TQ: Tình cờ đào được mộ cổ 2.200 năm tuổi thời Hán, bất ngờ khi mở nắp quan tài
Một ngôi mộ cổ có niên đại 2.200 năm tuổi được phát hiện ở thành phố Trùng Khánh, phía tây nam Trung Quốc. Điều khiến các nhà khảo cổ kinh ngạc là tình trạng cực kỳ nguyên vẹn của ngôi mộ và bên trong chứa nhiều cổ vật độc đáo chưa từng thấy.
Khu vực khai quật ngôi mộ 2.200 năm tuổi thời Tây Hán ở Trùng Khánh.
Theo China Daily, ngôi mộ cổ được phát hiện vào năm ngoái nhưng gần đây mới được các nhà khảo cổ Trung Quốc công bố. Ngôi mộ được xác định có niên đại năm 193 trước Công Nguyên (TCN). Đây là ngôi mộ cổ sớm nhất được tìm thấy vào thời nhà Tây Hán (năm 202 TCN - 24). Nhà Hán là một trong các triều đại phát triển rực rỡ nhất lịch sử Trung Quốc với những ảnh hưởng sâu rộng đến tận ngày nay.
Huang Wei, người đứng đầu nhóm khai quật thuộc Viện nghiên cứu khảo cổ và di tích văn hóa Trùng Khánh, nói với hãng thông tấn Tân Hoa Xã rằng việc phát hiện ngôi mộ là một sự tình cờ.
"Chúng tôi nghĩ khu vực này có các ngôi mộ thời Đông Hán (năm 25 - 220) dựa vào các dấu vết khảo cổ. Nhưng không ngờ lại đào được một ngôi mộ thời Tây Hán", ông Huang nói.
Ông Huang cho biết, các nhà khảo cổ đã khảo sát khu vực kể từ tháng 3/2023 do đây sẽ là nơi xây dựng một dự án thủy điện trên sông Ô Giang.
Vài tháng sau, các nhà khảo cổ đào được một số ngôi mộ. Nhưng đáng chú ý nhất là ngôi mộ thời Tây Hán. Khi dỡ nắp quan tài, các nhà khảo cổ phát hiện ngôi mộ chứa đầy nước trong. Ngôi mộ ngập nước là trường hợp rất hiếm khi xảy ra ở Trung Quốc và đây cũng là lần đầu tiên ở Trùng Khánh, các chuyên gia cho biết.
"Ngôi mộ ngập nước hình thành khi nước ngầm thấm qua. Có một lớp bùn đặc biệt đóng vai trò bịt kín ngôi mộ. Bùn và cát còn sót lại chìm xuống dưới đáy quan tài", Tang Xuefeng, giám đốc Bảo tàng Jingmen ở tỉnh Hồ Bắc, giải thích.
Ngôi mộ ngập nước trong vắt là dấu hiệu cho thấy các cổ vật bên trong vẫn còn cực kỳ nguyên vẹn. Nước đã có thể giúp ngăn không khí thoát ra ngoài và bảo vệ cổ vật khỏi bị ăn mòn.
Sau khi bơm nước khỏi ngôi mộ, các nhà khảo cổ phát hiện một tấm gỗ ghi thời điểm ngôi mộ được niêm phong, cụ thể là vào năm 193 TCN.
Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã thu hồi 600 cổ vật nguyên vẹn bên trong mộ. Nhiều cổ vật độc đáo đến mức chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào khác.
Một khám phá quan trọng là việc tìm thấy lịch Can chi (hệ thống lịch xác định giờ, ngày tháng của người Trung Quốc cổ đại) trong mộ. Lịch Can chi thường được người xưa khắc lên gỗ trước khi phát minh ra giấy.
"Bộ thẻ gỗ này được bảo quản tốt, có đục lỗ hình tròn ở hai bên. Chúng tôi tin rằng có thể chúng đã được nối lại với nhau bằng những sợi dây, nhưng vì đây là lần đầu tiên những vật thể này được phát hiện nên chúng tôi vẫn cần xác minh mục đích sử dụng và chôn cất", ông Huang nói.
Ngôi mộ còn chứa một trong những bộ sưu tập đồ gốm lớn, các hiện vật làm từ tre, sơn mài và gỗ ở vùng thượng lưu sông Dương Tử.
Các hiện vật đáng chú ý khác bao gồm một vỏ kiếm được trang trí đặc biệt, một ngọn giáo dài 2 mét, một cây cung dài 1,2 mét. Dấu vết của ngũ cốc, trái cây như hạt dẻ. Các hiện vật có thể là những thứ mà chủ nhân ngôi mộ yêu thích khi còn sống.
Các chuyên gia cho biết, các hiện vật trong mộ phản ánh đặc điểm hội nhập giữa các nền văn hóa khi triều đại Tây Hán bắt đầu có chỗ đứng và mở rộng ảnh hưởng ra bên ngoài.
Các nhà khảo cổ suy luận, với số lượng cổ vật được chôn cùng lớn đến vậy, chủ nhân ngôi mộ chắc chắn phải là người có địa vị cao.
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy một lá thư viết dưới dạng thẻ tre đóng vai trò là "thư giới thiệu", giúp người chết có thể "sang thế giới bên kia" một cách dễ dàng hơn.
Trong thời gian tới, các nhà khảo cổ Trung Quốc sẽ cố gắng tìm hiểu danh tính chủ nhân ngôi mộ, chức vụ của người này trong bộ máy chính quyền thời Tây Hán.
Phấn trắng cổ xưa nhất thế giới được sử dụng để trang điểm được tìm thấy bên trong ngôi mộ của một quý tộc từng sống ở Trung Hoa cách đây hơn 2.700 năm, sớm hơn 300...
Nguồn: [Link nguồn]