Trận chiến buộc Hitler phải tự sát, Đức quốc xã đầu hàng vô điều kiện

Trong suốt một năm, Hồng quân Liên Xô đã chiến đấu để mở đường tiến về Berlin với quyết tâm "kết liễu" Đức quốc xã. 

Lá cờ Liên Xô treo ở thủ đô Berlin, Đức, khi Đức quốc xã đầu hàng. Ảnh: Bygone Era

Lá cờ Liên Xô treo ở thủ đô Berlin, Đức, khi Đức quốc xã đầu hàng. Ảnh: Bygone Era

Tính tới mùa xuân năm 1945, Thế chiến II đã diễn ra ác liệt ở châu Âu hơn 5 năm. Những trận chiến tàn khốc kéo dài nhiều năm gây ra thiệt hại lớn về nhân mạng và phá hủy nhiều thành phố, thị trấn. 

Kể từ năm 1941, Liên Xô đã chiến đấu với quân Đức quốc xã ở đông Âu. Hàng triệu người lính Hồng quân đã hy sinh để đẩy lùi cuộc xâm lược của Hitler vào lãnh thổ Liên Xô. 

Vào tháng 6/1944, các cuộc đổ bộ thành công của quân Đồng minh ở Pháp đã cho phép người Mỹ và người Anh giành lại các vùng đất mà Đức quốc xã từng chiếm ở Pháp, đẩy lùi phe Trục (Đức, Ý, Nhật). Cùng lúc đó, Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Joseph Stalin, bắt đầu chiến dịch ở mặt trận phía đông. Trong suốt một năm, Hồng quân Liên Xô đã chiến đấu để mở đường tiến về Berlin với quyết tâm "kết liễu" Đức quốc xã. 

Hồng quân mở đường tới Berlin

Ngày 22/6/1944, 3 năm sau khi quân Đức quốc xã xâm chiếm lãnh thổ Liên Xô, Hồng quân đã phát động chiến dịch Bagration - một cuộc phản công quy mô lớn trên mặt trận phía đông, chủ yếu nhằm vào cụm tập đoàn quân Trung Tâm - lực lượng hùng mạnh một thời của Đức quốc xã, từng tiến vào ngoại ô thủ đô Moscow của Liên Xô trong chiến dịch Barbarossa của Hitler năm 1941. 

Kể từ khi giành lại được từ Đức quốc xã gần như toàn bộ phần đất thuộc lãnh thổ của Liên Xô trước khi Thế chiến II bắt đầu, Hồng quân giờ đây tiến về khu vực các nước Baltic và Belorussia (Belarus ngày nay).

Phán đoán Hồng quân sẽ tấn công vào khu vực phía nam gần Ukraine và khu vực Biển Đen, Đức quốc xã dồn quân tới khu vực này mà không đề phòng ở khu vực của cụm tập đoàn quân Trung tâm, nơi sau đó bị hơn 1 triệu lính Hồng quân tấn công trực tiếp. 

Hitler khiến mọi thứ tồi tệ hơn khi yêu cầu binh sĩ ở khu vực bị Hồng quân tấn công ác liệt không được phép rút lui. Quân Đức quốc xã dù có chống trả nhưng thất thế trước sức mạnh của Hồng quân Liên Xô và chịu tổn thất nặng nề.

Tập đoàn quân số 4 và số 9 của Đức quốc xã bị tiêu diệt khi các cánh quân của Hồng quân tạo ra thế gọng kìm tấn công thành phố Minsk (Belorussia). 

Quân đoàn thiết giáp số 3 của Đức quốc xã cũng bị thiệt hại nặng nề. Hồng quân sau đó tiến vào Đức và Ba Lan. Tháng 1/1945, Liên Xô kiểm soát Warsaw (Ba Lan). 

Trong thời gian đó, Hồng quân Liên Xô đã có những bước tiến dài ở phía bắc, nơi nhiều đạo quân tiến tới từ các nước vùng Baltic và Đông Phổ, và giành nhiều chiến thắng ở phía nam, nơi họ khuất phục các đồng minh của Hitler như Romania. 

Sau khi Liên Xô chiếm được các mỏ dầu ở thành phố Ploesti (Romania), cắt đứt nguồn cung cho quân Đức quốc xã, vua Michael I của Romania đã lật đổ thành công Ion Antonescu - kẻ độc tài thân Đức quốc xã - và nhượng bộ Liên Xô. 

Bulgaria, nước vốn là đồng minh của Hitler, cũng đã đổi phe. Hungary cũng định theo hướng này nhưng bị Hitler tìm cách giữ lại với phe Trục cho tới tháng 2/1945 khi thủ đô Budapest thất thủ. 

Tới thời điểm này, Liên Xô đã sẵn sàng tung đòn "kết liễu" Đức quốc xã của Hitler.

Nhà lãnh đạo Stalin của Liên Xô đã "chơi mạnh tay" khi gặp Tổng thống Mỹ thời điểm đó là Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill tại thành phố Yalta của bán đảo Crimea vào tháng 2/1945. 

Những chiến tích thời điểm đó của Hồng quân giúp Liên Xô chiếm Đông Đức, trong khi quân Mỹ, Anh và Pháp chiếm khu vực Tây Đức. 

Các khu vực chiếm đóng riêng biệt cho Liên Xô và phe Đồng Minh đã được lên kế hoạch sẵn tại cuộc gặp giữa nguyên thủ 3 nước Liên Xô, Mỹ, Anh tại Yalta cùng với kế hoạch phân chia Berlin hậu chiến tranh. Việc còn lại lúc này là quốc gia nào sẽ chiếm được Berlin.  

Berlin thất thủ

Hồng quân Liên Xô ở thủ đô Berlin, Đức, ngày 9/5/1945. Ảnh: History Images

Hồng quân Liên Xô ở thủ đô Berlin, Đức, ngày 9/5/1945. Ảnh: History Images

Ngày 16/4/1945, Hồng quân tổng tấn công Berlin với sự tham gia của 2,5 triệu quân; hơn 41.000 súng cối và đại bác; hơn 3.200 dàn pháo; hơn 6.000 xe tăng và pháo tự hành cùng 7.500 máy bay.

Trận quyết đấu lần này, Hồng quân có sự tham gia của 3 phương diện quân, gồm phương diện quân Belorussia 2 do nguyên soái Konstantin Rokossovsky chỉ huy, phương diện quân Belorussia 1 do nguyên soái Georgy Zhukov chỉ huy và phương diện quân Ukraine 1 do nguyên soái Ivan Konev thống lĩnh. 

Tại hướng chính diện, phương diện quân Belorussia 1 tấn công quân Đức quốc xã tại điểm cao Seelow ở phía tây sông Oder. Trước đó, quân Đức đã mở đập trên sông Oder gây ngập lụt ở các vùng đất thấp, buộc Hồng quân phải tấn công chính diện Seelow, nơi được bố phòng kiên cố. 

Nguyên soái Zhukov cho sử dụng nhiều dàn đèn pha phòng không chiếu thẳng vào quân phòng thủ Đức quốc xã trong các cuộc tấn công ban đêm, nhưng hiệu quả không đáng kể. Quân Đức quốc xã, dưới sự chỉ huy của tư lệnh Heinrici, phòng thủ điểm cao Seelow rất khó chịu.

Hồng quân chịu tổn thất rất lớn tại tuyến đầu Seelow mà không thể xuyên phá tuyến phòng thủ Đức theo như dự tính. 

Để tạo thêm động lực cho nguyên soái Zhukov, nhà lãnh đạo Stalin nói với nguyên soái này rằng sẽ điều quân của nguyên soái Konev ngược lên phía bắc chiếm Berlin nếu phương diện quân Belorussia 1 không thể vượt qua được Seelow. 

Nguyên soái Zhukov, khi đó đang cạnh tranh quyết liệt với nguyên soái Konev, dĩ nhiên không chịu nhường bước. Ông dốc toàn lực vào trận chiến Seelow, kể cả việc huy động các lực lượng xe tăng dự định dùng để tấn công thọc sâu sau này... Và cuộc tấn công tổng lực đó đã mang lại kết quả thuận lợi cho Hồng quân. Phương diện quân Belorussia 1 đã dần đánh chiếm được các tuyến chiến hào Seelow. 

Sau 3 ngày cận chiến khốc liệt, tuyến phòng thủ cuối cùng tại Seelow đã bị đè bẹp vào ngày 19/4. Hàng trăm nghìn binh sĩ Đức quốc xã tháo chạy nhưng bị Hồng quân bao vây. 

Tại phía nam, cuộc tấn công của phương diện quân Ukraine 1 - do nguyên soái Konev chỉ huy - ngay từ ngày đầu đã diễn ra thuận lợi.

Phương diện quân của Konev nhanh chóng "nghiền nát" phòng tuyến của Đức quốc xã trên sông Neisse, đồng thời xuyên phá vào tuyến ngăn cách giữa tập đoàn quân xe tăng số 4 và tập đoàn quân xe tăng số 9 của Đức quốc xã. Sự đột phá này làm rối loạn tuyến phòng thủ Đức, tạo điều kiện cho phương diện quân Belorussia 1 đập tan sự kháng cự của quân Đức quốc xã tại Seelow. 

Để trợ giúp cho cánh quân của nguyên soái Zhukov, nhóm đã chậm tiến độ tấn công, nguyên soái Konev theo chỉ đạo của Stalin, ngày 20/4 tiến lên phía bắc để bao vây Berlin. Một mũi xe tăng của phương diện quân Ukraine 1 đã tiến vào phía tây Berlin. 

Tại phía bắc, phương diện quân Belorussia 2 của nguyên soái Rokossovsky liên tiếp vượt sông Oder để  tấn công quân Đức quốc xã. Cánh quân của nguyên soái Rokossovsky đã "giữ chân" tập đoàn quân xe tăng số 3 của Đức quốc xã - định phản công giải vây cho Berlin từ phía bắc. 

Ngày 26/4/1945, nửa triệu lính Hồng quân tấn công dữ dội vào trung tâm Berlin, nơi Hitler đang trú ngụ. Với việc thành phố đã bị Hồng quân bao vây hoàn toàn, Berlin không thể cầm cự được lâu dài.  

Tuy nhiên, việc đánh chiếm nội đô Berlin diễn ra phức tạp hơn rất nhiều khi quân Đức quốc xã chống cự đến cùng. Hai bên chiến đấu giành giật từng khu phố, từng ngôi nhà. 

Những lực lượng phòng thủ cuối cùng ở Berlin, bao gồm các đơn vị của lực lượng Waffen-SS và đơn vị vũ trang Volkssturm, đã chống trả tới cùng tại các đường hầm và đường phố. Nhưng cuối cùng đều bị Hồng quân Liên Xô đánh bại.

Hitler tự sát, Đức quốc xã chính thức đầu hàng vô điều kiện 

Binh lính Đức quốc xã bị bắt ở thủ đô Berlin vào tháng 4/1945. Ảnh: Twitter GDW Colorizations

Binh lính Đức quốc xã bị bắt ở thủ đô Berlin vào tháng 4/1945. Ảnh: Twitter GDW Colorizations

Ngày 30/4/1945, Adolf Hitler tự sát trong hầm trú ẩn. Thi thể của trùm phát xít được các phụ tá đốt theo lệnh. Tối cùng ngày, Hồng quân Liên Xô tiến vào Reichstag (tòa nhà quốc hội cũ của Đức) và giương cao quốc kỳ Liên Xô. 

Các lực lượng Đức quốc xã thừa nhận thất bại ngày 2/5/1945. Năm ngày sau, đại đô đốc Karl Dönitz, người được Hitler trao quyền Thống chế trong di chúc, đã ký hiệp ước đầu hàng Đồng minh vô điều kiện.

Nguồn: [Link nguồn]

Câu chuyện sốc về cách Liên Xô ”nghiền nát” 40 vạn quân Đức quốc xã

Sau hàng loạt động thái phục vụ cho kế “nghi binh”, Liên Xô đã khiến Đức quốc xã phán đoán sai và phải trả giá đắt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Trùm phát xít Hitler Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN