Trận đánh thảm bại, nhiều binh sĩ đầu hàng nhất lịch sử Mỹ

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Sau khi chiến tranh Mỹ - Nhật bùng nổ vào tháng 12/1941, lực lượng Mỹ đóng quân ở Philippines đã bị Nhật Bản tấn công quyết liệt, dẫn đến sự kiện có binh sĩ Mỹ đầu hàng lớn nhất trong lịch sử. Sau cuộc tấn công bất ngờ của Nhật Bản nhằm vào Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941, chiến tranh Mỹ - Nhật bùng nổ. Các máy bay Nhật Bản bắt đầu các cuộc tập kích nhằm vào lực lượng Mỹ đóng quân ở Philippines.

Xe tăng Nhật di chuyển trong trận Bataan năm 1941 - 1942.

Xe tăng Nhật di chuyển trong trận Bataan năm 1941 - 1942.

Trong gần 350 năm lịch sử, nước Mỹ từng bước giành độc lập từ Đế quốc Anh, đánh bại đế quốc Tây Ban Nha, cho đến giành chiến thắng trong Thế chiến 2 để trở thành quốc gia thống trị thế giới. Nhưng không phải tất cả các cuộc chiến đều dễ dàng. Có những lúc quân đội Mỹ vẫn hứng chịu những thất bại. Loạt bài này sẽ điểm lại những thất bại quân sự ít biết của Mỹ trong lịch sử.

Tướng Douglas MacArthur, Tư lệnh Lục quân Mỹ phụ trách khu vực Philippines, ra lệnh chuẩn bị đối phó cuộc đổ bộ không thể tránh khỏi của quân Nhật. Tướng MacArthur khi đó nắm trong tay lực lượng phòng thủ lên tới 120.000 người, phần lớn là binh sĩ Philippines.

Mặc dù tướng MacArthur muốn phòng thủ trên toàn bộ đảo Luzon, đảo lớn nhất và đông dân nhất ở Philippines. Nhưng cấp chỉ huy yêu cầu tập trung bảo vệ Manila và bán đảo Bataan. Ở phía tây, Tướng MacArthur được lệnh cầm cự cho đến khi hải quân Mỹ gửi lực lượng chi viện. Nhưng do tổn thất đáng kể trong trận Trân Châu Cảng, hải quân Mỹ cần thời gian phục hồi và không thể cử lực lượng tới Philippines.

Ngày 10/12/1941, Nhật Bản huy động lực lượng gồm 75.000 người, bắt đầu đổ bộ lên đảo Luzon từ phía nam và phía bắc. Trong giai đoạn đầu, tướng MacArthur không bố trí lực lượng chủ lực giao tranh vì nghĩ rằng quân Nhật không thể nhanh chóng tiến quân tới Manila. 

Các lực lượng thuộc tập đoàn quân số 14 do tướng Nhật Masaharu Homma chỉ huy tiến công dữ dội ở phía bắc đảo Luzon, buộc tướng Mỹ Jonathan Wainwright, phải rút lực lượng về tuyến phòng thủ ở bán đảo Bataan. Ở phía nam, quân của tướng Albert Jones chiến đấu tốt hơn một chút. Nhưng lo ngại lực lượng bị chia cắt, tướng MacArthur ra lệnh cho Jones rút quân về Baatan.

Quân Nhật dùng súng phun lửa phá hủy một lô cốt phòng thủ của Mỹ.

Quân Nhật dùng súng phun lửa phá hủy một lô cốt phòng thủ của Mỹ.

Nhìn chung, tướng MacArthur sở hữu lực lượng phòng thủ đông đảo hơn quân Nhật nhưng nhưng lực lượng chủ yếu là lính dự bị Philippines. Lực lượng này thiếu kinh nghiệm chiến đấu và không được trang bị tốt. Tình thế khó khăn khi đó cũng khiến tướng MacArthur không có không quân và hải quân yểm trợ.

Đến ngày 7/1/1942, toàn bộ lực lượng Mỹ và Philippines do tướng MacArthur chỉ huy đã rút về phòng thủ ở bán đảo Bataan.

Trải dài từ bắc xuống nam, bán đảo Bataan có địa hình phức tạp với núi Natib ở phía bắc và dãy núi Mariveles ở phía nam. 

Bán đảo được bao phủ bởi địa hình rừng rậm. Vùng đất thấp của bán đảo trải dài đến những vách đá nhìn ra Biển Đông ở phía tây và các bãi biển ở phía đông dọc theo Vịnh Manila. Do yếu tố địa hình, bến cảng duy nhất của bán đảo nằm ở phía cực nam.

Quân đoàn của tướng Wainwright chặn cửa ngõ vào Bataan ở phía tây và quân đoàn của tướng Parker lập vành đai phòng thủ ở phía đông.

Mặc dù tuyến phòng thủ của lực lượng Mỹ ở bán đảo Bataan khá kiên cố với một lượng lớn pháo. Nhưng lực lượng này lại thiếu nguồn tiếp tế. Việc quân Nhật tiến công nhanh chóng theo thế gọng kìm từ phía bắc và phía nam đảo Luzon đã khiến lực lượng không kịp tích trữ một lượng lớn lương thực và vật tư. Dân thường sơ tán cũng khiến bán đảo Bataan trở nên quá tải.

Phòng tuyến ở bán đảo Bataan được lực lượng Mỹ và Philippines vào thời điểm tháng 1/1942.

Phòng tuyến ở bán đảo Bataan được lực lượng Mỹ và Philippines vào thời điểm tháng 1/1942.

Khi tướng Nhật Masaharu Homma chuẩn bị đợt tiến công quyết định nhằm vào bán đảo Bataan, tướng MacArthur liên tục kêu gọi giới lãnh đạo ở Washington D.C huy động viện binh, cung cấp hỗ trợ nhưng bất thành.

Ngày 9/1/1942, tướng Homma ra lệnh cho tướng Akira Nara mở cuộc tiến công vào Bataan, đánh thẳng vào phòng tuyến của tướng Parker. Quân đoàn gồm lính Mỹ và Philippines chống chọi cuộc tiến công của người Nhật trong 5 ngày. 

Đến ngày 15/1/1942, Parker đề nghị tướng MacArthur hỗ trợ. Đoán trước được điều này, MacArthur đã điều sư đoàn số 31 và một sư đoàn Philippines sang cánh phía đông hỗ trợ. Ngày hôm sau, Parker mở cuộc phản công với sư đoàn số 51. Cuộc phản công ban đầu diễn ra thuận lợi nhưng sư đoàn sau đó tan rã. Đến ngày 17/1, lực lượng của Parker cố gắng ngăn chặn quân Nhật vượt phòng tuyến phía đông nhưng Nhật Bản chiếm ưu thế nhờ vào không quân và pháo binh. Đêm ngày 22/1, Parker ra lệnh cho tàn quân từ bỏ phòng tuyến và rút về phía nam bán đảo.

Ở phia tây, lực lượng xung kích của quân Nhật do tướng Naoki Kimuratiến công tuyến phòng thủ do quân đoàn của tướng Wainwright trấn giữ. Tình hình có vẻ ổn định hơn cánh phía đông nhưng mọi chuyện thay đổi vào ngày 19/1, khi quân Nhật vòng được ra phía sau, cắt đứt nguồn tiếp tế. Kết quả là lực lượng của tướng Wainwright cũng phải rút lui, bỏ lại nhiều vũ khí hạng nặng.

Cuối tháng 1/1942, lực lượng Mỹ và Philippines thiết lập tuyến phòng thủ mới mang tên Orion - Bagac. Mặc dù có lợi thế về địa hình nhưng lực lượng của tướng MacArthur lại thiếu các sĩ quan có năng lực và thiếu lực lượng chi viện để bịt lỗ hổng một khi phòng tuyến bị quân Nhật xuyên thủng.

Quân Nhật xuyên thủng phòng tuyến của Mỹ ở bán đảo Bataan sau 5 tháng tiến công.

Quân Nhật xuyên thủng phòng tuyến của Mỹ ở bán đảo Bataan sau 5 tháng tiến công.

Tướng Kimura bên phía quân Nhật khi đó ra lệnh cho một lực lượng lính thủy đánh bộ đổ quân ở bờ biển phía tây nam bán đảo. Các cuộc đổ bộ này tuy không tạo ra đột phá, nhưng quân Nhật đã khiến lực lượng của tướng MacArthur phải rút bớt lực lượng về phía nam để bảo vệ các bờ biển.

Ở phía bắc, quân Nhật do tướng Morioka và Nara chỉ huy tiếp tục tiến công vào phòng tuyến Orion - Bagac. Lực lượng Nhật đột phá thành công vị trí do tướng Wainwright chỉ huy. Để đối phó, tướng Wainwrightbên phía Mỹ một mặt nhanh chóng khép lại phòng tuyến, mặt khác cô lập lực lượng Nhật đột phá thành công ở 3 khu vực.

Lúc này, tướng Homma bên phía Nhật chấp nhận rằng cuộc đột phá đã thất bại, ra lệnh thu quân để tái tổ chức vào ngày 8/2/1942.

Chiến thắng này giúp lực lượng Mỹ và Philippines có thêm sĩ khí. Nhưng vấn đề là lực lượng thiếu lương thực và vật tư để chiến đấu dài ngày.

Ở trên biển, nỗ lực đột phá của các tàu thuyền Mỹ nhằm bổ sung vật tư cho bán đảo Bataan gặp nhiều khó khăn do Nhật Bản huy động tàu chiến phong tỏa. Giải pháp vận chuyển vật tư bằng máy bay khi đó tỏ ra không hiệu quả.

Giữa tháng 2/1942, giới lãnh đạo Mỹ ở Washington nhận ra lực lượng phòng thủ ở bán đảo Bataan đang bị bào mòn. Không muốn mất tướng MacArthur, Tổng thống Mỹ khi đó là Franklin D. Roosevelt ra lệnh sơ tán bằng được vị tướng này. 

Nhưng tướng MacArthur không muốn rời đi, bỏ lại các đồng đội. Mãi đến ngày 12/3/1942, MacArthur mới rời khỏi bán đảo Bataan trên một chiếc thuyền và cuối cùng đáp máy bay B-17 Flying Fortress sang Úc.

Quyền chỉ huy lực lượng Mỹ và Philippines ở bán đảo Bataan khi đó được chuyển cho tướng Edward P. King. Trong suốt tháng 3/1942, nạn đói và dịch bệnh ngày càng lan rộng trong hàng ngũ lực lượng phòng thủ. Đến ngày 1/4, lực lượng do tướng Wainwright chỉ huy sống bằng khẩu phần ăn tương đương một phần tư mỗi ngày.

Tù binh Mỹ và Philippines sau khi bán đảo Bataan rơi vào tay quân Nhật.

Tù binh Mỹ và Philippines sau khi bán đảo Bataan rơi vào tay quân Nhật.

Ở phía bắc, quân Nhật đã dành cả tháng 2 và tháng 3 để tái tổ chức và củng cố lực lượng. Quân Nhật chuyển sang chiến thuật oanh tạc bằng máy bay và nã pháo dữ dội. Ngày 3/4/1942, quân Nhật nã báo với tần suất dữ dội nhất trong suốt toàn bộ chiến dịch.

Ngày hôm sau, tướng Homma ra lệnh tiến công vị trí phòng thủ do sư đoàn số 41 bên phía Mỹ trấn giữ. Sư đoàn số 41 khi đó đã chịu thiệt hại lớn từ các đợt nã pháo và kháng cự yếu ớt.

Giao tranh diễn ra cho đến ngày 8/4, với việc lực lượng Mỹ và Philippines liên tục hứng chịu thất bại. Tướng King chủ động liên hệ với người Nhật để thảo luận điều kiện đầu hàng.

Ngày hôm sau, tướng King gặp tướng Nhật Kameichiro Nagano và gửi thông điệp xin hàng.

Mặc dù bán đảo Bataan thất thủ nhưng quân Nhật phẫn nộ khi các lực lượng Mỹ đóng quân ở các nơi khác thuộc Philippines vẫn tiếp tục chiến đấu. Ngày 5/5, quân Nhật đổ bộ lên đảo Corregidor ở phía nam bán đảo Bataan và kiểm soát hòn đảo sau hai ngày giao tranh. Lúc này, tướng Wainwright ra lệnh cho toàn bộ lực lượng Mỹ ở Philippines đầu hàng.

Giao tranh ở Bataan đã khiến lực lượng Mỹ và Philippines thương vong 30.000 người, trong đó có khoảng 10.000 người thiệt mạng. Phía Nhật thương vong khoảng 19.000 người với 7.000 binh sĩ thiệt mạng.

Đáng chú ý, có tới 12.000 binh sĩ Mỹ và 63.000 binh sĩ Philiipines đầu hàng quân Nhật. Đây là trận đánh có số lượng binh sĩ Mỹ đầu hàng lớn nhất lịch sử Mỹ.

Do số lượng quá lớn, quân Nhật buộc các tù binh này phải đi bộ tới trại tập trung ở phía bắc bán đảo. Quãng đường vào khoảng 112km. Các tù binh gục ngã vì bệnh tật hoặc kiệt sức bị lính Nhật đâm bằng lưỡi lê.

Ước tính 5.500 tù binh Mỹ và Philippines chết trước khi tới được trại tập trung nên sự kiện này còn được gọi là "hành trình chết chóc".

Mặc dù chỉ huy lực lượng đánh chiếm Philippines thành công nhưng tướng Masaharu Homma vẫn bị chỉ trích vì hành động quá chậm. Bộ Tổng tham mưu quân đội Nhật coi tướng Homma không có năng lực chỉ đạo một cách quyết liệt nên buộc phải giải ngũ vào tháng 8/1943. Homma sống một cách ẩn dật cho đến khi Thế chiến 2 kết thúc. 

Giữa tháng 9/1945, Homma bị lực lượng Mỹ ở Nhật Bản bắt giữ. Trong quá trình bào chữa, Homma khai rằng mình quá bận tâm đến kế hoạch khuất phục hoàn toàn lực lượng Mỹ ở Philippines nên đã lơ là trong việc giám sát cấp dưới đối xử với tù binh. Ông cũng khẳng định không biết việc hàng ngàn tù binh Mỹ và Philippines thiệt mạng trong cuộc "hành quân chết chóc". Homma bị phán quyết có tội và bị xử bắn vào ngày 3/4/1946.

_______________________

Chuyện gì xảy ra trong lần giao tranh đầu tiên của quân đội Mỹ và phát xít Đức trong Thế chiến 2? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 2 xuất bản lúc 19h ngày 26/5/2024.

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Sau khi hứng chịu thương vong lớn từ trận đánh và chứng kiến cách phản ứng của lính Nhật, giới chức Mỹ đã cân nhắc về việc có tấn công đất liền Nhật Bản và sử dụng bom hạt nhân hay không.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Những thất bại thảm hại của Mỹ trong lịch sử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN