TQ yêu cầu Mỹ dừng ngay việc “kết thân” với Đài Loan
Trung Quốc hôm 1/9 yêu cầu Mỹ dừng ngay việc tăng cường quan hệ ngoại giao mà Bắc Kinh gọi là "không chính thức" với đảo Đài Loan sau tuyên bố của Washington về một cuộc đối thoại kinh tế mới với Đài Loan.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hua Chunying. Ảnh: Daily Times
"Chúng tôi kêu gọi Mỹ dừng ngay các hoạt động với Đài Loan dưới mọi hình thức", bà Hua Chunying, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố hôm 1/9.
Bà Hua mô tả Đạo luật quan hệ Đài Loan của Mỹ (trên thực tế cho phép các quan hệ ngoại giao giữa 2 bên) là "bất hợp pháp" và "không hợp lệ", nói thêm rằng đạo luật này vi phạm nguyên tắc "Một Trung Quốc" của Bắc Kinh.
Hôm 31/8, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, David Stilwell, cho biết Mỹ và Đài Loan sẽ thiết lập một cuộc đối thoại kinh tế mới tập trung vào các chất bán dẫn, chăm sóc sức khỏe, năng lượng và các lĩnh vực công nghệ khác.
Ông Stilwell nói thêm rằng dù Mỹ đang tăng cường xây dựng mối quan hệ với Đài Loan nhưng các động thái này "vẫn nằm trong ranh giới chính sách Một Trung Quốc đã thỏa thuận với Bắc Kinh" và cuộc đối thoại lần này không bàn luận về bất kỳ điều gì liên quan đến việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan.
Bình luận của Stilwell được hoan nghênh bởi nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, người phải đối mặt với nhiều chỉ trích về quyết định dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò và thịt lợn Mỹ từ năm 2021.
Bà Thái Anh Văn. Ảnh: Taiwan Gov
Chuyên gia lên tiếng
Ni Feng, một chuyên gia Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định, cuộc đối thoại kinh tế mới là một chiến lược dài hạn chứ không phải "ván bài" bầu cử ngắn hạn của Nhà Trắng.
"Tác động của cuộc đối thoại kinh tế mới với cử tri Mỹ là rất nhỏ và sẽ mất nhiều tháng trước khi cuộc đối thoại có kết quả, trong khi bầu cử Mỹ chỉ còn 2 tháng", Ni Feng nói. Chuyên gia người Mỹ này nhận định thêm rằng tuyên bố của ông Stilwell được đưa ra dựa trên các đạo luật được thông qua gần đây, bao gồm đạo luật Du lịch Đài Loan và đạo luật Đài Bắc - 2 đạo luật nhận được sự ủng hộ của đảng Dân Chủ và Cộng hòa.
"Đây là một phần trong cách tiếp cận toàn diện nhằm tăng cường mối quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan và đảng Dân chủ cũng sẽ chấp thuận điều này", Ni nói và lưu ý cương lĩnh bầu cử của đảng Dân chủ năm 2020 bỏ qua bất cứ đề cập nào nói về chính sách "Một Trung Quốc".
Li Zhenguang, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Đài Loan, thuộc Đại học Liên hiệp Bắc Kinh, cho biết các nhượng bộ về nhập khẩu thịt bò và thịt lợn của phía Đài Loan là một "sự đền đáp" cần thiết để nhận được sự ủng hộ của Washington.
"Nói một cách dễ hiểu, Mỹ đang thiết lập đối thoại kinh tế song phương với Đài Loan, nhưng trên thực tế, mục đích của họ là xem Đài Loan có thể mang lại lợi ích vật chất nào cho Mỹ", giáo sư Li nhận định.
Đài Loan nhượng bộ Mỹ và sẽ hưởng lợi?
Hôm 31/8, Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (được xem là đại sứ quán Mỹ tại Đài Bắc), đã hoan nghênh Đài Loan khi thực hiện các bước theo đúng cam kết về mở cửa thị trường cho thịt bò và thịt heo nhập khẩu từ Mỹ.
Theo viện này, quyết định của bà Thái Anh Văn hồi cuối tháng 8 cho phép nhập khẩu thịt bò và thịt lợn Mỹ khẳng định vị trí của Đài Loan như một "đối tác thương mại đáng tin cậy.
Tuy nhiên, bà Thái Anh Văn đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích về quyết định cho phép nhập khẩu thịt lợn và thịt bò Mỹ. Nguyên nhân là do thịt lợn và thịt bò Mỹ có chứa chất phụ gia ractopamine - được Mỹ sử dụng để tăng độ nạc cho thịt nhưng đây là chất bị cấm ở Đài Loan do lo ngại về an toàn.
Nguy cơ đối đầu Mỹ - Trung về vấn đề Đài Loan luôn hiện hữu. Ảnh minh họa: Reuters
Giáo sư Li, Đại học Liên hiệp Bắc Kinh, cảnh báo: "Cuộc đối thoại này mang lại lợi ích chính trị cho Đài Loan nhưng chỉ là bề ngoài. Nó tiềm ẩn cả những tổn thất".
Cuộc đối thoại có thể mở đường cho một thỏa thuận thương mại với Mỹ nhưng theo giáo sư Li, còn rất lâu nữa nó mới có thể được ký kết. Giáo sư Li viện dẫn các cuộc đàm phán thương mại tích cực của chính quyền ông Trump với các đồng minh châu Âu nhưng tới nay vẫn chưa được ký kết. Ông Li cũng lưu ý sự hỗ trợ của Mỹ với Đài Loan sẽ không vượt quá các nguyên tắc cơ bản trong chính sách của Mỹ.
"Nguy cơ đối đầu Mỹ - Trung về vấn đề Đài Loan luôn hiện hữu, đặc biệt là trước cuộc bầu cử Mỹ, khi mà ông Trump và ông Pompeo sử dụng 'lá bài' Đài Loan. Chúng ta không thể loại trừ căng thẳng có thể bùng phát từ eo biển Đài Loan nhưng tôi cho rằng Mỹ và Trung Quốc vẫn là các cường quốc với đội ngũ ngoại giao đầy kinh nghiệm. Các chính sách của cả 2 bên vẫn nằm trong khuôn khổ có thể kiểm soát được", giáo sư Li nói.
"Cuộc chiến" thương mại giữa Trung Quốc và Úc tiếp tục leo thang sau khi Bắc Kinh ban hành lệnh cấm đối với nhà...
Nguồn: [Link nguồn]