Trận hải chiến lớn bậc nhất của Mỹ sau Thế chiến 2 khiến Iran ngừng chiến tranh với Iraq

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23

Kể từ năm 1987, cục diện chiến tranh Iraq - Iran có sự thay đổi khi Mỹ ngày càng can dự rõ rệt hơn và quyết định của Mỹ có tác động đáng kể khiến cuộc xung đột đi đến hồi kết.

Cuộc chiến tranh Iraq - Iran khiến Mỹ dè chừng vì Iran là quốc gia không dễ bị bắt nạt.

Cuộc chiến tranh Iraq - Iran khiến Mỹ dè chừng vì Iran là quốc gia không dễ bị bắt nạt.

Theo quan điểm của Mỹ, "không có người tốt và kẻ xấu" trong chiến tranh Iraq - Iran. Iraq dưới thời nhà độc tài Saddam Hussein thực tế muốn trở thành thế lực thống trị Trung Đông và cuối cùng đe dọa sự tồn vong của Israel, Viện Brookings có trụ sở ở Washington D.C cho biết.

Ngược lại, sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, Iran có dấu hiệu trỗi dậy mạnh mẽ dưới thời Giáo chủ Ruhollah Khomeini, trở thành cái gai trong mắt của phương Tây.

Cả Iraq và Iran đều không phải đồng minh, cũng không phải đối thủ của Mỹ khi đó. Nhưng Mỹ cần đảm bảo rằng Iraq và Iran không thể trở thành thế lực thống trị Trung Đông, chi phối nguồn cung dầu mỏ của thế giới.

Từ sau năm 1980, Iran đã hoàn toàn chiếm ưu thế trong xung đột, tấn công ngược sang lãnh thổ Iraq và có thời điểm đứng trước ngưỡng cửa chiến thắng. Do đó, Mỹ không còn cách nào khác là hỗ trợ Iraq, Viện Brookings nhận định.

Tháng 7/1987, Mỹ mở chiến dịch vận tải đường thủy lớn nhất kể từ Thế chiến 2. Nhóm các tàu sân bay, tàu chiến Mỹ tham gia hộ tống đoàn tàu chở dầu Kuwait trước những cuộc tập kích phá hoại từ Iran. Kuwait có mối quan hệ căng thẳng với Iran do là một trong những quốc gia hỗ trợ tài chính và vũ khí cho Iraq.

Ngày 24/7/1987, tàu chở dầu đầu tiên của Kuwait được tàu chiến Mỹ hộ tống đã đâm phải mìn của Iran. Mỹ sau đó phải huy động tàu dò mìn, máy bay săn ngầm để loại bỏ những quả mìn Iran rải ở vùng Vịnh nhằm ngăn tàu thuyền hoạt động.

Tàu tên lửa Sahand của Iran bị tàu chiến Mỹ đánh chìm trong trận hải chiến năm 1988.

Tàu tên lửa Sahand của Iran bị tàu chiến Mỹ đánh chìm trong trận hải chiến năm 1988.

Bất chấp sự hộ tống của Mỹ, hải quân Iran sử dụng tàu cao tốc, tàu cỡ nhỏ để quấy rối các tàu chở dầu. Iran cũng huy động tàu rải mìn vào ban đêm để tránh sự theo dõi của Mỹ.

Ngày 14/4/1988, tàu tên lửa USS Samuel B. Roberts của Mỹ trúng phải mìn Iran rải trên biển. Vụ nổ lớn tạo ra lỗ hổng rộng 4,5 mét ở thân tàu và chỉ có may mắn mới giúp cho tàu không bị chìm hoàn toàn.

Sự kiện này leo thang căng thẳng tột độ, khiến Mỹ quyết định mở Chiến dịch Bọ Ngựa (Praying Mantis) nhằm bẻ gãy hải quân Iran. Mỹ huy động một nhóm tác chiến tàu sân bay trong trận hải chiến với Iran và đây là một trong 5 trận hải chiến lớn nhất của Mỹ kể từ Thế chiến 2.

Ngày 18/4/1988, hải quân Mỹ mở cuộc tấn công với lực lượng gồm tàu sân bay USS Enterprise, 2 tuần dương hạm, 4 khu trục hạm, 3 tàu tên lửa và một tàu vận tải đổ bộ. Mục tiêu của Mỹ là các giàn khoan dầu Sassan, Rakhsh và Sirri trên vùng biển Iran. Đây là các giàn khoan được Iran sử dụng để theo dõi tuyến đường vận tải qua eo biển Hormuz.

8 giờ sáng, 3 tàu chiến Mỹ cùng các trực thăng quân sự tiếp cận giàn khoan Sassan của Iran, phát cảnh báo yêu cầu những người có mặt trên giàn khoan rời đi. Lực lượng Mỹ khai hỏa sau đó 20 phút và pháo phòng không cỡ 23mm trên giàn khoan bắn trả.

Trận hải chiến năm 1988 là lần đầu tiên tàu chiến Mỹ phóng tên lửa dẫn đường về phía tàu đối phương.

Trận hải chiến năm 1988 là lần đầu tiên tàu chiến Mỹ phóng tên lửa dẫn đường về phía tàu đối phương.

Với hỏa lực áp đảo, tàu chiến Mỹ vô hiệu hóa giàn khoan Sassan, đưa lính thủy đánh bộ lên giàn khoan để thu thập tài liệu trước khi cài thuốc nổ phá hủy.

Nhóm tàu chiến Mỹ sau đó chuyển hướng đến giàn khoan Rakhsh. Lúc này, hai chiến đấu cơ F-4 của không quân Iran bay tới tấn công các tàu chiến Mỹ nhưng buộc phải đổi hướng vì tàu khu trục USS Lynde McCormick Mỹ kích hoạt hệ thống phòng không. Trước những lo ngại do vị trí di chuyển bại lộ, các tàu chiến Mỹ thuộc nhóm đầu tiên quyết định hủy cuộc tấn công.

Nhóm tấn công thứ hai đồng thời tấn công giàn khoan Sirri. Giàn khoan bị hư hại nặng sau khi các tàu Mỹ nã hỏa lực nên lực lượng đặc nhiệm sau đó đã hủy kế hoạch đổ bộ.

Iran tiếp tục đối phó bằng cách huy động 6 xuồng cao tốc tấn công tàu hậu cần Willie Tide của Mỹ, tàu dầu York Marine của Anh và một số tàu thuyền khác ở Vịnh Ba Tư, khiến các tàu này bị hư hại.

Lúc này, cường kích A-6E của Mỹ cất cánh từ tàu sân bay US Enterprise với mục tiêu là nhóm xuồng cao tốc Iran. Cuộc tập kích của Mỹ khiến một xuồng cao tốc Iran bị đánh chìm.

Căng thẳng gia tăng khi Iran huy động tàu tên lửa tấn công nhanh Joshan tới khiêu chiến tàu khu trục USS Wainwright của Mỹ. Tàu Iran tấn công trước bằng cách phóng tên lửa chống hạm Harpoon. Tàu Mỹ triển khai mồi bẫy né tránh và sau đó đáp trả bằng tên lửa RIM-66 Standard. Tàu USS Simpson phóng 4 tên lửa còn tàu USS Wainwright phóng một tên lửa.

Tất cả 5 tên lửa đều đánh trúng mục tiêu nhưng các tàu Mỹ sau đó vẫn phải nã pháo ở cự ly gần mới có thể đánh chìm hoàn toàn tàu Iran. Đây là lần đầu tiên các tàu chiến Mỹ và tàu đối phương tấn công nhau bằng tên lửa chống hạm.

Tàu Sahand đơn độc đối phó 3 tàu chiến và máy bay chiến đấu Mỹ.

Tàu Sahand đơn độc đối phó 3 tàu chiến và máy bay chiến đấu Mỹ.

Có thêm hai chiến đấu cơ F-4 của Iran khi đó hoạt động cách tàu USS Wainwright khoảng 48km. Tàu khu trục Mỹ phóng hai tên lửa phòng không khiến một chiếc F-4 bị hư hại ở phần cánh, nhưng chiếc máy bay sau đó vẫn quay về căn cứ an toàn.

Hải quân Iran tiếp tục huy động tàu tên lửa Sahand nghênh chiến nhóm tàu Mỹ. Vị trí của tàu bị hai cường kích A-6E của Mỹ phát hiện. Tàu Sahand phòng tên lửa phòng không nhằm vào hai máy bay này nhưng trượt mục tiêu. Phía Mỹ đáp trả bằng tên lửa chống hạm Harpoon và 4 tên lửa đẫn đường bằng laser. Phần lớn tên lửa đều trúng đích, khiến tàu Sahand bốc cháy dữ dội. Ngọn lửa từ boong tàu sau đó lan xuống kho đạn, gây ra vụ nổ làm chìm tàu, khiến 45 thành viên thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Đến chiều ngày 18/4, Iran huy động thêm khinh hạm tên lửa Sabalan nghênh chiến nhưng bị máy bay Mỹ tấn công gây hư hại. Con tàu sau đó vẫn có thể rút về cảng an toàn.

Iran tiếp tục phóng một số tên lửa chống hạm HY-4 từ đất liền do Trung Quốc sản xuất, nhằm vào nhóm tàu chiến Mỹ trên eo biển Hormuz và tàu USS Gary ở bắc vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, tất cả đều trượt mục tiêu do tàu chiến Mỹ tung mồi bẫy né tránh.

Sau một loạt các cuộc đụng độ dẫn đến thắng thua rõ ràng, hải quân Mỹ chủ động rút lực lượng khỏi vùng biển Iran để hạ nhiệt căng thẳng. Iran chấp nhận ngừng giao tranh nhưng hai bên vẫn duy trì trạng thái cảnh giác.

Kết thúc trận hải chiến, Mỹ phá hủy 2 giàn khoan của Iran, đánh chìm 3 tàu cao tốc, một khinh hạm tên lửa và một tàu tấn công nhanh. Phía Mỹ ghi nhận một trực thăng AH-1 Cobra bị rơi trên biển khiến hai phi công thiệt mạng.

Các nhà quan sát quân sự khi đó nhận định, nhóm tàu sân bay Mỹ đã đánh chìm và làm hư hại nặng một nửa lực lượng tác chiến mặt nước của hải quân Iran. Thiệt hại trong trận hải chiến lớn hơn tổng thiệt hại đối với hải quân Iran sau 8 năm chiến tranh với Iraq.

Giàn khoan dầu Sassan của Iran bị lực lượng Mỹ tấn công.

Giàn khoan dầu Sassan của Iran bị lực lượng Mỹ tấn công.

Thất bại này được coi là một trong những nguyên nhân chính khiến giới lãnh đạo Iran nghiêng về giải pháp chấm dứt chiến tranh, do Mỹ giờ đây đã ngả hẳn về phía Iraq.

Quân đội Iran và Iraq sau đó vẫn có một số cuộc đụng độ quy mô nhỏ nhưng đều kết thúc bất phân thắng bại. Những binh sĩ Iran cuối cùng rút khỏi vùng Kurdistan ở miền bắc Iraq, là cơ sở để hai bên chính thức thông báo ngừng bắn, nối lại hòa bình sau 8 năm giao tranh.

Người Iraq ở Baghdad mở tiệc ăn mừng khi biết tin chiến tranh kết thúc. Còn với Iran, quốc gia hứng chịu tổn thất lớn hơn, người dân ở Tehran phản ứng với một tâm trạng không hề vui.

Theo Viện Brookings, bài học rút ra từ cuộc chiến tranh Iraq - Iran năm 1980 là khởi xướng xung đột với Iran rất đơn giản, nhưng để chấm dứt lại là điều rất khó khăn. Nhà nước Hồi giáo Iran không dễ bị đe dọa và năng lực trả đũa sâu rộng. Đây cũng là một trong những lý do Mỹ đến nay tỏ ra ngần ngại trong việc phát động chiến dịch tấn công Iran.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23

Nguồn: [Link nguồn]

Giành lại được lãnh thổ, Iran bất ngờ lấn tới khiến Iraq choáng váng

Quân đội Iran sau khi tái tổ chức không những có thể nhanh chống đẩy lùi hoàn toàn các lực lượng Iraq khỏi lãnh thổ, mà còn phát động chiến dịch tấn công ngược sang lãnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Chiến tranh Iraq - Iran Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN