Trận đánh kinh hồn: 6 vạn quân Bát Kỳ tiêu diệt 14 vạn quân Minh - Triều

Phải chiến đấu với lực lượng quân Minh đông hơn gấp bội, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã vận dụng những sách lược quân sự phi thường, giúp cho quân Bát Kỳ đại phá quân địch, làm nên trận thắng vang dội trong lịch sử.

Quân Bát Kỳ liên tiếp giành chiến thắng trước nhà Minh, bao vây Sơn Hải quan (ảnh minh họa)

Quân Bát Kỳ liên tiếp giành chiến thắng trước nhà Minh, bao vây Sơn Hải quan (ảnh minh họa)

Năm 1618, lợi dụng tình trạng suy thoái của nhà Minh, do những kẻ gian thần trong triều khuấy đảo, quân đội của Nỗ Nhĩ Cáp Xích tấn công như vũ bão và bước đầu giành được thắng lợi.

Chỉ trong vòng 3 tháng, hàng loạt những thành trì của nhà Minh như Phủ Thuận, Thanh Hà, Đông Châu, thất thủ. Đáng nói, công thành chưa bao giờ là thế mạnh của quân Bát Kỳ lúc bấy giờ.

Cuối năm 1618, quân Bát Kỳ của Nỗ Nhĩ Cáp Xích tiến quân thần tốc, áp sát Sơn Hải quan. Sơn Hải quan là cửa ải đầu tiên của Vạn Lý Trường Thành, nằm ở vị trí giáp ranh giữa hai tỉnh Hà Bắc và Liêu Ninh, đây cũng là cánh cổng tiến vào Trung Hoa.

Phá được Sơn Hải quan, cũng coi như phá được lớp phòng thủ mặt bắc của Vạn Lý Trường Thành.

Sơn Hải quan – cửa ải chiến lược của Vạn Lý Trường Thành (ảnh minh họa)

Sơn Hải quan – cửa ải chiến lược của Vạn Lý Trường Thành (ảnh minh họa)

Quân Bát Kỳ tấn công Sơn Hải quan rất dữ dội, tình thế quân Minh ngày càng trở nên nguy ngập. Đầu năm 1619, nhà Minh cử Dương Cảo làm Liêu Đông kinh lược sứ, dẫn 14 vạn liên quân Minh – Triều Tiên – bộ lạc Diệp Hách, Mông Cổ, tiến đánh quân Bát Kỳ.

Quân Minh chia làm 4 đường vây đánh, lại nói phao lên rằng có 47 vạn đại quân. Quân Bát Kỳ lúc này chỉ có vỏn vẹn 6 vạn, phần lớn đã mỏi mệt do phải công thành, chinh chiến dài ngày.

Đứng trước tình thế bị áp đảo về quân số và sức chiến đấu, Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã nêu ra một triết lý quân sự phi thường, khiến cho nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, quân sự đời sau phải thán phục, ông nói:

- Bất kể chúng đi bằng bao nhiêu đường, ta chỉ đánh một đường.

Nỗ Nhĩ Cáp Xích nhận định rằng quân lực của mình ít hơn hẳn kẻ thù, 6 vạn quân suy nhược của mình, không thể đem chia làm 4 đường chặn đánh quân Minh. Ông quyết định tập trung quân lại, sử dụng ưu thế cơ động của kỵ binh để đón đánh quân địch.

Cũng phải nói đến, quân Minh đã phạm phải một sai lầm chết người. Dù tiến bằng 4 đường với mục đích bao vây quân Bát Kỳ, nhưng giữa những cánh quân Minh lại không có sự liên lạc, phối hợp, hành quân nhanh chậm không đều.

Nhà Minh chia quân làm 4 đường, quyết tâm tiêu diệt quân Bát Kỳ (ảnh minh họa)

Nhà Minh chia quân làm 4 đường, quyết tâm tiêu diệt quân Bát Kỳ (ảnh minh họa)

Nỗ Nhĩ Cáp Xích quyết tâm dùng 6 vạn quân, áp đảo ngược lại quân số và tiêu diệt từng cánh quân của nhà Minh, trước khi những đạo quân khác biết được thông tin và đến chi viện.

Nỗ Nhĩ Cáp Xích điều quân vượt đến trước và nắm địa thế tại bờ sông Tát Nhĩ Hử, chờ sẵn quân Minh. Vài ngày sau, 3 vạn quân Tây lộ do tướng Minh là Đỗ Tùng mới đến được trận địa. Không biết quân Bát Kỳ đã dàn trận sẵn ở bờ bên kia, Đỗ Tùng cho quân vượt sông.  

Nỗ Nhĩ Cáp Xích chờ cho quân Minh tiến ra giữa dòng, cho phá đập nước đã xây sẵn trước đó, một nửa quân Minh biến thành tôm cá. Đỗ Tùng dù bị thiệt hại nặng nhưng vẫn cố chấp tiến quân qua sông.

Sau đó, Đỗ Tùng lại tiếp tục mắc phải sai lầm nghiêm trọng, khi chia nhỏ số quân ít ỏi còn lại ra làm 2 trại, dựng cách xa nhau. Nỗ Nhĩ Cáp Xích dùng lực lượng áp đảo tiêu diệt trại quân đóng bên bờ sông trước, rồi quay vòng lại, đánh vào trại chính của Đỗ Tùng đóng trên núi, tiêu diệt sạch sẽ quân Minh.

Sau khi cánh Tây lộ của Đỗ Tùng bị tiêu diệt, cánh Bắc lộ của quân Minh do Mã Lâm mới kéo đến. Biết tin Đỗ Tùng tử trận, Mã Lâm không dám lơ là, cho 3,5 vạn quân của mình lập phòng tuyến cố thủ.

Nỗ Nhĩ Cáp Xích không chần chừ, dẫn quân đánh thẳng vào trại chính của Mã Lâm. Hỏa pháo quân Minh bắn ra mù trời, nhưng vẫn không theo kịp sức tiến công của kỵ binh Bát Kỳ. Cánh Bắc lộ nhanh chóng tan vỡ.

Trận đánh kinh hồn: 6 vạn quân Bát Kỳ tiêu diệt 14 vạn quân Minh - Triều - 4

Nỗ Nhĩ Cáp Xích chỉ huy quân đội, quyết tâm tiêu diệt quân Minh (ảnh minh họa)

Sau khi tiêu diệt gọn gàng hai cánh tiên phong của quân Minh, quân Bát Kỳ nhanh chóng di chuyển, đón đánh cánh Đông lộ của Lưu Đĩnh.

Cũng phải mấy ngày sau, quân của Lưu Đĩnh mới chậm chạp kéo đến. Lưu Đĩnh vốn là một tướng tài, nhưng do bị chủ tướng là Dương Cảo chèn ép nên thường tỏ ra bất mãn, nóng lòng lập công.

Nỗ Nhĩ Cáp Xích đã triệt để lợi dụng điểm yếu này. Ông cho quân của mình ăn mặc giả làm quân của Đỗ Tùng, đến thúc giục Lưu Đĩnh tiến quân cho mau, để cùng phối hợp bao vây, tiêu diệt quân Bát Kỳ.

Lưu Đĩnh mắc bẫy, cho quân tiến gấp ngày đêm và lọt vào bẫy phục kích của quân Bát Kỳ. Bản thân Lưu Đĩnh tử trận, cánh quân Triều Tiên đi theo chống trả quyết liệt nhưng gần như bị tiêu diệt hết, sau đó cũng phải đầu hàng.

Lại mấy ngày sau đó, chủ tướng của quân Minh là Dương Cảo mới nhận được tin 3 cánh quân đã bị tiêu diệt. Dương Cảo vội vàng gọi cánh Nam lộ do Lý Như Bách chỉ huy quay trở lại, nhưng đã quá muộn.

Lợi dụng lúc quân Minh hành quân đến địa hình nhỏ hẹp, Nỗ Nhĩ Cáp Xích bố trí một toán quân nhỏ chờ sẵn nhưng không đánh, mà chỉ làm nhiệm vụ nghi binh. Quân Minh lọt trúng ổ mai phục, quân Bát Kỳ hò hét, thổi kèn gióng trống, xông ra như trời long đất lở.

Quân Minh thấy vậy hoảng sợ tột độ, tranh nhau bỏ chạy, giẫm đạp lên nhau mà chết, Lý Như Bách vì sợ tội không đánh mà làm mất quân, phải tự sát tại chỗ.

Quân Bát Kỳ đại thắng, sức mạnh được đánh giá ngang với quân Mông Cổ thời đỉnh cao (ảnh minh họa)

Quân Bát Kỳ đại thắng, sức mạnh được đánh giá ngang với quân Mông Cổ thời đỉnh cao (ảnh minh họa)

Như vậy, chỉ trong vòng 6 ngày tác chiến, 6 vạn quân Bát Kỳ đã đánh tan 14 vạn liên quân của nhà Minh, lập lên chiến tích Tát Nhĩ Hử lừng lẫy trong lịch sử Trung Quốc.

Trận Tát Nhĩ Hử cũng được xem là một trong những trận đánh kinh điển nhất của nghệ thuật dụng binh, không chỉ ở Trung Quốc mà còn được thế giới công nhận. Huyền thoại về đội quân Bát Kỳ lúc này không thua kém gì với vó sắt của quân Mông Cổ.

Sau chiến thắng Tát Nhĩ Hử, quân Bát Kỳ thừa thắng tiến đánh, thế như chẻ tre. Năm 1622, Đại Kim đã làm chủ hoàn toàn vùng đông bắc Trung Quốc, bao gồm cả Triều Tiên và một phần Mông Cổ.

Nỗ Nhĩ Cáp Xích sau đó tạm dừng chinh chiến để củng cố lực lượng, quân Bát Kỳ nhanh chóng được nâng từ 6 vạn lên 13 vạn người. Tuy nhiên, đây vẫn chỉ là quân số rất nhỏ so với binh lực của nhà Minh.

Tháng 1.1626, Nỗ Nhĩ Cáp Xích lại tiến công Sơn Hải quan, nhưng lần này ông đã gặp phải tay đối thủ. Thành Ninh Viễn (thuộc tỉnh Liêu Ninh – Trung Quốc), cửa ngõ tiến vào Sơn Hải Quan, lúc này do Viên Sùng Hoán, bấy giờ chỉ là viên tướng vô danh của nhà Minh, trấn giữ.

Lợi dụng khoảng thời gian ngừng chiến, Viên Sùng Hoán đã chỉ huy quân dân củng cố, xây dựng thành Ninh Viễn thật vững chắc. Trên mặt thành, ông cho bố trí rất nhiều khẩu Hồng Di đại pháo, đây là loại pháo với sức công phá lớn, được mua từ Bồ Đào Nha và Hà Lan.

Minh sử chép, Viên Sùng Hoán cử các tướng chia quân đi trấn giữ các thành Cẩm Châu, Trung Sơn, Sa Sơn, Hữu Đồn và sông Lãng, phái các đội binh mã trú đóng ở những vùng phụ cận để tiếp ứng cho Ninh Viễn, hình thành thế "ỷ giốc", tương trợ lẫn nhau. Đồng thời, xây thành đắp lũy, dựng nhà cho dân ở để làm kế lâu dài.

Viên Sùng Hoán chỉ huy phòng thủ, giữ vững thành Ninh Viễn nhỏ bé (ảnh minh họa)

Viên Sùng Hoán chỉ huy phòng thủ, giữ vững thành Ninh Viễn nhỏ bé (ảnh minh họa)

Dưới sự chỉ huy của Viên Sùng Hoán, thành Ninh Viễn nhỏ bé, chỉ với 1 vạn quân, đã đẩy lui sức công phá như vũ bão của 13 vạn quân Bát Kỳ hết lần này đến lần khác.

Nỗ Nhĩ Cáp Xích đốc thúc quân xung phong nhưng bị Hồng Di đại pháo bắn cho trọng thương. Lợi dụng lúc kẻ địch rút lui, Viên Sùng Hoán đổ quân ra truy kích, khiến quân Bát Kỳ tổn thất nặng nề.

Nỗ Nhĩ Cáp Xích sau đó không dám đánh thành Ninh Viễn nữa mà cho quân đi thu phục những bộ lạc khác của người Mông Cổ. Tháng 7.1626, Nỗ Nhĩ Cáp Xích qua đời, khi sự nghiệp chinh phạt nhà Minh còn đang dang dở.

Một số tài liệu thể hiện, cái chết của Nỗ Nhĩ Cáp Xích là do tuổi cao sức yếu, kèm theo thương tích lâu ngày từ trận Ninh Viễn và nỗi uất ức, khi đại bại trước một viên tướng vô danh – Viên Sùng Hoán.

Tuy nhiên, công cuộc chinh phạt của người Nữ Chân và huyền thoại về Viên Sùng Hoán vẫn chưa dừng lại ở đó.

_____________

Sau khi nếm mùi đại bại bởi Viên Sùng Hoán, cuộc chiến tranh giữa quân Bát Kỳ với nhà Minh sẽ còn diễn ra ác liệt hơn trước. Trước sự chỉ huy kiên cường của Viên Sùng Hoán, liệu quân Bát Kỳ có giành được thắng lợi hay tiếp tục hứng chịu thất bại? Mời các bạn đón đọc chi tiết trong bài kỳ sau.

Điều gì khiến tộc Nữ Chân nhỏ bé, bị chèn ép vùng lên xâm lược Trung Quốc?

Từ những bộ tộc nhỏ lẻ, lạc hậu, thường xuyên bị triều Minh áp bức, động lực nào đã giúp cho những người Nữ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN