Trận động đất khủng khiếp nhất lịch sử thế giới khiến 830.000 người chết ở TQ
Người dân Trung Hoa thời nhà Minh không hề biết cách phòng chống động đất và khi thảm họa xảy ra, số người chết trải dài trên phạm vi 500km tính từ tâm chấn.
Trận động đất năm 1556 ước tính khiến 830.000 người chết. Ảnh minh họa.
Trận động đất khủng khiếp nhất lịch sử thế giới xảy ra vào sáng ngày 23.1.1556 ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Hoa, thuộc triều đại nhà Minh, dưới thời hoàng đế Minh Thế Tông.
Trận động đất gây ảnh hưởng đến một khu vực rộng lớn tương ứng với tỉnh Thiểm Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, Cam Túc, Hà Nam, Giang Tô và An Huy ngày nay. Các tòa nhà ở tận Bắc Kinh, Thành Đô và Thượng Hải cũng bị hư hại. Ước tính cả khu vực trải dài 500km từ tâm chấn đều ghi nhận người chết.
Giai đoạn đầy biến động trong lịch sử Trung Hoa
Dưới thời hoàng đế Minh Thế Tông, nhà Minh liên tiếp gặp đại nạn. Thủ lĩnh Bắc Nguyên là Yêm Đáp đem quân xâm lược nhà Minh, đánh thẳng vào kinh đô Yên Kinh (Bắc Kinh). Sau 8 ngày cướp phá, quân xâm lược phương Bắc mới rút lui trước sự bất lực của vua tôi nhà Minh.
Sau Loạn Yêm Đáp, Minh Thế Tông lại phải đối phó với loạn hải tặc Nhật Bản, hoành hành ở miền đông Trung Hoa.
Cướp biển Oa Khấu lên tới vài nghìn người, bao gồm cả người Trung Quốc, không ngừng cướp phá vùng ven biển, khiến nhà Minh phải duy trì quân đội thường trực bảo vệ vùng biển.
Năm 1554, quân Oa Khấu đổ bộ vào đất Trung Hoa, đánh tan quân triều đình, uy hiếp hai thành phố lân cận là Nam Kinh và Hàng Châu. Mãi đến năm 1558, danh tướng Thích Kế Quang thống lĩnh quân Minh đánh trận quyết định ở Chiết Giang, mới dẹp yên nạn hải tặc Oa Khấu.
Minh Thế Tông sau nhiều năm trị vì, bước vào tuổi trung niên bắt đầu lao vào cuộc sống phóng túng, ăn chơi vô độ, không còn lưu tâm đến chính sự. Ông mê đắm Đạo giáo, ngày ngày luyện đơn dược để mong trường sinh bất lão.
Năm 1542, sử sách Trung Hoa ghi nhận sự kiện Nhâm dần Cung biến nổi tiếng. Các cung nữ đồng loạt xông vào cung trong đêm siết cổ hoàng đế. Minh Thế Tông may mắn chỉ bị ngất, nên vẫn bảo toàn được mạng sống.
Dưới thời Minh Thế Tông, sự tôn sùng của hoàng đế đối với Đạo giáo còn trở thành gánh nặng tài chính cho triều đình, phong trào nhân dân đấu tranh ngày càng mạnh mẽ, nổi bật là Khởi nghĩa thợ mỏ Sơn Đông, Khởi nghĩa Trần Khanh, Khởi nghĩa Thái Bá Quán.
Tâm chân của trận động đất khủng khiếp nhất lịch sử năm 1556.
Bên cạnh đó, một trong những biến cố lịch sử đáng chú ý nhất dưới thời Minh Thế Tông còn phải kể đến trận động đất Thiểm Tây năm 1556.
Trận động đất khủng khiếp nhất lịch sử
Cho đến nay, các nhà sử học đều đồng tình rằng trận động đất xảy ra năm 1556 ở Trung Hoa không phải là trận động đất mạnh nhất, nhưng lại là trận động đất có số người chết lớn nhất, theo History.
Sử sách thường nhắc đến trận động đất này với tên gọi Thảm họa Động đất Gia Tĩnh, vì nó xảy ra dưới thời hoàng đế Minh Thế Tông, hiệu Gia Tĩnh.
Số người chết được nhà Minh chép lại lên tới 830.000 người, tổng hợp từ các số liệu địa phương.
Các nhà chép sử thời bấy giờ mô tả động đất Gia Tĩnh rất khác biệt, vì khiến cho những ngọn núi bị sản phẳng, lụt lội, hỏa hoạn xảy ra triền miên, làm thay đổi hoàn toàn cảnh quan thiên nhiên ở miền trung Trung Quốc.
Ở Hóa Châu, Vị Nam, Thiểm Tây, không một căn nhà nào còn tồn tại sau động đất, hơn một nửa số dân ở khu vực thiệt mạng, ước tính lên tới hàng trăm ngàn người. Trong phạm vi 500km tính từ tâm chấn, không đâu là không ghi nhận người chết.
Khi phát triển thang đo cường độ động đất Richter vào những năm 1930, các nhà khoa học đã phác họa lại trận động đất ở Thiểm Tây và phát hiện cường độ động đất vào khoảng 8.0 - 8.3 độ richter.
Trận động đất mạnh nhất lịch sử xảy ra vào năm 1960 ở Chile. Năm đó động đất mạnh tới 9,5 độ richter. Nhưng vì sao động đất Thiểm Tây lại là trận động đất có nhiều người chết nhất?
Câu trả lời nằm ở việc triều đại nhà Minh đánh dấu sự bùng nổ dân số Trung Hoa. Đến năm 1500, số dân đã tăng lên khoảng 125 triệu người, gần gấp đôi so với năm 1393.
Sau thảm họa động đất, hoàng đế Minh Vũ Tông đã cho rút một lượng lớn của cải từ quốc khố để cứu nạn.
Người dân Trung Hoa khi đó sống tập trung thành các cộng đồng với mật độ dân số lớn. Các công trình xây dựng bằng đá lại hết sức đơn sơ. Một khi đổ sụp gây thương vong nặng nề cho những người ở bên trong.
Sau trận động đất lịch sử, nhiều người bắt đầu chuyển sang xây nhà bằng tre và gỗ, chống chịu động đất tốt hơn và nếu có đổ sập thì gây thiệt hại ít hơn.
Một số người sống sót kể rằng họ: “Nhìn thấy vết nứt tách ra từ mặt đất khiến nước phun lên, tường thành và các công trình bằng đá đổ sụp trong tích tắc, đồng bằng bỗng chốc biến thành những quả đồi…”
Học giả Qin Keda, một trong những người may mắn sống sót sau thảm họa động đất, đã viết lại cách giữ bản thân an toàn trong một trận động đất. “Khi động đất xảy ra, mọi người ở trong nhà không nên vội chạy ra ngoài. Hãy ngồi xuống, lấy tay che đầu và chờ đợi cơ hội. Dù cả tổ chim bị phá hủy thì vẫn còn những quả trứng nguyên vẹn”.
Theo History, lời khuyên của Qin Keda là có cơ sở. Ngày nay, các chuyên gia đều khuyên mọi người không nên ra ngoài trời khi động đất vì ở trong nhà có thể giúp bảo vệ khỏi những mảnh đất đá văng tứ tung.
__________________________
Năm 1976, Trung Quốc trải qua trận động đất lớn nhất thế kỷ 20, san phẳng cả một thành phố công nghiệp sầm uất. Bài kỳ tới xuất bản sáng sớm ngày 2.3 trên mục Thế giới điểm lại những điều đáng chú ý xảy ra trong trận động đất này.
Nguồn: [Link nguồn]
Trận lụt ở miền trung Trung Quốc năm 1931 ước tính khiến 3,7 triệu người chết, nhấn chìm một khu vực rộng lớn, để...