TQ tuyên bố về dự án đập thủy điện lớn nhất hành tinh
Tuyên bố mới của Trung Quốc về đập Tam Hiệp, đập thủy điện lớn nhất hành tinh, được xem là lời đáp trả mạnh mẽ với phương Tây.
Trung Quốc hôm 1/11 tuyên bố hoàn thiện toàn bộ dự án đập Tam Hiệp. Ảnh: FM Cable
Theo Thời báo Hoàn cầu, sau hơn 20 năm xây dựng và thử nghiệm, Trung Quốc hôm 1/11 đã tuyên bố hoàn thiện toàn bộ dự án đập Tam Hiệp khổng lồ.
Đập Tam Hiệp đã vượt qua mọi bài kiểm tra. Theo các quan chức của Bộ Thủy Lợi Trung Quốc và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc hôm 1/11, đập Tam Hiệp và hồ chứa của nó đã vận hành trơn tru và hoạt động hết công suất trong việc kiểm soát lũ lụt, phát điện, duy trì giao thông đường thủy và sử dụng tài nguyên nước.
Các chuyên gia tin rằng tuyên bố mới nhất của Bắc Kinh về đập Tam Hiệp không chỉ thể hiện tinh thần của người Trung Quốc mà quan trọng hơn, nó là một minh chứng hoàn hảo cho thành ngữ "nói dễ hơn làm" - nhắc tới việc truyền thông phương Tây liên tục bày tỏ nghi ngờ về độ an toàn của đập Tam Hiệp, nhất là trong đợt mưa lũ kỷ lục vừa qua ở Trung Quốc.
Dự án đập Tam Hiệp cho tới nay là dự án kiểm soát nước lớn nhất thế giới và là dự án thủy điện toàn diện nhất. Quá trình giám sát dự án cho thấy hoạt động của đập trên sông, việc xả lũ, giải phóng năng lượng, chuyển dòng, phát điện, giao thông đường thủy... vẫn hoạt động bình thường, giới chức Trung Quốc cho biết hôm 1/11.
Trong đợt lũ kỷ lục vào mùa hè năm nay, tính tới cuối tháng 8, hồ chứa đập Tam Hiệp đã trữ được 180 tỷ mét khối nước lũ. Thông qua việc tích nước vào hồ chứa, đỉnh lũ năm nay đã giảm 40%, và áp lực nước tại trung, hạ lưu sông Dương Tử cũng giảm đáng kể, theo một tuyên bố của Tập đoàn Tam Hiệp, đơn vị quản lý đập Tam Hiệp.
Thảm họa lũ lụt năm nay với mực nước báo động vượt mức báo động của trận lũ lịch sử năm 1998 tại hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, đã đưa dự án đập Tam Hiệp trở thành tâm điểm của truyền thông phương Tây. Nhiều tờ báo nước ngoài theo dõi sát sao để xem liệu dự án đập Tam Hiệp có thể ngăn chặn đợt lụt lịch sử này hay không.
Tính đến 23/8, đập Tam Hiệp đã ứng phó thành công với 9 trận lũ trong năm nay. Qua nhiều đợt trữ và xả, gần 29 tỷ mét khối nước lũ đã bị chặn lại.
Vào ngày 20/8, hồ chứa đập Tam Hiệp trải qua một phép thử khi tiếp nhận lưu lượng nước vào cao kỷ lục kể từ khi hồ được tích nước năm 2003.
Các chuyên gia chỉ ra rằng hiếm khi nào Trung Quốc thông báo về việc hoàn thành một dự án sau thời gian thử nghiệm dài đến vậy. Điều này cho thấy dự án đập Tam Hiệp có độ an toàn cao.
Tuyên bố của tập đoàn Tam Hiệp cho thấy, đến cuối tháng 8, dự án đập Tam Hiệp đã tạo ra hơn 1.350 nghìn tỷ kWh điện, thúc đẩy việc cung cấp điện cho khu vực miền đông, miền trung, tỉnh Quảng Đông (miền Nam) và một số khu vực khác.
Cuối tháng 8, nguồn điện sạch chất lượng cao do dự án đập Tam Hiệp tạo ra tương đương với việc tiết kiệm được 430 triệu tấn than và giảm hơn 1.000 tỷ tấn khí thải CO2.
Giới chức Trung Quốc cho biết, tổng cộng 1,3 triệu người dân, được di dời trong quá trình xây dựng dự án đập Tam Hiệp, đã cải thiện đáng kể điều kiện sống của họ. Môi trường địa chất của khu vực tái định cư và khu vực hồ chứa về tổng thể là an toàn.
"Việc phương Tây thổi phồng các vấn đề môi trường liên quan đến đập Tam Hiệp là hành động bôi nhọ Trung Quốc. Tại khu vực sông Dương Tử, nơi có dự án đập Tam Hiệp, có nhiều bãi cạn nguy hiểm và nơi đây thường xuyên xảy ra thảm họa địa chất cũng như gây khó khăn cho giao thông đường thủy.
Dự án đập Tam Hiệp đã cải thiện đáng kể điều kiện giao thông đường thủy trên sông Dương Tử và góp phần giảm nhẹ các thảm họa địa chất", He Zhiqing, nhà nghiên cứu về hưu từng làm việc tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - chuyên tìm hiểu về các thảm họa tự nhiên, chia sẻ nhận định với Hoàn cầu.
Ông Zhiqing đã nghiên cứu dự án đập Tam Hiệp trong hơn một thập kỷ. Chia sẻ với Hoàn cầu, ông Zhiqing cho biết từng tham gia nhiều hội thảo trong 10 năm qua và hầu hết học giả hay sinh viên đều thừa nhận tính đúng đắn của quyết định xây dựng đập Tam Hiệp.
Theo ông Zhiqing, đúng là dự án đập thủy điện lớn nhất hành tinh đã khiến hơn 1 triệu người phải chuyển tới nơi khác sinh sống và trong quá trình di dời, một số vấn đề không hay đã xảy ra. Tuy nhiên, truyền thông phương Tây bị chỉ trích vì chỉ chăm chăm khai thác vào yếu tố vỡ đập mà quên đi rằng người dân đang có cuộc sống tốt hơn.
Gia đình Zhiqing là một trong số những hộ phải di dời vì dự án đập Tam Hiệp. Zhiqing cho biết, trước khi chuyển đi, gia đình ông sống trong một căn nhà tồi tàn, dột nát. Sau khi di dời, gia đình ông Zhiqing chuyển tới một ngôi nhà chắc chắn, trang trí đẹp mắt.
"Chúng tôi không còn sợ lũ lụt hay hạn hán nữa khi tới nơi ở mới", ông Zhiqing nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Phát hiện gần đây của các nhà khảo cổ cho thấy, khu vực đập Tam Hiệp, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc có những hóa thạch...