Trăm tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu: Phạm pháp nghiêm trọng!

Trong lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông, tàu thuyền của Trung Quốc và các quốc gia khác chỉ được đi qua không gây hại chứ không được phép neo đậu.

Sau khi phát hiện hàng trăm tàu Trung Quốc (TQ) xuất hiện ở đá Ba Đầu, thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định TQ đã vi phạm chủ quyền Việt Nam, đồng thời yêu cầu TQ chấm dứt việc vi phạm này.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Vũ Thanh Ca (ảnh), giảng viên cao cấp ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, khẳng định TQ vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế. Vị chuyên gia luật biển quốc tế cũng cảnh báo Việt Nam và các nước ASEAN cần thận trọng cao độ trước ý đồ chiếm đá Ba Đầu, làm bàn đạp khống chế cụm Sinh Tồn, phục vụ ý đồ bành trướng Biển Đông mà TQ đang từng bước thực hiện. 

Rất nhiều tàu cá TQ là tàu ngụy trang của lực lượng dân quân biển, thường xuyên đe dọa, quấy phá hoạt động của tàu thuyền nước khác. Trong ảnh: Tàu cá TQ ở Trường Sa. Ảnh: NTF-WPS

Rất nhiều tàu cá TQ là tàu ngụy trang của lực lượng dân quân biển, thường xuyên đe dọa, quấy phá hoạt động của tàu thuyền nước khác. Trong ảnh: Tàu cá TQ ở Trường Sa. Ảnh: NTF-WPS

 Tàu vũ trang giả danh tàu cá

. Phóng viên: Bắc Kinh mới đây bị tố là “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam” khi có đến hàng trăm tàu được cho là tàu dân quân biển (còn TQ gọi là tàu cá) xuất hiện ở đá Ba Đầu, thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa. Vì sao TQ thường xuyên sử dụng các đoàn tàu vũ trang ngụy trang tàu cá để đến Biển Đông, thưa ông? 

PGS-TS Vũ Thanh Ca

PGS-TS Vũ Thanh Ca

+ PGS-TS Vũ Thanh Ca: Tôi cho rằng TQ đang tiếp tục thực hiện ý đồ “tằm thực” (hay còn gọi là tằm ăn lá dâu), từng bước độc chiếm Biển Đông. Để làm được điều này, TQ triển khai rất nhiều chiến thuật, trong đó nổi bật nhất là chiến thuật vùng xám. Nội dung chính của chiến thuật này là sử dụng lực lượng vũ trang không chính quy để cưỡng ép, bắt nạt, quấy rối, gây căng thẳng nhưng không tới mức tạo ra xung đột vũ trang. 

Bắc Kinh muốn làm cho các quốc gia xung quanh Biển Đông mệt mỏi tới mức không thể tiếp tục thực hiện một cách liên tục những hoạt động bảo vệ chủ quyền, quyền và các lợi ích quốc gia trên biển và do vậy để vùng biển mất vào tay TQ. 

. Điều đáng lo ngại của các nhóm tàu vũ trang đội lốt tàu cá của TQ là gì?

+ Thành phần chính của lực lượng vũ trang không chính quy của TQ để thực hiện chiến thuật vùng xám là lực lượng dân quân biển trá hình thành ngư dân hoạt động trên các tàu cá có vũ trang. Đây là những tàu cá rất lớn, có khả năng chịu sóng gió tốt, có tốc độ di chuyển khá nhanh và được trang bị các vũ khí cần thiết để tham gia hỗ trợ các tàu chấp pháp của TQ bao vây, tấn công và tự vệ khi cần thiết. 

Các tàu này cũng được trang bị một số phương tiện đánh bắt cá nhưng nhiệm vụ chủ yếu của các tàu này không phải là đánh bắt cá mà là tổ chức các hoạt động cưỡng ép, bắt nạt, thậm chí đâm va các tàu cá và các tàu thực thi pháp luật hợp pháp của các nước xung quanh Biển Đông hoạt động trong vùng biển của mình nhưng lại “chồng lấn” với vùng biển “thuộc quyền tài phán” phi pháp nằm trong phạm vi “đường lưỡi bò” hoặc “vùng biển liên quan” tới Tứ Sa mà TQ luôn rêu rao. 

Đã từ lâu người ta thấy rằng các tàu này thường xuyên neo đậu tại chỗ thành từng nhóm với mục đích sẵn sàng hỗ trợ các tàu TQ hoạt động trái phép trong vùng biển các nước xung quanh Biển Đông. Hoạt động của các tàu này chịu sự điều phối chung của hải quân và hải cảnh TQ. Trong sự kiện giàn khoan 981 vào khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam cũng như các vụ tàu khảo sát, thăm dò của TQ thăm dò tài nguyên trái phép trong vùng biển Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông khác, các tàu cá này đã hoạt động rất tích cực để cản trở các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam và các nước khác.

Như vậy, việc hơn 220 tàu cá TQ neo đậu tại khu vực đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa là một hoạt động rất đáng nghi ngại. Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông cần phải cảnh giác với sự kiện các tàu cá TQ neo đậu tại khu vực này vì rất có thể TQ đang thực hiện một âm mưu làm thay đổi hiện trạng khu vực, thậm chí chiếm đá Ba Đầu.

Vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam

. Hành vi của TQ bị Việt Nam cáo buộc là “xâm phạm chủ quyền của Việt Nam” được luật pháp quốc tế bảo vệ. Cụ thể, có thể thấy hành vi của TQ sai trái ra sao?

+ Đá Ba Đầu là một rạn san hô hình chữ V có tổng diện tích khoảng 10 km2, chỉ nổi lên khỏi mặt nước khi triều xuống thấp. Đá này nằm cách đảo Sinh Tồn Đông của Việt Nam dưới 10 hải lý. Do vậy, theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, điểm có mực nước triều thấp nhất trên đá này có thể được sử dụng để vẽ đường cơ sở cho đảo Sinh Tồn Đông. Nói cách khác, đá này là một phần của đảo Sinh Tồn Đông và do vậy, thuộc chủ quyền Việt Nam. 

Vùng biển nằm phía trong đá này là nội thủy của Sinh Tồn Đông và vùng biển rộng 12 hải lý bao quanh đá này và đảo Sinh Tồn Đông cũng như các bãi ngầm xung quanh khác là lãnh hải của Sinh Tồn Đông. Theo quy định của UNCLOS, tàu thuyền TQ không được vào và neo đậu trong đá này nếu không có sự cho phép của Việt Nam. Trong lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông, tàu thuyền của TQ và các quốc gia khác chỉ được đi qua không gây hại chứ không được phép neo đậu. Như vậy, việc tàu cá TQ neo đậu tại khu vực này là trái với quy định của luật pháp quốc tế.

Tình hình sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều nếu TQ có âm mưu chiếm đá Ba Đầu vì như vậy TQ đã xâm chiếm đất của Việt Nam bằng vũ lực, vi phạm quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc và Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, vi phạm tuyên bố của các bên ở Biển Đông và các cam kết quốc tế khác về việc giữ nguyên hiện trạng và giữ gìn hòa bình, ổn định trên Biển Đông.

. Rõ ràng TQ đang lấn từng bước và duy trì chiến lược vùng xám, tức là tạo căng thẳng nhưng không gây chiến tranh. Giải pháp nào hiệu quả dành cho các nước Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam, để đối phó với mưu đồ này của TQ?

+ Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông cần luôn cảnh giác, theo dõi những động thái của TQ để có đối sách phù hợp. Đối với những hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế, Việt Nam cần kết hợp tốt các hình thức đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý trên cơ sở tạo sự đồng thuận với các nước xung quanh Biển Đông và các nước ASEAN khác. 

Việt Nam và các nước ASEAN nói chung và các nước xung quanh Biển Đông nói riêng cần tiếp tục hợp tác mạnh mẽ hơn với các nước ngoài khu vực để đảm bảo sự thực thi của luật pháp quốc tế, duy trì tự do hàng hải, hàng không, hòa bình và ổn định trên Biển Đông. 

Tôi muốn nhấn mạnh rằng: Chỉ có tạo thành một mặt trận rộng khắp toàn thế giới mới có thể kiềm chế được TQ. Đặc biệt, các lực lượng thực thi pháp luật trên biển phải luôn kiềm chế để không tạo cớ cho TQ gây chiến tranh, nhân cơ hội chiếm đảo và chiếm biển.•

 Lý do Trung Quốc muốn chiếm đá Ba Đầu

Cụm đảo Sinh Tồn là một cụm đảo cực kỳ quan trọng vì nếu TQ chiếm được cụm đảo này, TQ sẽ sử dụng cụm đảo này cùng với các đảo khác mà TQ chiếm giữ tạo thành một thế liên hoàn, chia Biển Đông thành hai phần: Phía bắc và phía nam. Mục tiêu chiến lược của TQ khi muốn chiếm vùng này là dựa vào thế liên hoàn để khống chế Biển Đông. 

Nếu chiếm đá Ba Đầu, TQ sẽ khống chế được cả cụm đảo, trong đó có Sinh Tồn Đông do Việt Nam đang nắm giữ hợp pháp. Với sức mạnh hiện có, sau khi chiếm đá, TQ sẽ quấy rối, ngăn trở các nước xung quanh Biển Đông khai thác, sử dụng tài nguyên trong vùng biển của mình và tiến tới buộc các nước này phải chia sẻ tài nguyên với TQ. 

PGS-TS VŨ THANH CA

Nguồn: [Link nguồn]

Nhật Bản có quyền nổ súng vào tàu Trung Quốc trong hoàn cảnh nào?

Tờ Kyodo News của Nhật bản gần đây đăng bài viết nhấn mạnh, “Nhật Bản giờ đây có thể nổ súng vào tàu nước ngoài,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỖ THIỆN ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN