Trận chiến kỳ lạ bậc nhất châu Âu: Quân Anh đại thắng Pháp nhờ không mặc quần
Đối mặt với đội kỵ binh đông đảo và mạnh mẽ vượt trội của Pháp, quân Anh dưới sự chỉ huy của vua Henry V đã làm nên chiến thắng nổi tiếng bậc nhất lịch sử châu Âu nhờ chính điều mà họ cũng không ngờ tới.
Vua Henry V của Anh lên đường chinh phạt nước Pháp (tranh: Pictolic)
Năm 1413, Henry V lên ngôi hoàng đế nước Anh, ông yêu cầu Pháp phải thần phục nhưng bị khước từ. Năm 1415, Henry V quyết tâm san bằng nước Pháp để khẳng định uy quyền, theo History.
Tháng 8/1415, Henry V dẫn 15.000 quân tấn công nước Pháp. Pháp từng bước rút lui, nhưng không đầu hàng. Trước khi mở các trận đánh lớn, người Pháp muốn từng bước tiêu hao sinh lực của quân Anh. Gần như toàn bộ đồng ruộng, hoa màu, làng mạc trên đường tấn công của quân Anh bị Pháp thiêu rụi, các giếng nước cũng bị đầu độc.
Dịch kiết lỵ bùng phát trong quân đội Anh, khiến khoảng 5.000 người mất sức chiến đấu. Henry V phải gửi bệnh binh về Calais – vùng đất Anh chiếm của Pháp từ năm 1346, theo Pictolic.
Ở châu Âu vào thời Trung cổ, kiết lỵ được xem là bệnh nguy hiểm và rất khó cứu chữa. Bệnh này gây ra tình trạng đi ngoài quá nhiều, thậm chí là mất kiểm soát. Một người mắc kiết lỵ có thể đi ngoài 10 – 20 lần/ngày và rơi vào tình trạng kiệt sức, mất nước nghiêm trọng. Bệnh kiết lỵ cướp đi mạng sống của nhiều quân Anh, trong đó có cả một vị giám mục tham gia cuộc viễn chinh được Henry V kính trọng.
Binh sĩ Anh không mặc quần do mắc bệnh kiết lỵ trong trận Azincourt (ảnh minh họa trên trang History)
Tháng 10/1415, quân Anh tiến đến Azincourt (khu vực thuộc vùng Hauts-de-France, tỉnh Pas-de-Calais, miền Bắc nước Pháp ngày nay). Henry V cho đội quân của mình triển khai thế trận bao vây, nhưng sau đó bị bất ngờ khi nhận ra rằng lực lượng Pháp có ít nhất 30.000 quân, trong đó có 10.000 kỵ sĩ mang giáp nặng.
Tai họa với Henry V chưa dừng lại ở đó. Không lâu trước khi quân Anh đặt chân đến Azincourt, dịch kiết lỵ lại bùng phát mạnh một lần nữa. Từ 15.000 người trong lực lượng ban đầu, bước vào trận chiến Azincourt, Henry chỉ còn có thể chỉ huy khoảng 7.000 người còn sức chiến đấu, trong đó có 3.000 cung thủ, theo History.
Bất chấp nhiều lời can ngăn, hoàng đế Anh quyết không rút lui. Henry V ra quân lệnh nghiêm ngặt nhằm tách những người bị bệnh khỏi những người lính khỏe mạnh. Đặc biệt, Henry V ưu tiên bảo vệ nhóm cung thủ - nòng cốt cho kế hoạch tấn công kỵ binh Pháp của ông.
Trong khi chuyển dần những binh sĩ mất sức chiến đấu về hậu phương, Henry V yêu cầu quân đội không được náo loạn và phải nghiêm chỉnh thực hiện cách ly. Tướng lĩnh vi phạm sẽ bị tước ngựa và yên cương. Binh sĩ vi phạm có thể bị cắt một bên tai, theo Medium.
Như để tăng thêm phần khổ sở cho quân Anh, những cơn mưa mùa thu trút xuống khiến đường hành quân thêm lầy lội. Để bớt vướng víu, các binh sĩ người Anh vứt lại hết hành lý trên đường. Đối phó với những chiếc quần dính đầy bùn đất và phân, họ chọn cách vứt đi và chiến đấu trong tình trạng không mặc quần.
Đối đầu với quân Anh trong tình trạng suy kiệt là đội quân Pháp hùng mạnh với khoảng 30.000 lính được ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ.
Theo History, ngày 25/10/1415, đại chiến Azincourt bùng nổ. Henry V đã thể hiện tài cầm quân xuất sắc khi biến trận chiến tưởng chừng là thảm họa với quân Anh trở thành một trong những chiến thắng lẫy lừng nhất của Anh ở thời Trung cổ. Địa hình chiến đấu lầy lội và sức mạnh cung thủ được cho là 2 nguyên nhân quan trọng nhất giúp Anh thắng trận.
Quân Pháp thiệt hại nặng trong làn mưa tên (tranh: Pictolic)
Trận quyết chiến giữa quân Anh và quân Pháp diễn ra trên một cánh đồng trống trải. Henry V đã có quyết định sáng suốt khi ra lệnh cho tất cả kỵ binh xuống ngựa, dàn thế trận cung tên để bảo vệ đội hình chính trước kỵ binh Pháp. Để chống lại kỵ binh Pháp, Henry V còn cẩn thận cho bố trí nhiều cọc nhọn trước đội hình.
Cuộc chiến mở màn, quân Pháp đã tỏ ra khinh địch khi thúc ngựa xông lên phía trước bất chấp địa hình lầy lội. Đáp trả họ là những loạt mưa tên bắn ra từ cung thủ Anh.
Cung thủ là lực lượng quan trọng của Anh trong trận chiến Azincourt. Lính Anh sử dụng những cây cung lớn, cao bằng một người trưởng thành, bắn xa và sức sát thương mạnh hơn đáng kể so với nỏ của Pháp. Mũi tên từ cung thủ Anh bắn ra đủ sức xuyên thủng giáp sắt của kỵ binh Pháp. Khi áp sát được đội hình của Anh, quân Pháp đã thiệt hại nặng.
Chứng kiến đội kỵ binh ngã gục, bộ binh Pháp ào ạt xông lên và tiếp tục bị Anh dội “mưa tên” theo đúng nghĩa đen. Khoảng cách đội hình giữa Anh và Pháp trong trận Azincourt chỉ hơn 300 mét, nhưng hàng nghìn lính Pháp đã nằm lại dưới các vũng lầy vì trúng tên. Một sai lầm khác của quân Pháp trong trận Azincourt là họ sử dụng kiếm thay vì dùng lao. Điều này khiến lính Pháp gặp khó khăn khi muốn đánh giáp lá cà với quân Anh, theo Pictolic.
Chiến đấu trong địa hình lầy lội, việc không mặc quần là “điểm cộng” của quân Anh khi họ có thể di chuyển nhanh hơn, tiết kiệm sức lực so với lính Pháp được trang bị đầy đủ nhưng nặng nề và chạy chậm.
Đại chiến Azincourt, quân Anh thắng lớn (ảnh: Warhistoryonline)
Đội hình quân Pháp nhanh chóng tan vỡ, họ rút lui trong hoảng loạn và bị quân Anh đuổi giết. Theo History, khoảng 7.000 lính Pháp đã chết trong trận chiến Azincourt, trong khi Anh chỉ thiệt hại vài trăm người.
Sau trận Azincourt, Pháp phải thần phục Anh và nước Anh nghiễm nhiên trở thành cường quốc quân sự hùng mạnh nhất châu Âu thời Trung cổ. Tên tuổi của những cung thủ Anh không mặc quần trong trận Azincourt cũng được nhắc đến hàng trăm năm sau đó.
Năm 1422, Henry V qua đời. Trớ trêu thay, ông mất vì bệnh kiết lỵ.
Mùa hè năm 1914, cán cân an ninh châu Âu có dấu hiệu lung lay dữ dội khi các cường quốc mới nổi như Đức, đế quốc Áo – Hung muốn tranh giành thuộc địa với Anh, Pháp. Trong bối...
Nguồn: [Link nguồn]