Trận đánh vĩ đại nhất trong cuộc đời Lưu Bị, Gia Cát Lượng ngồi ngoài
Trận đánh nào là chiến thắng lớn nhất trong cuộc đời Lưu Bị? Nhiều người nghĩ ngay đến trận Xích Bích nổi tiếng, nhưng thực tế không phải như vậy, chưa kể rằng quy mô trận chiến này đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi.
Chiến thắng lớn nhất của Lưu Bị là đánh bại Tào Tháo trong trận Hán Trung.
Ở thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc, Lưu Bị cùng Tào Tháo và Tôn Quyền tạo nên thế chân vạc giằng co suốt hàng chục năm. Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, Lưu Bị được ca ngợi là người hiền, giỏi dùng người, thu phục nhân tâm. Nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, đây là một nhân vật phức tạp, đa diện và dễ gây tranh cãi. Điều đó sẽ phần nào được thể hiện trong loạt bài này. |
Lưu Bị thực ra chỉ đóng vai phụ trong trận Xích Bích. Chiến thắng lớn nhất trong đời nhân vật này chỉ có thể là trận Hán Trung, theo trang mạng Trung Quốc Sina. Lưu Bị gần như dốc toàn lực vào trận Hán Trung, tung vào chiến trường 10 vạn quân đối đầu với phe Tào Tháo.
Trận Hán Trung diễn ra trong giai đoạn năm 217 – 219, tập hợp gần như toàn bộ các danh tướng và mưu sĩ thời bấy giờ ở phe Thục Hán, chỉ trừ Gia Cát Lượng ở lại Thành Đô lo việc hậu cần và Quan Vũ (trấn giữ Kinh Châu).
Hán Trung (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc), có vị trí địa lý cực kỳ quan trọng, là một thung lũng nằm giữa hai ngọn núi. Khu vực này có nhiều đường núi hẹp ở giữa, dẫn ra các khu vực rộng lớn ở cả phía bắc và phía nam.
Quân Tào Ngụy muốn xuống phía nam chinh phạt Thục Hán cần đi qua Hán Trung và ngược lại.
Trương Lỗ, một thủ lĩnh quân phiệt thời Tam Quốc, là người đã kiểm soát Hán Trung suốt 20 năm, cho đến khi thế chân vạc thời Tam Quốc hình thành.
Năm 215 Tào Tháo xuất binh đánh Hán Trung, khiến Trương Lỗ đầu hàng. Tư Mã Ý khuyên Tào Tháo nên nhân đà thắng lợi kéo quân xuống Tây Xuyên (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc), đánh sâu vào đất Thục nhưng Tào Tháo không nghe, chỉ để Hạ Hầu Uyên, Trương Cáp ở lại trấn thủ.
Mùa đông năm 217, Lưu Bị ra lệnh cho Trương Phi và Mã Siêu đem quân lên phía bắc, nhằm cô lập Hán Trung nhưng thất bại.
Trương Phi rút lui an toàn, nhưng tướng Ngô Lan của phe Thục Hán bỏ mạng.
Trận Hán Trung chứng minh Lưu Bị có tài thao lược, cầm quân, không hoàn toàn phụ thuộc vào Gia Cát Lượng.
Tháng 4.218, Lưu Bị giao Gia Cát Lượng trọng trách trấn giữ Thành Đô, trực tiếp thống lĩnh đại quân cùng quân sư Pháp Chính và lão tướng Hoàng Trung, cùng các bộ tướng, dẫn quân tiến về Hán Trung.
Lưu Bị đem quân công kích ải Dương Bình, cửa ngõ vào Hán Trung nhưng lại gặp phải sự kháng cự quyết liệt của tướng Tào Ngụy là Hạ Hầu Uyên.
Nghe theo lời khuyên của Pháp Chính, Lưu Bị quay sang hạ trại ở núi Định Quân (cửa ngõ phía tây Hán Trung). Hạ Hầu Uyên đem quân đánh úp Lưu Bị, nhưng bị Hoàng Trung phục kích dẫn đến mất mạng.
Không lâu sau, Tào Tháo thống lĩnh đại quân lên tới 10 vạn binh sĩ, từ Trường An kéo đến Hán Trung. Lưu Bị biết Tào Tháo hành quân từ xa đến, phụ thuộc rất nhiều vào lương thảo, bèn phái binh đi cướp lương.
Hoàng Trung và Triệu Vân không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, còn bẻ gãy các đợt phản công, thừa cơ truy kích ngược quân Ngụy đến sông Hán Thủy, khiến đối phương tổn thất nặng nề.
Sau khi giành được lợi thế về lương thảo, Lưu Bị chủ trương phòng thủ chặt, chỉ đáp trả các đợt tấn công lẻ tẻ từ Tào Tháo.
Tháng 5.219, thời tiết chuyển sang mùa hè, khiến quân Ngụy ngày càng gặp bất lợi. Tào Tháo năm đó 64 tuổi, không chắc đánh bại được đại quân của Lưu Bị, nên đành bỏ Hán Trung, rút về thành Trường An.
Trước khi rút lui, Tào Tháo nói với các tướng: “Ta vốn không tin là Lưu Bị có tài đến thế. Bên cạnh hắn hiện đã có người tài (ám chỉ Pháp Chính)”.
Trong số các mưu sĩ của Lưu Bị, Pháp Chính được cho là người Tào Tháo ngưỡng mộ nhất. Đáng tiếc rằng, Pháp Chính sớm qua đời vì bệnh nặng năm 220, hưởng dương 45 tuổi.
Theo Sina, ngoại trừ Quan Vũ và Gia Cát Lượng không trực tiếp tham gia, Lưu Bị đã đem tất cả tinh hoa của Thục Hán vào trận Hán Trung.
Tào Tháo mất năm 220, một năm sau trận Hán Trung.
Một mãnh tướng của Lưu Bị không được nhắc đến trong sử sách Trung Quốc giai đoạn này là Ngụy Diên. Sina cho rằng, Ngụy Diên chắc hẳn cũng tham gia cùng Lưu Bị nhưng không quá nổi bật, sau này được tin tưởng trao trọng trách trấn thủ Hán Trung.
Nhận định về binh lực của Lưu Bị, Sina cho rằng, khởi đầu chiến dịch Hán Trung, Lưu Bị đem theo 5 vạn quân, kết hợp với quân tiếp viện từ Kinh Châu, quân của Mã Siêu và Lưu Chương, tất cả lên tới 10 vạn người, tương đương phe Tào Tháo, nhiều hơn tổng binh lực Lưu Bị đem đánh Đông Ngô trong trận Di Lăng (221-222).
Có thể nói, trận Hán Trung là chiến thắng vĩ đại nhất cuộc đời Lưu Bị, là lần đầu tiên Lưu Bị trực tiếp đánh bại Tào Tháo. Trận đánh này cũng là minh chứng cho thấy Lưu Bị không hề phụ thuộc vào Gia Cát Lượng.
Tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của tác giả La Quán Trung đề cao công lao của Gia Cát Lượng trong trận Hán Trung, nhưng thực tế Pháp Chính mới là quân sư của Lưu Bị trong trận này.
Không lâu sau, Lưu Bị xưng làm Hán Trung vương, đứng ngang hàng với Ngụy vương Tào Tháo.
Hán Trung cũng được coi là thành quả của Lưu Bị giúp con trai Lưu Thiện có thể trụ vững trước các thế lực phương bắc trong hơn 40 năm sau.
Sau trận đánh này, thế lực của Lưu Bị suy yếu rõ rệt. Tháng 7.219, Quan Vũ tự ý xuất quân đánh Tào Ngụy và bị sa lầy, lại bị Tôn Quyền đánh úp từ phía sau cướp mất Kinh Châu dẫn đến mất mạng.
Đến khi qua đời năm 223, Lưu Bị không làm nên được kỳ tích nào khác như trận Hán Trung, Sina kết luận.
________________________
Người ta thường nói Lưu Bị nổi tiếng vì biết chiêu hiền đãi sĩ, Thục Hán có "nhân hòa". Vậy vì sao người tài lũ lượt đầu quân cho Tào Tháo? Mời độc giả cùng tìm hiểu lý do trong bài kỳ tới, xuất bản sáng 5.12.2021 trên mục Thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]
Lẽ nào Lưu Bị đã cố tình bỏ rơi người em kết nghĩa từng vào sống ra chết cùng mình?