TQ xác nhận ký thỏa thuận an ninh với đảo quốc Solomon, gọi phản ứng của Mỹ là 'sự phóng đại căng thẳng'
Trung Quốc xác nhận việc ký thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomonvới mục đích thúc đẩy hòa bình và ổn định, và gọi các phản ứng Mỹ liên quan vụ việc là "sự phóng đại căng thẳng và kích động đối đầu".
Tờ South China Morning Post ngày 19-4 đưa tin Trung Quốc xác nhận việc ký một thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon và nói rằng nó nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định.
Cụ thể, ngày 19-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết hiệp ước “không nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào” và là “song song và bổ sung cho các cơ chế hợp tác an ninh song phương và đa phương hiện có” của quần đảo Solomon.
Theo ông Uông, Trung Quốc đã cam kết giúp đỡ Solomon “tăng cường phát triển năng lực để duy trì an ninh của chính mình”, với các lĩnh vực hợp tác bao gồm “duy trì trật tự xã hội, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thảm họa thiên nhiên”.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare trong một cuộc gặp hồi năm 2019. Ảnh: AP
Tuy nhiên, ông Uông không đề cập đến bất kỳ chi tiết nào liên quan hợp tác quân sự, mặc dù có suy đoán rằng thỏa thuận này sẽ cho phép hải quân, cảnh sát và lực lượng vũ trang của Trung Quốc triển khai tại nước này. Solomon trước đó nói rằng họ sẽ không cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.
Quần đảo Solomon lần đầu tiên cho biết họ đang thiết lập một thỏa thuận an ninh với Bắc Kinh vào tháng 3, làm dấy lên lo ngại từ Mỹ và các đồng minh như Úc và New Zealand.
Phát ngôn của ông Uông được đưa ra sau khi Washington cảnh báo thỏa thuận sẽ gây mất ổn định khu vực và thông báo sẽ mở lại đại sứ quán ở quần đảo Solomon sau 29 năm đóng cửa.
Ngoài ra, Washington cũng tuyên bố sẽ cử ông Kurt Campbell - điều phối viên phụ trách các vấn đề Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hội đồng An ninh Quốc gia và trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương - ông Daniel Kritenbrink tới Solomons trong tuần này.
Bên cạnh đó, Úc - quốc gia có quan hệ hợp tác an ninh với đảo quốc Thái Bình Dương này - cũng cố gắng thúc ép nước láng giềng tránh xa Bắc Kinh.
Lên tiếng về động thái của Mỹ, ông Uông gọi các phản ứng của Mỹ là "sự phóng đại căng thẳng và kích động đối đầu".
Đáp lại việc Mỹ cử quan chức đến hòn đảo, ông Uông nhắc lại chuyện nước này đã không cử bất kỳ nào đến thăm bất kỳ quốc đảo nào ở Thái Bình Dương trong 37 năm qua.
“Sau nhiều năm, các quan chức cấp cao của Mỹ đột nhiên đến thăm một quốc đảo ở Thái Bình Dương với sự phô trương tuyệt vời" - ông nói.
Quần đảo Solomon thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh vào năm 2019 sau khi cắt đứt quan hệ với Đài Loan.
Mỹ, Trung Quốc và Úc đều có những động thái nhằm tăng cường quan hệ với quần đảo Solomon.
Nguồn: [Link nguồn]