dịch Meetinghouse, kéo dài từ tháng 2 đến tháng 5.1945. Đây là một trong những đòn đáp trả của người Mỹ nhằm vào Nhật Bản trong Thế chiến 2.
Đóng vai trò chính trong chiến dịch là oanh tạc cơ cỡ lớn B-29, mẫu máy bay được thiết kế để đánh bại trùm phát xít Hitler. B-29 vừa có khả năng bay cao, bay nhanh nhưng lại mang theo một khối lượng bom đáng kể, theo Jeremy Kinney, người phụ trách Bảo tàng Hàng không và Không gian Mỹ ở bang ở Virginia.
Cảnh tượng tan hoang ở Tokyo sau đợt ném bom ngày 10.3.1945.
B-29 là sản phẩm tối tân bậc nhất trong Thế chiến 2, có thân máy bay điều áp, giúp phi hành đoàn vận hành ở độ cao trên 5.500 mét mà không cần mặt nạ dưỡng khí.
Đó là độ cao vượt xa tầm bắn của các pháo phòng không thời bấy giờ, giúp phi hành đoàn có thời gian để thả bom chính xác, Kinney nói. Mối đe dọa duy nhất đối với B-29 là các tiêm kích.
Ban đầu, người Mỹ cho B-29 thả bom ở độ cao tới 9.000 mét và kết quả là tỉ lệ chính xác chỉ 20%. Giai đoạn sau, chỉ huy Mỹ quyết định táo bạo hơn, dội bom Nhật Bản bằng các oanh tạc cơ B-29 bay ở độ cao chỉ khoảng 2.000 mét và chỉ bay vào ban đêm, đem theo bom cháy.
“Dội bão lửa” từ bầu trời
Tối ngày 9.3.1945, các căn cứ Mỹ trên đảo Guam, Saipan và Tinian là nơi tập trung của hơn 300 chiếc B-29. Các máy bay này phải bay xa 2.400km trong 7 giờ đồng hồ để tới Nhật Bản.
Sáng sớm ngày 10.3.1945, người Nhật đang ngủ say thì hốt hoảng vì lửa cháy dữ dội. Phi đội B-29 đầu tiên ném bom ở 5 địa điểm xung quanh Tokyo để các phi đội sau tập trung thả bom vào giữa, phi công Mỹ Robert Bigelow nhớ lại.
Oanh tạc cơ B-29 của Mỹ.
Từ 1 giờ 30 phút cho đến 3 giờ sáng, oanh tạc cơ B-29 của Mỹ thả tổng cộng 500.000 quả bom M-69, mỗi lần thả chia làm 38 quả dạng chùm.
Từng bom chùm tách ra làm các quả bom nhỏ, có dù đưa từng quả bom xuống đất. Những quả bom này ngay lập tức gây cháy khi chạm vào vật cứng và chất gây cháy giúp ngọn lửa lan tỏa xung quanh.
Đối với Haruyo Nihei, gia đình bà đã trải qua nhiều đợt ném bom của Mỹ, nhưng trận “bão lửa” năm đó rất khác biệt. Đó là bởi trốn dưới hầm trú ẩn không còn là giải pháp khả dĩ. “Chúng ta sẽ bị thiêu cháy nếu cứ trốn ở đây”, người cha nói, cho rằng lửa cháy và khói sẽ dễ dàng xuyên qua cửa hầm trú ẩn.
Kết quả là gia đình Nihei và nhiều người Nhật khác phải tìm những khu đất trống, những ngã tư để làm nơi trú ẩn. Đó là lúc họ phải đối diện với sức nóng của ngọn lửa.
Trên bầu trời, các phi đội B-29 cũng cảm thấy sức nóng của gió và lửa, Bowman, con trai của một phi công tham gia ném bom năm đó, kể lại. “Cha tôi nói rằng mọi thứ bên dưới chỉ là một màu đỏ đan xen với làn khói”, Bowman kể lại.
Cảnh rực cháy và khói bốc lên bầu trời ở Tokyo trong đợt ném bom của Mỹ.
Sức nóng buộc phi công Mỹ phải nâng độ cao máy bay, thả hết số bom còn lại trên khoang một cách nhanh nhất, theo cuốn hồi ký của Bigelow, phi công lái chiếc B-29.
“Chúng tôi đã tạo nên ngọn lửa địa ngục như trong trường ca của Dante”, Bigelow viết.
Bay xa 240km, hướng về Thái Bình Dương, pháo thủ trên chiếc B-29 nói rằng anh ta vẫn nhìn thấy ngọn lửa ở phía xa.
Thống kê đợt ném bom ngày 10.3.1945 ở Tokyo cho thấy 267.000 căn nhà bị thiêu rụi, tương đương 25% thành phố. 100.000 người chết và 1 triệu người khác bị thương.
Một phần vì đợt ném bom quá tàn khốc, các đợt ném bom khác của Mỹ trong chiến dịch sau này tập trung ở các khu công nghiệp và vùng ngoại ô Tokyo.
12 tàu sân bay, hàng trăm tàu chiến, 2.200 máy bay đã được huy động trong trận hải chiến lớn nhất lịch sử chiến tranh...
Nguồn: [Link nguồn]