Trách nhiệm Gia Cát Lượng trong cái chết của Ngụy Diên

Gia Cát Lượng sớm qua đời vì lâm trọng bệnh, không kịp giải quyết những mâu thuẫn tồn tại trong nội bộ nhà Thục Hán mà điển hình là việc để cho Ngụy Diên chết oan.

Trách nhiệm Gia Cát Lượng trong cái chết của Ngụy Diên - 1

Gia Cát Lượng (phải) và Ngụy Diên trong phim truyền hình Trung Quốc.

Theo trang mạng TimeTW (Trung Quốc), Ngụy Diên (177-234), tự Văn Trường, là đại tướng nhà Thục Hán thời Tam Quốc. Trong chiến dịch Bắc phạt của Gia Cát Lượng (228-234), ông giữ chức Tiền quân sư, Chinh Tây đại tướng quân, Giả tiết, lĩnh chức Hán Trung thái thú, Nam Trịnh hầu (chỉ xếp sau Thừa tướng Gia Cát Lượng).

Con người Ngụy Diên

Các học giả Trung Quốc sau này đều tán thành rằng Ngụy Diên được cho là vị tướng có tài, dũng cảm, là một trong những trụ cột của nhà Thục Hán.

Về ưu điểm, Ngụy Diên là một dũng tướng, luôn muốn lập công đầu, thua trận mà không nhụt chí. Ngụy Diên trên chiến trường anh dũng quên thân, không màng sinh tử, thích nổi tiếng, giành đánh trận nguy hiểm, luôn muốn hướng đến chiến thắng.

Ngụy Diên cũng là người có đầu óc chiến lược. Năm 228, Gia Cát Lượng mang quân đánh Ngụy, họp tướng sĩ ở Nam Trịnh bàn kế. Nghe tin Ngụy Minh Đế Tào Tuấn sai phò mã Hạ Hầu Mậu đóng quân ở Tây An để phòng thủ Trường An, Ngụy Diên bèn hiến kế với Gia Cát Lượng, dùng 5.000 quân tinh nhuệ, theo đường Tý Ngọ đánh lên Trường An.

Tuy nhiên Gia Cát Lượng cho rằng kế này của Ngụy Diên quá mạo hiểm, dễ tổn hại binh sĩ nên không nghe theo, mà chủ định đi theo đường bằng phẳng cho an toàn. Các sử gia Trung Quốc hầu hết đều ghi nhận kế sách của Ngụy Diên nhưng cũng cho rằng, Gia Cát Lượng có lý do để không làm theo.

Học giả Trung Quốc Dịch Trung Thiên nhận định trong Cuốn Phẩm Tam quốc: "Sở dĩ Ngụy Diên phải ấm ức vì Gia Cát Lượng biết Ngụy Diên có chí lớn diệt Tào Ngụy, mong lập công, nhưng Gia Cát Lượng không thể nói hết với ông rằng, việc đánh Ngụy trên thực tế chỉ là "lấy công để thủ" chứ diệt Ngụy là việc không thể làm được”.

Trách nhiệm Gia Cát Lượng trong cái chết của Ngụy Diên - 2

Ngụy Diên cả đời tận trung, cuối cùng phải nhận lấy cái chết thảm.

Gia Cát Lượng hiểu rõ thực lực, nhân sự của Tào Ngụy không dễ bị đánh bại ngay bằng một vài trận. Mặt khác, Gia Cát Lượng không thể không thận trọng bởi những sai lầm khi Quan Vũ đánh Tương Phàn, Lưu Bị đánh Di Lăng.

Các sử gia cũng bác bỏ luồng ý kiến căn cứ vào Tam Quốc diễn nghĩa cho rằng Gia Cát Lượng không tin tưởng Ngụy Diên nên không muốn dùng ông, vì ông vốn là trọng thần từ thời Lưu Bị và tiếp tục được Gia Cát Lượng tin tưởng, đề bạt trong thời Hậu chủ Lưu Thiện.

Cuối cùng, các học giả đánh giá Ngụy Diên là người có tính cách thẳng thắn, đã nói là làm, làm việc không hề ngần ngại khó khăn. Nhưng điều này cũng khiến ông gặp không ít rắc rối. Bởi càng về sau này, Ngụy Diên càng gây thêm rắc rối, không lắng nghe ai khác ngoài Gia Cát Lượng.

Cái chết khó tránh khỏi

Ngụy Diên mưu phản được xem là một trong những nghi án lớn nhất thời Tam Quốc. Các sử gia Trung Quốc sau này đồng tình rằng, nhà văn La Quán Trung phác họa Ngụy Diên mưu phản là sự sai lệch, không đúng với lịch sử.

Nhà bình luận Tam Quốc nổi tiếng Trung Quốc Dịch Trung Thiên cho rằng, phán xét Ngụy Diên mưu phản là “vô duyên vô cớ, chẳng có bằng chứng, không hợp logic”.

Phục tùng là thiên chức của quân nhân, nếu Gia Cát Lượng đã hạ lệnh đoạn hậu, thì Diên phải phục tùng, sao có thể tự ý hành động hoặc muốn lật đổ Thục Hán? Nếu mưu phản, Diên chỉ có theo hàng Tào Ngụy và phải chạy ngay sang phía đối diện, chẳng có lý do gì phải dẫn quân xuống phía nam.

Nhưng dù không phải là mưu phản, cái chết của Ngụy Diên sau khi Gia Cát Lượng qua đời là điều khó tránh khỏi. Bởi mâu thuẫn không thể dàn xếp giữa ông và Dương Nghi, người cũng muốn trở thành Thừa tướng nhà Thục sau khi Gia Cát Lượng qua đời.

Sử gia Trung Quốc Trần Thọ nhận định, Ngụy Diên không có ý muốn hàng Tào Ngụy mà thực chất muốn diệt kẻ thù riêng là Dương Nghi. Nếu Dương Nghi chết thì chỉ có Ngụy Diên là người kế tục Gia Cát Lượng và như vậy, ông có thể tiếp tục theo đuổi chiến dịch Bắc phạt.

Trách nhiệm Gia Cát Lượng trong cái chết của Ngụy Diên - 3

Phác họa hình ảnh Ngụy Diên.

Bản thân Dương Nghi sau khi hại chết Ngụy Diên lại hoàn toàn thất vọng vì không được lựa chọn trở thành người kế tục Gia Cát Lượng mà lại là Tưởng Uyển. Khi Phí Vĩ đến an ủi, Dương Nghi nói ra miệng: “Biết thế này, chẳng thà theo Ngụy Diên tạo phản cho xong”.

Quân sư Phí Y đến thăm và an ủi, Dương Nghi mang sự oán thán nói với Phí Y. Phí Y nghe được, lẳng lặng về tâu lại với Hậu chủ Lưu Thiện. Năm 235, Lưu Thiện hạ lệnh bãi chức Dương Nghi, phế làm dân thường đày xuống quận Gia.

Đến quận Gia, Dương Nghi vẫn tỏ ý phản kháng, dâng thư phỉ báng triều đình. Triều đình liền hạ lệnh bắt giam. Dương Nghi uất ức mà tự sát trong ngục tù.

Trách nhiệm của Gia Cát Lượng

Các nhà sử học Trung Quốc hầu hết đều cho rằng Dương Nghi là kẻ phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án Ngụy Diên. Do mâu thuẫn cá nhân mà Dương Nghi giết chết đại tướng của nước Thục, tội lớn hơn Ngụy Diên nhiều lần.

Ngụy Diên lập nhiều công lao to lớn với chính quyền Thục Hán, không có sai sót gì, chịu tiếng xấu oan ức, thậm chí bị tru di tam tộc, lượng hình nặng đến thế đều do một tay Dương Nghi tạo ra.

Trong lần xuất quân ra Kì Sơn lần thứ 5, Gia Cát Lượng lâm bệnh nặng, trước khi mất chỉ kịp dặn dò, "sau khi ta chết, tướng lĩnh sẽ lui quân, sai Ngụy Diên đoạn hậu, tiếp nữa là Khương Duy, nhược bằng Ngụy Diên không vâng mệnh, cứ tự dẫn quân rút về”.

Trách nhiệm Gia Cát Lượng trong cái chết của Ngụy Diên - 4

Để Ngụy Diên chết oan là một trong những sai lầm lớn nhất của Gia Cát Lượng.

Phân tích di mệnh của Gia Cát Lượng, các học giả nhận thấy, Lượng cho đến chết vẫn hết mực tin tưởng Ngụy Diên. Bởi người dẫn quân đoạn hậu phải là mãnh tướng bậc nhất, lại phải là người trung thành nhất. Trong lần thứ nhất Bắc phạt, người dẫn quân đoạn hậu rút về chính là Triệu Vân.

Còn việc “Nếu Ngụy Diên không vâng mệnh" là vì Gia Cát Lượng hiểu Ngụy Diên, dũng tướng này vốn kiêu ngạo, khó có thể nghe sắp đặt của người nào khác.

Nhìn lại quá trình thành lập nhà Thục, Gia Cát Lượng đã lập được không ít công trạng. Nhưng Khổng Minh cũng mắc sai lầm khi không xử lý mâu thuẫn giữa các tướng lĩnh một cách thỏa đáng. Điển hình là việc Quan Vũ tỏ ý coi thường các tướng khác trong ngũ hổ tướng, để rồi đơn phương dẫn quân đi đánh Tào Ngụy, dẫn đến cái chết thảm.

Đến cuối đời, cách xử lý không thỏa đáng của  Gia Cát Lượng vẫn khiến tình hình nhà Thục trở nên rối ren. Ông tin Ngụy Diên nhưng lại có ý ưu ái Dương Nghi nhiều hơn. Đến lúc Dương Nghi nghĩ mình sẽ trở thành Thừa tướng thì hóa ra, Gia Cát Lượng đã gửi mật biểu lên Hậu chủ Lưu Thiện, tiến cử Tưởng Uyển thay mình

Ý đồ của Gia Cát Lượng trên hết là nhanh chóng đưa đại quân về Thành Đô để bảo vệ sự ổn định Thục Hán, tránh khả năng Dương Nghi dẫn đại quân làm phản. Chỉ có giữ được Thục Hán, sau này mới có cơ hội chấn hưng nhà Hán.

Do đó, có thể nói Gia Cát Lượng ít nhiều cũng có lỗi trong cái chết của đại tướng Ngụy Diên và cả Dương Nghi.

_____________________

Bài viết xuất bản ngày 30.3 sẽ làm rõ nguyên nhân vì sao Gia Cát Lượng chấp nhận lấy người vợ xấu xí bậc nhất thời Tam quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Khổng Minh Gia Cát Lượng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN