Trạm vũ trụ ISS bị thủng: Có bàn tay phá hoại từ bên trong?
Giới chức Nga không loại trừ khả năng có người phá hoại từ bên trong, khiến trạm vũ trụ ISS bị thủng một lỗ nhỏ, làm rò rỉ không khí ra ngoài không gian.
Lỗ thủng trên trạm vũ trụ ISS có đường kính khoảng 2mm.
Người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Dmitry Rogozin nói lỗ thủng trên một tàu vũ trụ Nga ghép nối với trạm ISS là kết quả của mũi khoan từ bên trong. Đó có thể do các nhà du hành thực hiện khi ở Trái đất hoặc ngay trong vũ trụ.
Các phi hành gia trên ISS đã phải dùng băng keo để bịt lỗ thủng sau khi nó làm giảm áp suất không khí trong trạm. Lỗ thủng này không đe dọa tính mạng của các phi hành gia nhờ được phát hiện kịp thời.
"Có dấu hiệu khoan lỗ nhiều lần", ông Rogozin nói trên truyền hình Nga. Cụ thể, mũi khoan dường như được thực hiện bởi "bàn tay con người". Người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga đặt nghi vấn có thể đây là một sơ suất trong chế tạo hoặc có thể là một hành động phá hoại có chủ đích.
Người đứng đầu cơ quan vũ trụ Nga Dmitry Rogozin.
"Chúng tôi không loại trừ khả năng có sự can thiệp có chủ ý trong không gian", ông Rogozin nói thêm. Nga sẽ thành lập một ủy ban điều tra độc lập để lấy lại “danh dự” cho Energiya, công ty chế tạo tàu không gian Soyuz của Nga.
Phía NASA từ chối bình luận về thông tin trên, nói rằng cơ quan vũ trụ Nga có trách nhiệm trả lời mọi thắc mắc của truyền thông.
Một nghị sĩ Nga thì đặt ra khả năng có phi hành gia phá hoại để có thể trở về nhà sớm hơn. “Chúng ta đều là con người, nên có thể ai đó muốn được về nhà sớm. Nhưng cách này khó có thể thành công”, nghị sĩ Maxim Surayev, người từng là phi hành gia nói. “Tôi hi vọng đây chỉ là sự cố trong quá trình sản xuất. Bởi nếu do phi hành gia gây nên thì mọi chuyện thực sự tồi tệ”.
Phi hành gia làm việc bên ngoài trạm vũ trụ ISS.
Nguồn tin trong ngành công nghiệp vũ trụ Nga nói trên TASS rằng lỗ thủng có thể được hình thành khi tàu vũ trụ được đem đi thử nghiệm ở Kazakhstan. “Có ai đó đã dùng keo che đi lỗ thủng. Nhưng khi tàu Soyuz ráp nối với trạm ISS, vết che đậy này bị phơi bày”.
Công ty Energiya tuyên bố sẽ kiểm tra lại toàn bộ các tàu Soyuz và cả các tàu không người lái làm nhiệm vụ mang nhu yếu phẩm lên trạm ISS để đảm bảo rằng, không có sự cố nào tương tự xảy ra dưới mặt đất.
Các phi hành gia sử dụng những vật dụng rất đơn giản để bịt vết nứt làm rò rỉ khí oxy ra ngoài.