TQ "tung đòn" nặng với Úc: Rồi sẽ ra sao?
Trung Quốc hôm 18/5 tuyên bố chính thức áp mức thuế hơn 80% đối với lúa mạch nhập khẩu từ Úc được cho là để "trả đũa" vụ Canberra hối thúc điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19. Động thái mới nhất của Bắc Kinh khiến nhiều người lo sợ một cuộc chiến tranh thương mại sẽ bùng nổ.
Sau khi cấm nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà cung cấp lớn của Úc, Trung Quốc tiếp tục "chơi lớn" khi áp mức thuế hơn 80% với lúa mạch nhập khẩu từ Úc. Nhiều người cho rằng đây rất có thể là khởi đầu của một cuộc trả đũa kinh tế 135 tỷ USD.
Thậm chí, Bộ trưởng Ngoại giao Úc, Simon Birmingham, còn dặn dò các nhà xuất khẩu rượu và pho mát của Úc phải đảm bảo tất cả thủ tục giấy tờ để Trung Quốc không có lý do bắt bẻ hoặc cấm nhập khẩu các mặt hàng này.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế Úc cho rằng các đe dọa từ Trung Quốc và thậm chí cả những động thái áp thuế mới nhất cũng chỉ để thị uy. Và một cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Úc sẽ không xảy ra vào thời điểm hiện tại.
Tim Harcourt, cựu chuyên gia kinh tế tại Cơ quan thương mại chính phủ Úc (Austrade) kiêm học giả tại Đại học New South Wales, cho biết Canberra là một nhà cung cấp đáng tin cậy mà Bắc Kinh không thể thiếu.
"Một cuộc tẩy chay hàng hóa Úc sẽ khiến Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Ngoài các vấn đề liên quan tới năng lượng và an ninh lương thực, người Trung Quốc còn cần quặng sắt, các chuyên gia về kỹ năng, cơ sở hạ tầng và nền giáo dục chất lượng. Bắc Kinh không muốn tự làm tổn thương mình, động thái mới nhất của họ (áp thuế) chỉ là để thị uy và sau đó mọi chuyện sẽ lại bình thường", ông Harcourt nhận định.
Theo cựu chuyên gia kinh tế của Austrade, Trung Quốc là một thị trường tiêu thụ khổng lồ với 1,3 tỷ dân và tầng lớp trung lưu đô thị cũng đang phát triển. Điều này đồng nghĩa người tiêu dùng Trung Quốc sẽ yêu cầu sản phẩm, dịch vụ với chất lượng tốt hơn mà trình độ trong nước chưa thể đáp ứng và họ phải nhập khẩu từ nước ngoài.
"Thời mà Trung Quốc còn là một nhà sản xuất hàng loạt với chi phí thấp đã qua và họ đang có một số lượng lớn người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu. Điều này mang đến cho Úc một thị trường lớn nhưng ở chiều ngược lại Trung Quốc cũng cần Úc", cựu chuyên gia kinh tế của Austrade phân tích.
Ông Harcourt cũng tranh luận rằng Trung Quốc không hoàn toàn phản đối một cuộc điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19, chỉ là Bắc Kinh không muốn bị hối thúc.
"Bắc Kinh sẽ hoan nghênh một cuộc điều tra miễn sao nó minh bạch và mang tính chất quốc tế. Đó sẽ là cơ hội để Trung Quốc chứng tỏ vai trò lãnh đạo và tinh thần hợp tác quốc tế. Quan trọng nhất, một cuộc điều tra về nguồn gốc dịch Covid-19 giúp chúng ta ngăn chặn được các đợt bùng phát mới hoặc kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Đó thực sự là tin tốt với người Trung Quốc và toàn thế giới", ông Harcourt nói.
Hôm 15/5, Trung Quốc cho biết sẽ chấp thuận một cuộc điều tra với điều kiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ thực hiện, theo Daily Mail.
Trong khi đó, tờ ABC hôm 19/5 dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp Úc, David Littleproud, cho biết Úc sẽ không bị cuốn vào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và sẽ không "trả đũa" việc Bắc Kinh áp thuế hơn 80% với lúa mạch của Canberra làm tê liệt xuất khẩu sang thị trường tỷ dân.
Ông Littleproud cho biết "vô cùng thất vọng" với Trung Quốc nếu việc áp thuế lúa mạch Úc là để "trả đũa" lời kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 của Canberra.
Úc là nhà cung cấp lúa mạch lớn nhất cho Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu lúa mạch của Úc sang Trung Quốc một năm nằm trong khoảng 1,5 -2 tỷ USD, chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu của Úc.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Úc gần đây rơi vào trạng thái căng thẳng khi Canberra nhiều lần kêu gọi một cuộc điều tra về nguồn gốc của Covid-19.
Dù Úc khẳng định việc điều tra về Covid-19 chỉ nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phục vụ khoa học nhưng Trung Quốc lại cho hành động của Úc là “chiêu trò chính trị” và “mánh khóe nhỏ mọn”.
Nguồn: [Link nguồn]
Các nhà khoa học đã tạo ra một bước đột phá lớn trong cuộc chiến chống lại virus gây dịch Covid-19 khi phát hiện một...