Trận đánh khiến Nga "thức tỉnh", phải hiện đại hóa quân đội

Quân số đông gấp hơn 4 lần nhưng các binh sĩ của Peter Đại đế lại bất ngờ bại trận trước đội quân của vị vua trẻ Thụy Điển - Charles XII - trong trận đánh mở đầu của quân Nga ở đại chiến Bắc Âu. 

Trong đại chiến Bắc Âu, quân Nga của Peter Đại đế đối đầu với quân Thụy Điển lần đầu tiên trong trận Narva. Ảnh: Tumblr

Trong đại chiến Bắc Âu, quân Nga của Peter Đại đế đối đầu với quân Thụy Điển lần đầu tiên trong trận Narva. Ảnh: Tumblr

Trận Narva, diễn ra vào tháng 11/1700, là một trận đánh gây chấn động của đại chiến Bắc Âu (1700 - 1721) giữa quân đội đế quốc Thuỵ Điển và quân đội Nga.  

Quân đội Thụy Điển dưới sự lãnh đạo của vua Charles XII khi đó mới 18 tuổi gây bất ngờ khi đánh bại quân Nga của Peter Đại đế, dù quân số chỉ chưa bằng 1/4. 

Sau trận đánh này, Peter Đại đế lập tức thúc đẩy việc hiện đại hóa quân đội, trong khi vua Charles XII tự tin cho rằng Nga không còn là mối đe dọa lớn với Thụy Điển.

Bối cảnh đối đầu

Theo trang ThoughtCo, từ cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 18, Thụy Điển là cường quốc thống trị vùng Baltic. Việc giành một số chiến thắng trong Cuộc chiến 30 năm (1618-1648) giúp Thụy Điển mở rộng các vùng lãnh thổ trải dài từ miền bắc nước Đức đến vùng Karelia và Phần Lan. 

Việc Thụy Điển mở rộng lãnh thổ khiến một số nước ở vùng Baltic bất mãn. Trong giai đoạn 1697 - 1699, một liên minh chống Thụy Điển được thành lập gồm các thành viên Nga, Đan Mạch và Ba Lan.

Năm 1700, các đồng minh của Nga là Đan Mạch và Ba Lan tuyên chiến với Thụy Điển, đánh dấu sự khởi đầu của đại chiến Bắc Âu kéo dài 21 năm. 

Thời điểm này, nước Nga của Peter Đại đế đang lo ký hiệp định đình chiến với Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Sau khi ký xong hiệp định đình chiến, Nga chính thức tuyên chiến với Thụy Điển vào tháng 8/1700. 

Cùng thời điểm này, Thụy Điển tạm thời loại Đan Mạch khỏi vòng chiến đấu sau khi giành một số chiến thắng và buộc Đan Mạch phải ký hiệp ước Travendal, trong đó có điều khoản Đan Mạch cam kết không tham gia liên minh chống Thụy Điển. Quân Ba Lan của vua August II lúc đó cũng rút về trú đông nên không còn là mối bận tâm với vua Charles XII.

Như vậy, liên minh chống Thụy Điển chỉ còn Nga là động binh. Peter Đại đế lý giải mục đích cuộc chiến là muốn giành lại 2 tỉnh Ingria và Karelia. Vị Sa hoàng nhận thấy để giành được 2 tỉnh trên cần phải kiểm soát được pháo đài Narva, dù đây không phải là mục tiêu ban đầu của Nga. Trận Narva diễn ra vào tháng 11/1700.

Sự chuẩn bị của Thụy Điển - Nga

Theo nhà sử học Anh Jeremy Black, đích thân vua Charles XII là tổng tư lệnh của quân đội Thụy Điển, hỗ trợ ông có thống chế Carl Gustav Rehnskiöld và chỉ huy kỵ binh, tướng Otto Vellingk. 

Theo trang RusMilHist, Rehnskiöld và Vellingk đều là những người giàu kinh nghiệm chinh chiến. Thống chế Rehnskiöld từng tham gia cuộc chiến tranh Pháp - Hà Lan (1688 - 1697), trong khi tướng Vellingk là người có gần 40 năm kinh nghiệm chiến đấu. 

Về phía Nga, chỉ huy cao nhất vẫn là Peter Đại đế và dưới ông là một tướng ngoại quốc Charles Eugène de Croy và thống chế Fyodor Alexeyevich Golovin. Một ngày trước trận Narva, Peter Đại đế bất ngờ rời khỏi doanh trại về nước để lo việc triều chính đột xuất. 

Lý giải điều này, một số sử gia cho rằng Peter Đại đế quá tự tin. Vị Sa hoàng cho rằng quân đội Thụy Điển, với quân số ít hơn, sẽ không dám đánh úp quân đội đông đảo của Nga. Và kể cả nếu bị tấn công, quân Nga cũng sẽ dễ dàng đẩy lui quân Thụy Điển. 

Một số sử gia khác lại cho rằng việc Peter Đại đế rời đi là một hành động không xứng đáng của bậc quân vương. Nhưng nhiều học giả cho rằng nhận định này không có nhiều giá trị vì nếu lựa chọn rời đi vì hèn nhát thì Peter đại đế đã không đích thân dẫn quân tới đánh Thụy Điển. Đồng thời, việc rời đi này vô tình cũng sẽ đặt vị Sa hoàng vào tình thế nguy hiểm vì có thể bị quân Thụy Điển chặn đường bất cứ lúc nào, theo nhà sử học người Mỹ Robert K. Massie - người dành cả sự nghiệp nghiên cứu về hoàng gia Nga trong giai đoạn 1613-1917. 

Peter Đại đế rời đi và hộ tống ông còn có cả thống chế Golovin. Việc chỉ huy quân đội được tạm thời giao cho tướng ngoại quốc Charles Eugène de Croy - người chưa có nhiều kinh nghiệm trận mạc. 

Eugène de Croy là tướng Ba Lan được vua August II cử đến Nga cùng một phái đoàn ngoại giao để xin Peter Đại đế một nhóm quân Nga tinh nhuệ hỗ trợ Ba Lan chiến đấu. 

De Croy không ít lần từ chối việc chỉ huy quân Nga nhưng cuối cùng cũng bằng lòng sau khi được Peter Đại đế động viên bằng một cốc rượu. Vị tướng Ba Lan nhận trách nhiệm chỉ huy quân Nga vào ngày 19/11/1700. 

Quân Nga gần pháo đài Narva được phân làm 3 cánh quân chính do các chỉ huy Avtonom Golovin, Trubetskoy và Weide lãnh đạo. Cả 3 chỉ huy này còn rất trẻ, chừng hơn 30 tuổi, và kinh nghiệm trận mạc của họ rất hạn chế. 

Trong khi đó, Boris Petrovich Sheremetev - một chỉ huy giàu kinh nghiệm và từng giành nhiều chiến thắng trước đế chế Ottoman - lại chỉ được giao chỉ huy một nhóm kỵ binh Nga. 

Về pháo binh, vua Charles XII của Thụy Điển giao cho Johan Siöblad - một tướng có gần 40 năm kinh nghiệm chiến đấu - chỉ huy đội pháo binh. Trong khi đó, chỉ huy pháo binh Nga là Alexander of Imereti, một hoàng thân 26 tuổi - người chỉ có vài tháng nghiên cứu về cơ sở lý thuyết của việc chế tạo súng năm 1697.

Chiều 18/11/1700, vua Charles XII cùng binh sĩ tới tiếp viện cho pháo đài Narva. Quân Thụy Điển tiếp cận làng Lagena - cách Narva hơn 10 km. Thời điểm đó, vua Thụy Điển không biết chắc chắn liệu pháo đài Narva đã bị quân Nga chiếm hay chưa nên lệnh cho quân lính bắn súng ra hiệu. Một tiếng súng vọng ra từ bên trong pháo đài là tín hiệu tốt với Charles XII - Narva vẫn do Thụy Điển kiểm soát.

Quân Nga nhận được tin báo quân tiếp viện của Thụy Điển đã đến nên tướng De Croy ra lệnh tăng cường cảnh giác và chuẩn bị vũ khí sẵn sàng chiến đấu.

Ngày 19/11/1700, vua Charles XII bố trí 9.000 quân ở vị trí đối diện với phía quân Nga bao vây pháo đài Narva. Quân số của người Nga khi đó rơi vào khoảng từ 34.000 đến 40.000 người, theo Robert I. Frost - một nhà sử học người Anh.

Quân Thụy Điển tiếp cận doanh trại của người Nga vào khoảng 10h và chuẩn bị tấn công. Charles XII cùng các tướng lĩnh kiểm tra vị trí chính xác của quân Nga. Một số nhóm binh sĩ Thụy Điển vượt qua các hào bao quanh doanh trại quân Nga. De Croy cho rằng đây chỉ là một nhóm quân tiên phong của Thụy Điển. Sheremetev - chỉ huy nhóm kỵ binh Nga, đề xuất dẫn quân ra khỏi vị trí cố thủ và tấn công quân Thụy Điển. Tuy nhiên, đề xuất này không được các tướng lĩnh khác ủng hộ.

Cuối cùng De Croy quyết định để quân đội Nga phòng thủ giữa 2 hàng thành lũy dài hơn 6 km. Tuy nhiên, khoảng không gian giữa các thành lũy không đều và có nhiều doanh trại nên gây khó khăn cho việc điều động, tập hợp binh lính. Ở trung tâm vị trí của quân Nga là đồi Goldenhof.

Vua Charles XII của Thụy Điển chia bộ binh thành 2 nhóm, hướng về phía bắc và phía nam đồi Goldenhof. Ở cánh phải (phía nam) của quân Thụy Điển là 11 tiểu đoàn dưới sự chỉ huy của tướng Vellingk. Ở cánh trái (phía bắc) là 10 tiểu đoàn do thống chế Rehnskiöld lãnh đạo.

Kỵ binh Thụy Điển che chắn 2 bên sườn cho bộ binh và có nhiệm vụ ngăn quân Nga chạy khỏi công sự. Trong khi đó, 37 khẩu pháo của pháo binh của Thụy Điển được bố trí ở một khu vực nhỏ, bắn phá những vị trí trọng yếu của Nga mà Thụy Điển đã lên kế hoạch tấn công trước đó, theo nhà sử học Mỹ Robert K. Massie.

Cơn bão tuyết “định mệnh”

Bản đồ bố trí quân của Nga (màu xanh lá) và Thụy Điển (vàng) trong trận Narva năm 1700. Ảnh: WP

Bản đồ bố trí quân của Nga (màu xanh lá) và Thụy Điển (vàng) trong trận Narva năm 1700. Ảnh: WP

Khoảng 14h ngày 19/11/1700, quân Thụy Điển đã chuẩn bị xong. Thời điểm đó, thời tiết bất ngờ chuyển biến xấu khi một trận bão tuyết xảy ra. 

Một số chỉ huy Thụy Điển đề nghị tạm hoãn cuộc tấn công cho đến khi bão tan nhưng khi gió đổi chiều thổi tuyết che tầm nhìn của người Nga, vua Charles XII nhận thấy cơ hội "trời ban" liền ra lệnh tiến công, theo sử gia người Anh Jeremy Black. 

Lợi dụng tầm nhìn bị ảnh hưởng do bão tuyết, quân Thụy Điển có thể tiếp cận phòng tuyến của Nga trong phạm vi 50 mét mà không bị phát hiện. Quân Thụy Điển sau đó bất ngờ tấn công vào phía nam và phía bắc dọc công sự của Nga, khiến các binh sĩ Nga không kịp trở tay. 

Các trung đoàn quân Nga được tổ chức chưa hợp lý cộng với việc bị tấn công bất ngờ nên hoảng loạn và dễ bị đánh bại. Tướng De Croy nhanh chóng đầu hàng. Các binh sĩ Nga bỏ chạy qua Kamperholm, cây cầu duy nhất bắc qua sông Narova - ở rìa phía bắc phòng tuyến của Nga. Khi số lượng linh lính di chuyển quá đông, cây cầu đã bị sập. 

Ở cánh phải (phía bắc) của quân Nga, chỉ còn 2 trung đoàn vệ binh đủ điều kiện chiến đấu. Họ xây dựng đội hình thành một hình vuông, bố trí các chướng ngại vật ngẫu nhiên và kiên cường chiến đấu. 

Để khích lệ tinh thần chiến đấu của các binh sĩ Thụy Điển, vua Charles XII đích thân dẫn quân tấn công vào khu vực này nhưng thất bại. Hầu hết các chỉ huy Nga, trong đó có Avtonom Golovin và Trubetskoy, cùng tham gia chiến đấu với cánh quân ở cánh phải, bất chấp tướng chỉ huy De Croy đã đầu hàng. 

Ở cánh trái (phía nam) của quân Nga, chỉ huy Weide của Nga bị thương nặng ngay từ đầu trận chiến nhưng các binh sĩ của ông không hoảng loạn, thậm chí còn phản công thành công trước quân Thụy Điển. Tuy nhiên, quân của Weide không thể liên kết với các cánh quân còn lại của Nga. 

Sau cuộc đụng độ đầu tiên, các chỉ huy của quân đội Nga bị mất tinh thần và quyết định đầu hàng. Trong khi đó, quân Thụy Điển cũng không còn đủ sức để truy đuổi tàn quân.

Cánh phải quân Nga buông vũ khí sớm nhất. Vua Charles XII của Thụy Điển cho phép cánh quân này quay về an toàn nếu họ chấp nhận bỏ lại quân kỳ và vũ khí. Cánh trái của quân Nga do chỉ huy Weide lãnh đạo trụ được lâu hơn nhưng không thể lật ngược tình thế. Cuối cùng, Weide và các binh sĩ Nga cũng phải chấp nhận hạ vũ khí đầu hàng. Toàn bộ vũ khí, quân kỳ của Nga bị tịch thu. 

Quân Thụy Điển và Nga cùng nhau sửa lại cầu Kamperholm. Các binh sĩ Nga đầu hàng di chuyển qua cầu này để tới bờ phải của sông Narova. 

Thụy Điển giữ lại các tướng lĩnh và chỉ huy Nga với tư cách là con tin để đảm bảo Moscow thực hiện các điều khoản đầu hàng. Nhưng sau đó, vua Charles XII vi phạm thỏa thuận và giữ họ lại như tù binh. 

Quân Nga bại trận phải giao nộp cờ và hạ vũ khí trước quân Thụy Điển trong trận Narva  năm 1700. Ảnh minh họa: Pinterest

Quân Nga bại trận phải giao nộp cờ và hạ vũ khí trước quân Thụy Điển trong trận Narva  năm 1700. Ảnh minh họa: Pinterest

Đội quân của Peter Đại đế dưới sự chỉ huy của tướng ngoại quốc De Croy đã thất bại trong trận Narva. Theo trang Britannica, khoảng gần 1 vạn quân Nga thiệt mạng, trong khi con số này của Thụy Điển là khoảng 2.000. 

Thụy Điển cũng thu giữ nhiều vũ khí của Nga như hơn 4.000 khẩu súng, 173 khẩu pháo, 22 súng cối...

Sau trận Narva, Peter Đại đế nhận ra những điểm yếu của quân đội Nga và lập tức tăng cường hiện đại hóa quân đội. Trong khi đó, vua Charles XII lại tự đắc cho rằng Nga không còn là mối lo ngại với Thụy Điển. Nhận định sai lầm này khiến vị vua trẻ phải trả giá đắt trong một trận đánh 9 năm sau đó.

---------------------------

Năm 1709, vua Charles XII đem quân Thụy Điển tiến đánh Nga trong trận Poltava - trận đánh được xem là quan trọng nhất trong đại chiến Bắc Âu. Trong một lần cưỡi ngựa xem xét tình hình, vua Charles bị trúng đạn vào chân trái. Sự cố nhỏ ngoài ý muốn này vô tình lại ảnh hưởng rất lớn tới kết quả trận đánh. Cụ thể ra sao, mời độc giả đón đọc bài kỳ tới đăng trên mục Thế giới lúc 19h ngày 25/7.

Trận đánh đưa Nga lên vị thế ”bá chủ” khu vực

Khác với trận Narva khi quân Nga kéo tới Thụy Điển, ở trận Poltava, vị vua trẻ Charles XII của Thụy Điển đem quân tiến đánh nước Nga của Peter Đại đế. Đây được xem là trận...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lâm Nhã Du - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN