Trận hải chiến đánh chìm chiến hạm “khủng” nhất của Đức

Hải quân Anh đã phải huy động 6 thiết giáp hạm, hàng chục tàu tuần dương, tàu khu trục cùng số lượng đông đảo máy bay ném ngư lôi mới có thể nhấn chìm gần 2.200 người trên chiến hạm mạnh nhất phát xít Đức.

Trận hải chiến đánh chìm chiến hạm “khủng” nhất của Đức - 1

BIsmarck là niềm tự hào của hải quân phát xít Đức.

Theo National Interest, thiết giáp hạm Bismarck là niềm tự hào của hải quân phát xít Đức. Chế tạo từ năm 1936, chiến hạm này được hạ thủy vào tháng 4.1940. Bismarck và Tirpitz dài 250 mét, lượng giãn nước 50.000 tấn và là chiến hạm lớn nhất từng được nước Đức chế tạo.

Mặc dù có kích thước khổng lồ nhưng 12 nồi hơi giúp cho con tàu có thể di chuyển khá nhanh, tối đa 56 km/giờ. Giống như chiến hạm thời điểm đó, vũ khí chính của Bismarck chính là pháo cỡ nòng lớn. 8 nòng pháo 38 cm đặt trên 4 tháp pháo. Chiến hạm sử dụng đạn xuyên giáp 816 kg, tầm bắn tối đa 35 km.

Hải quân Đức trong Thế chiến 2 chỉ hoạt động với số lượng ít ỏi các tàu chiến, do đó khó có thể phong tỏa hải quân Anh. Nhiệm vụ chính của hải quân phát xít Đức chỉ nhằm hỗ trợ các chiến dịch đổ bộ và phá hủy các tàu vận tải đến Anh.

Ngày 18.5.1941, Bismarck và các tàu hộ tống, bao gồm tuần dương hạm hạng nặng Prinz Eugen mở đầu Chiến dịch Rheinübung, phá hủy các tàu Đồng minh ở phía Bắc Đại Tây Dương và “hất cẳng” người Anh ra khỏi cuộc chiến.

Sau 6 ngày ra khơi, Bismarck đụng độ với thiết giáp hạm Prince of Wales và tàu tuần dương hạng nặng HMS Hood của hải quân Anh ở phía tây nam Ailen. Phải hy sinh lớp giáp dày để đổi lấy tốc độ, HMS Hood gặp bất lợi trước tàu chiến Đức.

Trận hải chiến đánh chìm chiến hạm “khủng” nhất của Đức - 2

Sức mạnh của Bismarck luôn là nỗi khiếp sợ trên vùng biển châu Âu.

Trúng đạn pháo khiến cho khoang chứa đạn dược kích nổ, vụ nổ lớn khiến HMS Hood gãy làm đôi và chìm xuống biển. 1.418 thủy thủ Anh vĩnh viễn nằm lại cùng tàu tuần dương này.

Chiến thắng nhưng Bismarck cũng bị tàu Prince of Wales bắn trúng 3 phát đạn, khiến cho khoang chứa nhiên liệu bị rò rỉ, động cơ hơi nước gặp trục trặc còn tàu bị nghiêng 9 độ sang mạn trái.

Thuyền trưởng chiến hạm Bismarck lường trước khả năng hải quân Hoàng gia Anh sẽ phái hạm đội hùng hậu đến truy đuổi, từ chối cho chiến hạm chạy chậm lại để có thể sửa chữa thiệt hại.

Trên thực tế, ngay khi biết tin, hải quân Anh đã ra lệnh cho 6 thiết giáp hạm và tuần dương hạm hạng nặng, hai tàu sân bay, 13 tàu tuần dương, 21 tàu khu trục săn tìm Bismarck.  Nhiều tàu trong số này đều là “đồ cổ” từ Thế chiến 1 và do đó không thể bắt kịp tốc độ với chiến hạm Đức.

Mặc dù Bismarck có đủ sức mạnh đánh chìm bất cứ tàu chiến nào dám cản đường, vấn đề phòng không lại luôn là ác mộng với các chiến hạm lớn. Vị trí tàu chiến Đức bị lộ do tàu sân bay Anh điều các máy bay mang theo ngư lôi truy đuổi.

6 máy bay Fairey Fulmar và 9 máy bay Fairey Swordfish mang theo ngư lôi tấn công chiến hạm Đức nhưng chỉ có một ngư lôi đánh trúng mục tiêu. Vụ nổ lớn khiến cho niềm kiêu hãnh hải quân Đức chịu hư hại nhất định.

Trận hải chiến đánh chìm chiến hạm “khủng” nhất của Đức - 3

Bismarck chỉ hoạt động trong biên chế hải quân phát xít Đức vỏn vẹn hơn 1 năm.

Nhưng đáng chú ý nhất là Bismarck đã phải giảm tốc độ xuống còn khoảng 30 km/giờ để tránh ngư lôi của máy bay Anh. Dù sau đó, con tàu tăng tốc trở lại, các tàu Anh đã tận dụng  khoảnh khắc hiếm hoi để bắt kịp mục tiêu.

Cùng thời điểm, cơ quan tình báo Anh giải mã được thông điệp từ hải quân Đức và biết được Bismarck sẽ hướng đến Brest, thành phố của Pháp để sửa chữa. Một khi đến được Brest, không quân Đức sẽ huy động lượng lớn máy bay quần thảo trên bầu trời để bảo vệ.

Hải quân Anh biết được điều này và dùng tất cả các máy bay có thể để oanh tạc trước khi quá muộn. Đợt tấn công của các máy bay Swordfish một lần nữa đánh trúng thiết giáp hạm Đức, khiến cho bánh lái của Bismarck bị kẹt.

Chiếm hạm Đức chỉ có thể di chuyển vòng tròn ở phía Bắc Đại Tây Dương mà không thể hướng về Brest. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi các tàu khu trục Anh và Ba Lan liên tục rải thủy lôi, làm kiệt sức thủy thủ Đức.

Không thể sửa chữa bánh lái, thủy thủ trên tàu Bismarck gửi thông điệp: “Con tàu không thể điều khiển được nữa. Chúng tôi sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng”. Ngày 27.5.1941, thiết giáp hạm HMS Rodney và HMS King George V khai hỏa, bắn trúng tàu Đức nhiều lần.

Trận hải chiến đánh chìm chiến hạm “khủng” nhất của Đức - 4

Máy bay ném ngư lôi của hải quân Anh cất cánh từ tàu sân bay Ark Royal. 

Bismarck bắn trả nhưng việc không thể di chuyển thẳng hướng khiến cho con tàu gần như không thể bắn trúng mục tiêu. Chỉ sau 1 giờ 30 phút giao chiến, tháp pháo của chiến hạm Đức bị vô hiệu hóa hoàn toàn.

Con tàu với lượng giãn nước 50.000 tấn vẫn chưa có dấu hiệu bị chìm. Các tàu chiến Anh áp sát ở cự ly chỉ 2,4 km và nã toàn cơ số đạn có thể. Chỉ trong một buổi sáng, hai tàu chiến Anh đã nã tổng cộng 380 viên đạn cỡ 40 cm, 339 đạn pháo cỡ 35 cm cùng 2.156 viên đạn cỡ 14 cm và nhiều ngư lôi.

10 giờ 39 phút sáng ngày 27.5.1941, sau khi trúng thêm 2 loạt ngư lôi từ trên không và trên biển, Bismarck cuối cùng cũng bị đánh chìm. Trong số 2.200 sỹ quan và thủy thủ trên chiến hạm Bismarck, chỉ có 116 người sống sót.

Việc chiến hạm cỡ lớn như Bismarck bị đánh chìm là ví dụ rõ nhất do hoạt động kết hợp hải-không quân trước đối phương mạnh mẽ hơn nhiều lần. Không một tàu chiến hay máy bay Anh nào đủ sức đánh chìm Bismarck.

Nhưng một nhóm tác chiến bao gồm hàng chục máy bay, tàu chiến đảm bảo rằng niềm kiêu hãnh của phát xít Đức sẽ không bao giờ có thể chạy trốn đến được Pháp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - NI ([Tên nguồn])
Những trận chiến lừng lẫy Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN